"Địa chỉ đỏ" trên đất Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bảo tàng Quân đoàn 3 đang lưu giữ nhiều hiện vật, hình ảnh và tư liệu lịch sử của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên. Đây là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ và thế hệ trẻ.
Những tư liệu, hiện vật quý
Đưa chúng tôi đi tham quan khu vực trưng bày, Trung tá Nguyễn Cảnh Minh-Giám đốc Bảo tàng Quân đoàn 3-cho biết: Nơi đây đang lưu giữ hơn 5.500 tư liệu, hình ảnh, hiện vật mang giá trị lịch sử to lớn về những chiến công vang dội của lực lượng vũ trang Mặt trận B3-Quân đoàn 3 và nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Trong đó có nhiều hiện vật quý như: Bức quyết tâm thư điểm chỉ bằng máu của các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 68 gửi Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương thể hiện tinh thần sẵn sàng hy sinh trước khi nổ súng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Hay như chiếc máy điện thoại mà Đại tướng Chu Huy Mân và Đại tướng Văn Tiến Dũng từng dùng để chỉ huy các đơn vị của Mặt trận B3 và cánh quân giải phóng Tây Nguyên...
“Chúng tôi luôn coi đây là những tư liệu vô giá cần được bảo quản, giữ gìn cẩn thận nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn”-Trung tá Nguyễn Cảnh Minh nói.
Trong số hàng ngàn kỷ vật, tài liệu trưng bày tại đây, chúng tôi vô cùng ấn tượng với tấm dù của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Xuân Phôi. Kể về kỷ vật thiêng liêng này, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Vinh-nhân viên Bảo tàng-cho biết: “Tháng 11-1965, trong chiến dịch Plei Me, Đại úy Lê Xuân Phôi đã chỉ huy Tiểu đoàn 8 đánh thiệt hại 2 đại đội thuộc Sư đoàn Kỵ binh Không vận số 1 của Mỹ. Mặc dù bị thương rất nặng ở bụng nhưng anh vẫn không lùi về tuyến sau mà dùng tấm dù này ga rô vết thương để tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Khi tới thăm Bảo tàng, nhiều du khách đã không cầm được nước mắt khi nghe chúng tôi kể về sự  hy sinh anh dũng ấy. Tháng 8-1995, Đại úy Lê Xuân Phôi được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Một kỷ vật khác cũng thu hút sự quan tâm của du khách là khẩu súng máy 12,7 mm. Trong Chiến dịch Xuân-hè 1972 tại chiến trường Kon Tum, với khẩu súng này, Khẩu đội trưởng Trần Phúc Yên (Trung đoàn 40) đã đánh trả nhiều đợt tấn công của không quân Mỹ và diệt gọn 6 chiếc trực thăng. Hay như chiếc bình hoa được làm bằng vỏ đạn pháo của Xưởng quân giới X53 dùng để cắm hoa trong lễ truy điệu Bác Hồ tổ chức tại Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên vào ngày 6-9-1969.
Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Vinh giới thiệu những kỷ vật trưng bày tại Bảo tàng Quân đoàn 3. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Vinh giới thiệu những hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Quân đoàn 3. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Điểm nổi bật ở Bảo tàng Quân đoàn 3 là còn lưu giữ những tư liệu của chế độ Mỹ-ngụy như: nhật ký của Tổng thống Dương Văn Minh; con dấu của Bộ Tổng Tham mưu ngụy; kiếm lệnh, gậy đầu rồng của Đại tướng Cao Văn Viên-Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam Cộng hòa...
“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống
Nhiều năm qua, Bảo tàng Quân đoàn 3 đã trở thành điểm đến của cán bộ, chiến sĩ, du khách và nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Vượt quãng đường hơn 100 km, các thầy-cô giáo Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum) đưa các em học sinh đến Bảo tàng sinh hoạt ngoại khóa.
Cô giáo Phạm Thị Hoài cho biết: “Chúng tôi muốn các em tận mắt thấy nhiều kỷ vật, tư liệu về những chiến công của quân và dân các dân tộc Tây Nguyên. Mục đích là giáo dục cho các em hiểu rằng, để có cuộc sống tươi đẹp hôm nay là nhờ vào sự anh dũng hy sinh của các thế hệ cha ông đi trước”.
Nhiều năm qua, một số đơn vị, trường học trong tỉnh cũng chọn Bảo tàng Quân đoàn 3 làm nơi tổ chức các buổi sinh hoạt Đoàn, Đội. Em Võ Lâm Ngọc Quỳnh (lớp 9, Trường THCS Trần Phú, TP. Pleiku) chia sẻ: “Hôm nay, nhà trường vừa tổ chức cho chúng em tham quan Bảo tàng vừa tiến hành kết nạp đoàn viên. Em rất vinh dự vì được đứng vào hàng ngũ của Đoàn, được trao thẻ đoàn viên và huy hiệu Đoàn tại đây”.
Theo Trung tá Nguyễn Cảnh Minh, mỗi năm, Bảo tàng đón khoảng 3.000 lượt khách tham quan. “Chúng tôi luôn ý thức được mình đang gìn giữ những kỷ vật, tài liệu quý hiếm, thiêng liêng. Chính vì thế, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Bảo tàng luôn chăm sóc, bảo quản tốt nhất những hiện vật, tư liệu ấy”-Trung tá Nguyễn Cảnh Minh chia sẻ.
VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

(GLO)- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 580/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích An Phú (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku).

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.