Phát hiện 'siêu phẩm' ruộng bậc thang khắc trên đá cổ ở Mù Cang Chải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong hai khối đá lộ thiên mới được phát hiện, có "siêu phẩm" ruộng bậc thang khắc trên đá cổ tại bản Hú Trù Lình thuộc khu nhà ông Sú Chế Nhù, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

 Ruộng bậc thang khắc trên đá cổ. (Nguồn: baovanhoa.vn)
Ruộng bậc thang khắc trên đá cổ. (Nguồn: baovanhoa.vn)


Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái Lý Kim Khoa cho biết, trong tháng 7/2020, Bảo tàng tỉnh Yên Bái phối hợp Phòng Văn hóa-Thông tin và Ủy ban Nhân dân xã Lao Chải tiếp tục mở rộng khảo sát, thám sát nghiên cứu các bãi đá khắc cổ đợt II, phát hiện được 6 khối đá trong đó có hai khối đá lộ thiên.

Một trong hai khối trên đã có "siêu phẩm" ruộng bậc thang khắc trên đá cổ tại bản Hú Trù Lình thuộc khu nhà ông Sú Chế Nhù, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Khối thứ nhất có hình mai rùa, chiều cao 2,8m, chiều dài 3,7m và chiều rộng 2,6m. Toàn thân được khắc phủ kín dày đặc, lặp đi lặp lại đề tài hình "ruộng bậc thang" công phu, bố cục đẹp mắt, ngoài ra chưa phát hiện được được hình đề tài khác.

Các vết khắc uốn lượn theo cụm, theo bề mặt lồi lõm, còn rất rõ nét. Đây cũng là khối đá sa thạch được khắc đẹp nhất về đề tài này.

Khối đá thứ hai nằm cách khối đá thứ nhất 200m về hướng Bắc, có hình lưng con trâu, cũng nằm trong khu nương nhà ông Sú Chế Nhù.

Khối đá này bị vỡ 1/4 phần đầu, có chiều dài 3,5m, chiều rộng 1,4m và chiều cao 1,3m, trên đỉnh “lưng trâu” này khắc phủ kín đề tài hình "ruộng bậc thang."

[Lễ hội khám phá danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải]

Đây cũng là khối đá có các hình khắc khá công phu, nắn nót và hình khắc đẹp như hình khoáy lưng trâu, hiện nay đang được gia đình ông Nhù bảo vệ còn nguyên vẹn và nguyên trạng.

Ông Lý Kim Khoa cho biết thêm, trong đợt điều tra mở rộng phạm vi khảo sát nghiên cứu đợt II này, phần nhiều các khối đá có hình khắc lạ đều được bà con người H'Mông phát hiện khi làm nương, trồng rừng. Đồng bào thấy các biểu tượng lạ mà gần gũi và cho đó là đá thiêng, không ai dám phá nên các vết khắc biểu tượng, vết khắc ước lệ được bảo vệ, giữ lại.

Các khối đá sa thạch khắc cổ khu vực này có vị trí khá gần nhau, cách nhau từ 20m đến 5km, có khối đá chìm, có khối đá nổi trên triền sườn dốc cách các con khe suối nhỏ khoảng 30-100m.

Đáng lưu ý là tất cả các khối đá khắc cổ được phát hiện lần này đều nằm ở vị trí cao thoáng, từ đây có thể nhìn bao quát rộng xung quanh, xa xa những khối sa thạch có khắc lạ này là ruộng bậc thang người dân đang canh tác sản xuất và rừng thông, rừng tái sinh đầu nguồn.

Ngoài ra, khi các gia đình người H'Mông trong bản có con cháu ốm đau, các cụ thầy cúng cao niên mang lễ ra cúng chữa bệnh tại một khối đá có với ý nghĩa cúng xua đuổi tà ma ác, sâu bọ phá hoại mùa màng, vật nuôi... Nhờ đó, các khối đá khắc cổ ở nơi đây được đồng bào H'Mông bảo vệ tốt hơn.

Thời gian tới, Bảo tàng tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà khảo cổ học, dân tộc học, lịch sử tiếp tục mở rộng phạm vi điều tra hơn nữa ra tất cả các bản là Lao Chải, Dào Xa, Cáng Dông, Cồ Dề Sáng A, Cồ Dề Sán B, Đề Súa, Dào Cu Nha, Trống Khua và Háng Gàng thuộc xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Xã Lao Chải có 14 bản, hiện mới điều tra được 5/14 bản, phát hiện 12/37 khối đá có dấu vết khắc lạ tiêu biểu trên địa bàn xã. Các bản khác còn ẩn chứa nhiều thông tin mới lạ cho đợt điều tra mở rộng sắp tới.

Sau khi điều tra trên địa bàn xã Lao Chải và các xã lân cận để thống kê, đánh giá giá trị, lập bản đồ phân bố vị trí các khối đá khắc cổ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái sẽ đề xuất với tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn xây dựng hồ sơ khoa học trình các cấp có thẩm quyền công nhận, bổ sung thêm nội dung mới vào chương trình du lịch khám phá Danh thắng đặc biệt Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải, qua đó bảo vệ và khai thác, phát huy giá trị Di sản Văn hóa đặc biệt cấp quốc gia này.

Trước đó, năm 2015, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã điều tra đợt I trên địa bàn 2 bản Tà Ghênh và Hồng Nhì Pá của xã Lao Chải. Kết quả đã thống kê được 6/20 khối đá tảng, đá phiến lớn có hình khắc tỷ mỉ, uốn lượn mềm mại ngang theo mặt lồi, lõm của mặt đá với đề tài hình ruộng bậc thang là đề tài chính khắc trên các khối đá ở nơi đây.

Theo Đức Tưởng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.