Mẹ Ngùy giữ bóng Hoành Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hơn 30 năm, mẹ Nguyễn Thị Ngùy (xã Kỳ Nam, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cùng chồng sớm hôm quét dọn, chăm sóc di tích Hoành Sơn Quan trên đỉnh Đèo Ngang. Thời gian trôi đi, tuổi tác của mẹ càng lớn thì công đức của mẹ với bóng Hoành Sơn như lớp rêu phong lưu giữ mãi nơi đỉnh đèo.  

 Mẹ Ngùy dưới di tích Hoành Sơn Quan
Mẹ Ngùy dưới di tích Hoành Sơn Quan



Hương khói giữ ấm di tích

Năm nay đã 84 tuổi, hàng ngày, mẹ Ngùy vẫn cuốc bộ 4 cây số lên Hoành Sơn Quan (di tích được vua Minh Mạng cho xây vào năm 1833) quét dọn và hương khói dù chùa chiền, miếu mạo bên mái núi mà tiền nhân xưa đã xây cất, nay ngã đổ chỉ còn lớp nền hoang tàn.

Bên cửa Hoành Sơn, mẹ Ngùy kể: Hồi còn nhỏ nghe người lớn kể trên núi Đèo Ngang có Hoành Sơn Quan từng một thời nổi tiếng với bao người lui tới.  Sau này qua Đèo Ngang người Pháp làm đường cho ô tô đi thì Hoành Sơn Quan cũng bị bỏ quên, dấu tích đền thờ miếu mạo cũng trở nên hoang phế.

Năm 1990 chồng mẹ là ông Bùi Đức Bản (nay đã mất) bảo: “Dấu xưa cha ông qua lại, cũng là nơi bao anh hùng hào kiệt từng ghé chân, bao tao nhân mặc khách từng đến, giờ có đường cái ô tô chạy bon bon, nên dấu tích bỏ lãng quên. Mình không phát lau lách, hương khói thì có tội với tiền nhân, trong lòng áy náy. Nghĩ vậy, ông xin vợ chút tiền, mua cây rựa, đùm cơm, phát lau đi tìm Hoành Sơn Quan. Ông ở lại khói hương trên núi, hết gạo thì đi bộ về đưa khoai, đưa gạo lên dọn dẹp sạch sẽ. Có lúc mẹ gùi gạo mắm lên cho ông ở lại cả mùa đông mưa gió bão bùng”.

Ông Bản một mình cúc cung với di tích cổ kính, ở nhà mẹ Ngùy làm lụng tiếp tế. Đến năm 2000, ông Bản mất ở tuổi 86. Trước khi qua đời, ông Bản cầm tay vợ nói: “Bà làm thay tui, đừng bỏ Hoành Sơn Quan ngày nào, cần quét dọn, khói hương cho ấm lòng với di tích, với đất trời”. Từ đó mẹ Ngùy thay chồng hàng ngày bên cửa Hoành Sơn.

Mùa thu, Đèo Ngang mây núi rợp trời, gió lùa man mác, cỏ lau lập lòe từng bước chân. Bên dưới hầm đường bộ, xe cộ tấp nập, đường đèo họa hoằn lắm mới có người vào như chúng tôi. Mẹ Ngùy dựng cái lán nhỏ ở mé núi heo hút, chiếc chổi mòn vẹt. Chiều chạng vạng, mẹ vừa xách giỏ gạo từ dưới nhà lên.

Mẹ nói: “Đi như thế này thật mệt. Nhưng đã hứa với chồng, với tiền nhân thì dù còn sống ngày nào, còn đi ngày đó”. Mẹ kể thêm: “Ngày xưa du khách qua lại nhiều hơn vì chưa có hầm đường bộ, người ta vứt rác lung tung, vỏ lon xả bừa bãi, hai vợ chồng nhắc nhở, người ta lại mắng: Đất của gì ông bà mà lo chuyện bao đồng. Chúng tôi chỉ im lặng, nhặt từng vỏ lon, từng chai nhựa xuống núi bán kiếm tiền mua chổi để quét; họ vứt giấy lung tung cũng phải hốt, họ bỏ đồ ăn thừa cũng phải dọn, không kiên trì thì chắc bỏ lâu rồi, nhưng bỏ thì thương di tích không ai chăm bẳm nên mỗi ngày đi qua lại cố thêm một ngày, một tháng đi qua cố thêm một tháng, nhiều tháng cộng lại thành năm, nhiều năm cộng lại thì tuổi nay đã già. Một ngày không lên thành nhớ, bồn chồn, lo trâu bò, trẻ nhỏ phá phách, đùa nghịch nên có mệt mấy mẹ cũng không quản ngại chi”.

Mẹ Ngùy ăn uống dè sẻn trong căn lán nhỏ, mỗi tuần mang lên 2kg gạo, cơm trắng với muối, có khi mua thêm chút nước mắm, nếu có ai đến thăm cửa Hoành Sơn rộng lòng chia sẻ. Nhìn đôi dép xanh mẹ đi đã mòn vẹt, chúng tôi ngỏ ý tặng đôi dép mới, mẹ lại nói cần tiết kiệm để lo những việc khác tốt hơn.

“Mẹ thì dép đi sao cũng được, ăn uống cũng không cần phải đầy đủ, ngày chưa đến lon gạo, chủ yếu là phải lo nơi này cho sạch sẽ, ngày xưa quan binh tiền nhân qua lại có quán sá hai bên mái đèo thì ngày nay chỉ còn lại di tích lịch sử, mình là con cháu phải lo đừng có rác, đừng bị cỏ cây mọc phủ hoang vu là tốt rồi”, mẹ Ngùy tâm sự.

Nỗi niềm của mẹ

Ngồi dưới gốc bàng mùa thu gió thổi mát rượi bên cửa Hoành Sơn, mẹ Ngùy âu lo: “Đời mẹ còn 5 đứa con, lớn hết cả rồi, cháu chắt cũng đông lắm nhưng giờ nói lên quét dọn, giữ gìn di tích thì không có đứa nào theo cả. Chúng lo làm kiếm sống, nhiều khi cần tiền hương khói chúng cung cấp nhưng nói lên cùng thì không đứa nào theo. Rồi đây khi mất đi, mẹ cứ lo không ai cầm cái chổi quét rác, cầm con dao chặt lau lách. Đời mẹ không biết chữ, chồng mẹ không biết chữ nhưng nhiều người biết đọc đã chỉ cho mẹ biết tên của 8 chiến sĩ quân đội Việt Nam đã hy sinh trong một trận đánh máy bay Mỹ để bảo vệ Hoành Sơn Quan được khắc trên vòm cửa. Những hàng tên đó giữ được mấy chục năm nay, không để cho những người thiếu ý thức viết bậy vào vì đó là thiêng liêng”.

Hơn 30 năm trời ròng rã, mẹ Ngùy đã cùng chồng làm một công việc tưởng như nhàm chán với nhiều người nhưng ý nghĩa với môi trường, với di tích lịch sử Hoành Sơn Quan. Trước khi vua Minh Mạng cho xây Hoành Sơn Quan thì rặng núi Hoành Sơn hùng vĩ đã chứng kiến bao cuộc di dân từ miền Bắc vào, mà sớm nhất là triều đại nhà Lý và sau này có Chúa Nguyễn vào đàng trong dựng nên cơ nghiệp kinh đô Huế. Dưới bóng Hoành Sơn cũng bao thi sĩ đi qua để lại những áng thơ văn bất hủ mà điển hình là bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan với những câu thơ thấm đẫm tâm tư khi lên Hoành Sơn Quan: “Dừng chân đứng lại trời, non, nước/Một mảnh tình riêng ta với ta”.

Người dân hai bên đèo Ngang vẫn kể về mẹ Ngùy với con cháu. Họ kính trọng vì phẩm chất kiên trì của mẹ. “Mẹ làm không phải vì công tích gì mà muốn giữ lại cho con cháu một di tích tiếng tăm lừng lẫy của cha ông để lại. Hồi xưa lối mòn rêu phong khó đi, nay con đường trên đỉnh núi đã được bê tông hóa nên đi bộ dễ hơn nhiều rồi. Nhưng mẹ vẫn canh cánh lo là không biết sau này mẹ nằm xuống, có ai chăm coi Hoành Sơn Quan nữa không..., mẹ Ngùy trầm tư.

Theo MINH PHONG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

(GLO)- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 580/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích An Phú (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku).

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.