Chư Pưh quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) quan tâm, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.
Bảo tồn văn hóa từ gia đình
Đến thị trấn Nhơn Hòa hay các xã Ia Phang, Ia Dreng, Ia Le… không khó để bắt gặp hình ảnh những phụ nữ đủ mọi lứa tuổi cần mẫn bên khung dệt; thanh niên ngồi tạc tượng gỗ hay các em nhỏ tập đánh cồng chiêng. Điều này cho thấy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc đã đi sâu vào nhiều gia đình người Jrai, Bahnar trên địa bàn huyện. 
Không còn cảnh nhàn rỗi ngồi chơi trong mùa mưa dầm của Tây Nguyên như trước đây, nhiều năm nay, bà Siu H’Pem (61 tuổi, thôn Plei Djriêk, thị trấn Nhơn Hòa) dành hầu hết thời gian ngồi bên khung dệt. Hiện bà đang gấp rút hoàn thành đơn hàng gồm 1 bộ quần áo nữ, chiếc áo nam và tấm chăn thổ cẩm cho khách. Mỗi bộ quần áo nữ do bà dệt có giá 3,2 triệu đồng; áo nam 1,2-1,5 triệu đồng; chăn đắp 1,5 triệu đồng; khăn choàng dệt hoa văn giá 700 ngàn đồng.
Bà Siu H’Pem (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) bên khung dệt. Ảnh: Nguyễn Giang
Bà Siu H’Pem (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) bên khung dệt. Ảnh: Nguyễn Giang
Là người có bàn tay dệt thổ cẩm bền và đẹp từ khi còn trẻ, bà H’Pem rất vui mừng khi nghề dệt truyền thống của dân tộc Jrai được chính quyền địa phương quan tâm bảo tồn và phát huy. Bà nói: “Có một khoảng thời gian, khung dệt nằm im trong góc nhà. Nhưng nhiều năm nay, tôi đem nó đi dự thi, dệt váy áo rồi”.
Năm 2015, bà H’Pem tham gia Hội thi cồng chiêng huyện Chư Pưh và giành giải nhất nội dung dệt thổ cẩm. Từ đó, những đơn hàng gửi đến bà thường xuyên hơn. Hiện bà đang cố gắng truyền dạy nghề dệt cho 3 trong số 6 cô con gái của mình.
Đang ngồi dệt bên cạnh mẹ, chị Siu H’Đuin (25 tuổi, con gái thứ 4 của bà H’Pem) vui vẻ góp chuyện: “Dệt vải cũng khó lắm nên phải thích mới học được. Tôi được mẹ dạy nghề từ 2 năm nay nhưng vẫn chưa dệt giỏi như mẹ. Tôi sẽ cố gắng trở thành một người dệt vải đẹp như mẹ để có thể sống được bằng nghề truyền thống của dân tộc”.
Ông Rơ Mah Bao (70 tuổi, chồng bà H’Pem) hiện cũng đang phụ trách đội cồng chiêng “nhí” của thôn Plei Djriêk. Ông Bao vốn là tay chiêng “xịn” và vui tính nên lũ trẻ theo học đánh cồng chiêng ngày càng đông. Đến nay, đội chiêng nhí của thôn đã có trên 20 thành viên, sinh hoạt định kỳ vào thứ bảy hàng tuần.
Nhiều giải pháp căn cơ
Bên cạnh giải pháp bảo tồn và phát huy truyền thống dân tộc trong từng gia đình, huyện Chư Pưh đã phát huy được vai trò của Mặt trận, các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động mọi người dân tham gia nhiệm vụ này. Theo ông Huỳnh Văn Lên-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Pưh, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc được UBND huyện xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị thực hiện.
Nhờ có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị nên kết quả đạt được khá khả quan. Đến nay, toàn huyện có 52 bộ cồng chiêng (tăng 19 bộ so với năm 2018); hơn 400 nghệ nhân biết diễn tấu cồng chiêng; trên 20 bài chiêng được lưu truyền; 18 đội cồng chiêng thường xuyên luyện tập, phục vụ sự kiện, lễ hội tại địa phương. Trong 10 năm qua, huyện đều duy trì tổ chức Hội thi cồng chiêng với nhiều nội dung như: biểu diễn cồng chiêng, hát dân ca, dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng; chất lượng được nâng lên qua từng năm.
Nhiều người phụ nữ Jrai ở Chư Pưh đã có ý thức truyền dạy nghề truyền thống cho con cháu. Ảnh: Nguyễn Giang
Nhiều người phụ nữ Jrai ở Chư Pưh đã có ý thức truyền dạy nghề truyền thống cho con cháu. Ảnh: Nguyễn Giang
“Văn hóa các dân tộc thiểu số là bộ phận cấu thành nền văn hóa Việt Nam thống nhất và phong phú. Do đó, chúng tôi luôn cố gắng khơi dậy lòng tự hào và trân trọng để người dân biết yêu, biết bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc thông qua các hội thi, hội diễn. Thời gian tới, huyện sẽ chú trọng hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần để khuyến khích, tạo điều kiện cho các nghệ nhân nắm giữ các giá trị văn hóa truyền thống truyền dạy lại cho thế hệ trẻ”-ông Lên nhấn mạnh.
NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.