Để di chỉ Vườn Chuối thành công viên di sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, ngỡ ngàng khi thấy những phát hiện khảo cổ mới tại công trường khai quật khảo cổ học Vườn Chuối (xã Kim Chung, H.Hoài Đức, Hà Nội) hôm 16.7.

Bộ xương mới tìm thấy khi khai quật ở Vườn Chuối- Ảnh: Chụp từ clip của PGS-TS Nguyễn Văn Huy
Bộ xương mới tìm thấy khi khai quật ở Vườn Chuối- Ảnh: Chụp từ clip của PGS-TS Nguyễn Văn Huy


Ông cũng quay hình lại. “Riêng hố trong clip này có 3 ngôi mộ cùng nhiều đồ đồng, có niên đại khoảng thế kỷ 3 - 2 trước Công nguyên. Đó là những dấu tích vô cùng hiếm hoi của thời kỳ mà vẫn thường gọi là thời Hùng Vương trên vùng lãnh thổ Hà Nội”, ông Huy cho biết. PGS-TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, cũng xác nhận vừa tìm thấy 3 ngôi mộ ở Vườn Chuối.

Càng tìm thấy thêm hiện vật quý, ông Huy càng lo lắng. Không xa hố khai quật này vẫn ầm ì tiếng máy xúc của công trường. Ông Huy rất mong lãnh đạo Hà Nội sớm trực tiếp đến thăm khu di chỉ này để tìm cách cứu vãn nó, giữ cho nơi đây thành một công viên di sản thời Hùng Vương của thủ đô. Ông cũng mong việc đưa Vườn Chuối thành di tích lịch sử quốc gia, thậm chí là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, sớm thành sự thật. “13 - 14 lần khai quật khảo cổ học đã quá đủ điều kiện để xếp hạng di tích. Chần chừ không xếp hạng thì không thể bảo vệ được”, ông Huy nêu quan điểm.

Theo PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, Vườn Chuối là di chỉ thời Hùng Vương siêu quý hiếm do chứa đựng lớp di tích văn hóa kéo dài qua nhiều thời kỳ khác nhau, từ Đồng Đậu qua Gò Mun tiến đến Đông Sơn. Gần Vườn Chuối còn có các di tích phức hợp Tiền Đông Sơn đến Đông Sơn. “Di chỉ có các giai đoạn văn hóa trùng khít lên nhau như Vườn Chuối là rất hiếm”, ông Tín nói.

GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung, người từng nhiều năm khai quật tại đây, cho rằng biến Vườn Chuối thành công viên di sản có rất nhiều thuận lợi. “Cộng đồng ở đó am hiểu về di sản này. Vườn Chuối có hệ thống người dân tham gia khảo cổ, bảo vệ ở đây từ đầu. Đây cũng là nơi hiếm hoi có một hệ thống bảo tàng trong làng, người dân có thể tự quản lý được với sự giúp đỡ của người làm bảo tàng. Thuận lợi nữa là ở đấy sẽ thành khu dân cư, có người qua lại. Công viên sẽ phục vụ cho ngay chính khu dân cư đấy”, bà Dung nói và cho rằng, điều quan trọng là lãnh đạo Hà Nội cũng như quản lý nhà nước về văn hóa cần phải nhận thức rõ cơ hội gì đang ở trong tay họ.

Nghiên cứu của Viện Khảo cổ hồi năm 2019 cho thấy, các di tích thời đại Hùng Vương đang mất đi nhanh chóng. Năm 2000 vẫn còn trên 1.000 di tích thời Đông Sơn, nhưng đến năm 2019, 50% di tích này đã mất. Riêng ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc, các di tích thời đại Hùng Vương và tiền Hùng Vương mất tới 90%, hay gần như bị phá hủy hoàn toàn.

Theo Ngữ Yên (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.