"Bài học" rượu cần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi đến làng Xơ (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) đúng dịp bà con làm pơ thi (bỏ mả). Một lễ pơ thi tập thể của cả chục nhà. Hàng chục ghè rượu cần xếp thành hai dãy. Khách cả trăm người của làng Lũ, làng Gà và làng Cành cùng đến dự. Một góc trời như rạn vỡ bởi tiếng chiêng. Đến lá rừng ngỡ cũng ướt men say. Vừa thấy tôi, ông Rơ Châm Ác lập tức cầm tay dắt đến chỗ các già làng. Nói thêm: Ông Ác tham gia hoạt động cách mạng, từng bị địch bắt tù đày, nhưng cũng là nghệ nhân có tiếng ở huyện Chư Prông bấy giờ. Gần như không có cuộc hội diễn văn nghệ, liên hoan cồng chiêng nào mà không có mặt ông. Nghe giới thiệu “nhà báo”, các già làng ớ ra vẻ không hiểu, ông Ác nói: “Nhà báo là người làm ra tờ giấy có cái miệng nói điều hay, điều dở cho nhiều người cùng biết”. Một “định nghĩa” nhà báo thật hay tôi chưa từng nghe thấy ở đâu!
Vậy là, tôi bỗng dưng trở thành khách quý. Sau khi “uống phép” một ghè rượu mới khui đầy nước, ông Ác ấn chiếc cần vào tay tôi. Quả thật, tôi bấy giờ mới tập uống rượu mà lúc ở ngoài huyện bị ép mấy ly rồi. Thế nên vừa hít được hai ngụm là đã thấy choáng. Thấy tôi đưa cần trả, mọi người đều xua tay nhất loạt: “Ấy không được, phải đứt cang chớ !”. Mỗi cang cũng phải gần lít, trong khi chỉ cố thêm một hơi nữa chắc chắn tôi sẽ không cầm nổi. Vậy là tôi buông cần đứng phắt lên…
Khi tôi trở lại, mọi cặp mắt đều nhìn tôi lạnh nhạt, xa lạ. Không ai mời tôi ngồi và cũng chẳng ai mời uống nữa. Thấy tôi lơ láo không hiểu chuyện gì xảy ra, ông Ác kéo ra chỗ bếp lấy cơm lam, thịt nướng đưa tôi rồi giảng giải… Bấy giờ, tôi mới hiểu, uống rượu cần không đơn thuần là một tiệc rượu. Nó là cả một “phạm trù văn hóa” và tôi đã vô tình phạm đến quy ước trong phạm trù văn hóa ấy.   
Rượu cần là một thứ rượu cộng đồng và có thể nói, đây là đặc trưng có một không hai. Vậy nên không ai khui rượu cần để uống một mình. Mỗi cuộc rượu bao giờ cũng có không khí tập thể. Trước hết là sự tụ họp của gia đình bà con, sau đó là láng giềng, bè bạn. Uống rượu phải có khách, có bạn từ lâu đã thành nếp, thành thói quen trong tình cảm con người. Khi uống rượu không ai phân biệt kẻ sang người hèn, người có chức quyền hay tôi tớ; không phân biệt nam nữ, thế hệ trước hay sau. Người Jrai đối xử khách, chủ theo nguyên tắc trọng người, bình đẳng. Đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ đều hòa đồng trong sự hưởng thụ đó. Sự phân biệt duy nhất trong tiệc rượu chỉ là người được mời nếm thử, “uống phép”, rồi sau đó cứ tuần tự vị trí của người ngồi bên ghè rượu. Đã uống rượu cần không ai uống một lúc cho đã lòng ham muốn. Tục lệ không cho ai được phép chiếm đoạt cần rượu cho riêng mình nhưng cũng không được dở cang. Thời gian “ngâm nga” bao lâu tùy sức nhưng hết cang mới được nhường cho người kế tiếp. Rượu ngon cùng hưởng, rượu nhạt cùng chia. Tôi đã trao vào tay anh cần rượu, anh phải đáp lại tôi bằng cả tấm lòng…
Uống rượu cần tại lễ cúng bến nước của người Jrai ở buôn Gum Gốp (xã Ia Rmok, huyện Krông Pa). Ảnh: PHƯƠNG LINH
Uống rượu cần tại lễ cúng bến nước của người Jrai ở buôn Gum Gốp (xã Ia Rmok, huyện Krông Pa). Ảnh: PHƯƠNG LINH
Tuy không thường nhật nhưng hễ đã uống rượu là có trình diễn nghệ thuật. Sau một vài cang, bản tính nghệ sĩ của họ bắt đầu trỗi dậy. Người già kể khan. Thanh niên hát múa. Nỗi nhọc nhằn của những ngày lao động vất vả như tan biến để nhường chỗ cho sự thăng hoa của tâm hồn. Từ những tâm sự trút cho nhau bên ghè rượu mà ai thiếu ăn, ốm đau, bệnh tật hay có hành vi xấu cả làng đều biết. Cho nên, lúa bỏ trên chòi rẫy, trâu bò thả trong rừng, tổ ong trên cây… của ai người ấy sử dụng, không mất mát bao giờ. Trong làng không ai phải đi ăn xin vì tai nạn, vì mất mùa bởi đã có cả làng chung tay giúp đỡ. Có người cho rằng sở dĩ đồng bào dân tộc Jrai nói riêng, Tây Nguyên nói chung trong quá khứ không có những thói xấu như ăn cắp, lừa đảo là do tục lệ quá khắt khe. Họ không thấy một phần chính là nhờ vẻ đẹp văn hóa bên ghè rượu đó.
Rượu cần trước sau vẫn là một biểu hiện đẹp trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Đáng tiếc là ngày nay một số nơi đã bị nhiễm lối uống rượu bê tha, làm mất đi vẻ đẹp văn hóa ấy. Tôi đã thấy không ít những lễ hội, bên cạnh những ghè rượu cần luôn là những can rượu trắng. Hậu quả là những tiệc rượu ồn ào, thậm chí dẫn đến việc gây gổ, đánh nhau.
Riêng tôi, đã hơn ba chục năm nhưng “bài học” rượu cần vẫn vẹn nguyên trong tâm trí. Nhớ bài học rượu cần là nhớ cái thời liên miên những tiệc rượu nghèo mà vui; cái thời con người vẫn đến với nhau vô tư như rượu.                      
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.