Luật tục: Di sản văn hóa cần gìn giữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì luật tục của các cư dân bản địa ở Tây Nguyên được biết đến từ những năm đầu thế kỷ XX khi các nhà nghiên cứu người Pháp đến cao nguyên trung phần sưu tầm và công bố trên tạp chí Viễn Đông Bác Cổ. Các luật tục này tồn tại dưới dạng văn vần, được truyền khẩu trong cộng đồng các dân tộc bản địa như: Ê Đê, M’Nông, Bahnar, Jrai.
Cố Giáo sư Ngô Đức Thịnh-nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian-cho rằng: Cùng với sử thi, luật tục của các dân tộc bản địa Tây Nguyên là di sản văn hóa quý báu và độc đáo, đóng góp vào di sản chung của văn hóa các dân tộc Việt Nam và thế giới. Đó là kho tàng tri thức dân gian đa dạng, đúc rút ra từ kinh nghiệm dân gian phong phú; là tấm gương phản chiếu xã hội tộc người. Do vậy, nó là nguồn tư liệu gốc, quý hiếm để nghiên cứu tộc người.
Hầu hết các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên đều có luật tục riêng. Tuy nhiên, luật tục của các dân tộc này ra đời trong cùng hoàn cảnh xã hội-tiền giai cấp, chưa có nhà nước nên có nhiều yếu tố, chi tiết, nội dung các điều luật khá gần nhau. Tuy nhiên, về cơ bản nó vẫn là tài sản riêng của mỗi dân tộc với lối tư duy khá đặc thù và cách vận dụng, thực thi các điều luật trong cộng đồng cũng mang một sắc thái riêng. Về dung lượng, các luật tục của từng dân tộc ít người có độ dài ngắn khác nhau. Ví dụ: Luật tục M’Nông có 214 điều, luật tục Bahnar có 302 điều…
Một buổi xử phạt theo luật tục ở huyện Kbang. Ảnh: INTERNET
Một buổi xử phạt theo luật tục ở huyện Kbang. Ảnh: INTERNET
Trên bình diện tổng thể, luật tục của các dân tộc bản địa Tây Nguyên có những điểm chung mà các cộng đồng đều thể hiện, đó là tính công khai luôn được đề cao khi có vụ việc cần đưa ra cộng đồng để phân định phải-trái và áp dụng các chế tài đối với thành viên vi phạm. Định chế phân xử theo luật tục là cộng đồng buôn làng, tất nhiên phải có người uy tín, hiểu biết được tín nhiệm đứng ra điều hành các phiên xử, thường là già làng. Các già làng này đương nhiên thuộc lòng những luật tục của dân tộc mình (do ông bà truyền khẩu mà nhớ nằm lòng). Bên cạnh việc vận dụng các điều trong luật tục để phân xử, người “cầm cân nảy mực” còn phải biết biện luận, phân tích có tình có lý, buộc hoặc gỡ tội từ các tình tiết trong vụ việc. Khi già làng kết luận buổi phân xử, nếu được cộng đồng đồng tình và các bên có quyền lợi đều tâm phục khẩu phục, tự nguyện thi hành theo phán quyết là thành công. Sau khi vụ việc được giải quyết, các mâu thuẫn cũng được xóa bỏ và cộng đồng không còn định kiến, kỳ thị đối với người phạm lỗi.
Luật tục của cộng đồng các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên cũng luôn quan tâm đến sự hài hòa giữa con người với thần linh. Với tín ngưỡng đa thần, đời sống tâm linh của cộng đồng các dân tộc nơi đây bao giờ cũng gắn chặt với các Yàng (thần) như một niềm tin công lý tuyệt đối. Người đứng ra phân xử phải luôn đặt mình trong tư thế được giám sát bởi thần linh nên tự răn mình cần giữ cán cân công bằng, trung thực, đúng người đúng tội, không được thêm bớt, thiên lệch cho bất cứ ai. Các thành viên trong cộng đồng (kể cả người đứng kiện hoặc người bị kiện) cũng tin tưởng rằng lời phán xử của cộng đồng là được các Yàng chứng giám và chấp thuận. Người vi phạm khi thi hành các chế tài bao giờ cũng cho rằng mình đã phạm lỗi với thần linh nên họ thành tâm hối cải và ít khi tái phạm.
Hình thành từ cộng đồng theo lối truyền miệng như các loại sử thi nên luật tục của các dân tộc ít người ở Tây Nguyên được gìn giữ như báu vật văn hóa truyền từ đời này sang đời khác. Hầu hết các luật tục này đều được diễn đạt theo lối văn vần tồn tại trong các cộng đồng. Chúng chứa đựng các tri thức, trí tuệ dân gian hết sức gần gũi, sâu sắc với thứ ngôn ngữ sát thực tế, giàu hình tượng.
Ngày nay, đời sống các cộng đồng dân tộc bản địa ở Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi và được tiếp cận với xã hội tiến bộ, có các định chế pháp luật chung nên cách hành xử theo luật tục của xã hội cổ truyền cũng dần dần phai nhạt, số người còn lưu giữ trong trí nhớ các luật tục được cha ông truyền lại cũng rất ít. Vấn đề đặt ra hiện nay là với góc nhìn văn hóa, chúng ta cần bảo tồn loại di sản độc đáo này của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên dưới nhiều hình thức, như sưu tầm đầy đủ các luật tục còn lại trong các dân tộc ít người, khuyến khích nghiên cứu chuyên sâu nhằm ứng dụng trong các chuyên ngành: dân tộc học, luật học, văn hóa dân gian…
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.