Vì sao lại thờ ơ với những ghi chép của tiền nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mỗi năm, chúng ta đều nhắc nhau: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3”. Nhắc nhau nhớ để về nơi đất tổ, đến đền Hùng và dâng nén hương và tấm lòng thành kính lên tiên tổ ngàn đời của dân tộc. Có một điều chúng ta có lẽ nhiều người chưa biết, trong ngôi đền thiêng ấy, cuốn “Ngọc phả” được thờ.
 

Đền Hùng với tấm bia đá khắc câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Đền Hùng với tấm bia đá khắc câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.



Ngày 31.5.2020 vừa qua, nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền Miếu Việt của chúng tôi đã tổ chức thành công buổi ra mắt giới thiệu và tọa đàm với chủ đề: “Hùng Vương Thánh Tổ - lịch sử từ những trang ngọc phả”. Buổi tọa đàm đã thu hút được đông đảo sự quan tâm của những nhà nghiên cứu. Nhiều câu hỏi của những vị khách mời được đặt ra. Đây là một niềm vui đối với những người làm sách như chúng tôi. Xin trân trọng chia sẻ cùng quý vị đôi điều về cuốn sách này.

1. Ngọc phả Hùng Vương được thờ tại đền Hùng. Bởi đó là cuốn “Thiên thư”, là cuốn sách thiêng liêng mà ông cha đã để lại. Sách ấy lưu giữ những dấu chỉ cho con cháu về sau lần tìm ra đường về nguồn cội.

Ngọc phả ở Đền Miếu, như gia phả ở gia tộc, là để thờ.

Từ nhiều nghìn năm lịch sử của dân tộc ta đã như vậy. Không phải ai cũng được đọc các gia phả hay tộc phả ấy trong gia đình. Tộc phả phải do người đứng đầu tộc họ cất giữ, thờ phụng và trao truyền hay tu chỉnh khi bị hư hỏng.

Ngọc phả như Ngọc phả các Vua Hùng, đó là điều tuyệt mật của Quốc sử thiêng liêng và bí truyền. Cao hơn, Ngọc phả các Vua Hùng được xếp vào Thiên thư.

Cuốn “Hùng Vương Thánh tổ Ngọc phả” là nhằm để nói lên giá trị lịch sử ấy. Giá trị lịch sử của tổ tiên tiền nhân khai sáng trải dài qua nhiều nghìn năm của dân tộc Đại Việt.

Vậy tính tin cậy của sử liệu trong Ngọc Phả thế nào? Chúng ta tìm về lịch sử nguồn cội của ông cha, tại sao lại bỏ qua những ghi chép của chính tiền nhân? Những ghi chép đã ấy tồn tại như một bảo vật thiêng liêng của quốc gia và được nhân dân ta thờ trong ngôi đền Quốc tổ.

Dưới triều Lê, ta biết rằng, với tư cách nhà nước, tất cả di tích đền miếu khắp trên nước ta lúc ấy, thần tích (lịch sử) các danh nhân, các anh hùng là các vị tiên hiền Thánh tổ 5.000 năm qua của nước Việt được viết lại dưới dạng Ngọc phả.

Chính sử, như Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên là sử ghi chép việc Quốc gia mà cụ thể là của các vị vua và quan lại lớn cũng như các việc có tính quốc gia đại sự. Ngoài ra, nó có chép đến một số nhân vật có ảnh hưởng lớn đến vua.

Quốc sử đã đưa trang và mục Ngọc phả đầu tiên của “Hùng Vương Ngọc phả” vào chính sử. Tuy nó được xếp ở mục ngoại kỷ, nhưng đây là những thông tin của chính sử, của tầm Quốc gia viết và ghi chép lại điều này. “Ngọc Phả Hùng Vương” là những ghi chép của tiền nhân, Ngọc Phả thể hiện quan điểm chép sử (tức Sử quan) của người Việt.

2. Đối với nhận thức lịch sử có 3 thứ cần thiết. Thứ nhất là một sử quan hay quan điểm chép sử, góc nhìn lịch sử đúng đắn. Thứ hai là nguồn sử liệu phong phú, đa dạng. Thứ ba là sử pháp hay phương pháp luận giải phù hợp. Một công trình lịch sử thực sự khoa học cần có cả 3 thứ này.

Các hiện vật khảo cổ dù rất thực, có thể sờ thấy, nhìn thấy được. Nhưng hiện vật khảo cổ không biết nói. Hơn nữa, nhiều khi cái thấy được chưa chắc phải là cái tiêu biểu nhất, ý nghĩa nhất, thậm chí ý nghĩa thực sự lại rất phụ thuộc vào sử quan nhìn nhận.

Một kiến trúc nhà ở, một tín ngưỡng thờ đá hay một cái bệ thờ, một vị thần...? Rõ ràng khảo cổ không đủ khả năng để trả lời cho những vấn đề xã hội. Hiện vật khảo cổ là những dữ liệu lịch sử (sử liệu) chứ không phải lịch sử. Trong khi đó, ngọc phả, thần phả lại cung cấp những dữ liệu thành lời rõ ràng nhất. Quan trọng hơn, ngọc phả thể hiện sử quan của người chép. Muốn có một cái nhìn đúng như từng có trong lịch sử thì không thể không xem ngọc phả. Góc nhìn đúng mới là thứ khó nhất trong nghiên cứu lịch sử, chứ không phải các sử liệu.

Khảo cổ hẹp hơn lịch sử nên hiển nhiên mình nó không đủ để diễn tả đúng lịch sử. Tới lượt mình, lịch sử hẹp hơn văn hóa nên góc nhìn văn hóa có khả năng thấu hiểu lịch sử. Tiếp cận lịch sử từ các di sản văn hóa là hướng nhìn mới, đa ngành và đầy sinh lực trong nghiên cứu lịch sử thời cổ và trung đại.

 

 Bìa cuốn “Hùng Vương Thánh tổ Ngọc phả” vừa xuất bản.
Bìa cuốn “Hùng Vương Thánh tổ Ngọc phả” vừa xuất bản.



Như một người con cần biết mẹ cha, ông bà mình để thờ, để kính trọng và tiếp nối xứng đáng, con cháu dân tộc Việt hôm nay cũng cần tìm hiểu lịch sử, tìm hiểu về nguồn cội của dân tộc mình để thờ kính và tiếp bước cha ông.

Như một nhân duyên huyền cơ cho những người con hôm nay, chúng tôi thành khẩn tha thiết với tâm can sâu thẳm nhất để dám làm việc động đến Thiên thư này khi công bố bản “Ngọc phả Hùng Vương” được thờ tại Đền Hùng - Phú Thọ. Vì vậy, nếu có cơ duyên cầm cuốn Ngọc phả, quý vị đang cầm "Sách trời" thiêng liêng trong tâm tưởng tôn kính cao nhất của lòng biết ơn tổ tiên nguồn cội là các Vua Hùng dựng nước.

Những ai có được sách này, tự nhận mình là con dân bách Việt, có lòng biết ơn và tôn kính tổ tiên xin hãy nhớ điều này mà tâm niệm khi cầm trên tay mình cuốn Hùng Vương Thánh tổ Ngọc phả.

3. Trong mỗi gia đình người Việt có gia phả - ghi lại lịch sử của gia tộc mình. Trong mỗi ngôi đình - đền có ngọc phả để ghi lại lịch sử của vị Thánh được cha ông ta thờ kính. Gia phả hay ngọc phả được dùng để thờ và lưu truyền lại cho con cháu muôn đời sau.

Ngọc phả Hùng Vương chính là tóm tắt Quốc sử thời kỳ xa xưa nhất được dân gian lưu truyền lại qua hàng nghìn năm cho tới ngày nay. Ngọc Phả hoàn toàn không phải là cuốn sách ghi những chuyện khó tin hoang đường. Điều quan trọng chính là những dấu chỉ của ông cha để lần tìm về lịch sử thông qua những chi tiết tưởng như không thể có thật.

Thờ cúng Hùng Vương là tục thờ đã có ngay từ buổi đầu và hiện vẫn còn hiện diện ngay trong từng ngôi nhà của mỗi người Việt. Từ Tổ Bách Nghệ, Thần Nông, Ngọc Hoàng thượng đế... Họ là ai mà nhiều nghìn năm nay ông cha ta truyền dạy con cháu phải kính thờ? Ông cha ta có nhầm, có sai không? Đây chính là điều mà chúng ta cần nghiêm túc tìm hiểu và hiểu cho đúng.

Viết những dòng này trong ý hướng khơi nguồn cho tâm thức muốn tìm về cội nguồn dân tộc, để hiểu, để kính ngưỡng, phụng thờ và tiếp nối, mong rằng những trang sử về tiền nhân qua gia phả, ngọc phả, thần tích, văn bia, từ di sản phi vật thể cho đến những di sản còn lại cho tới ngay nay như đền, miếu, đình chùa sẽ được trân quý và có sự quan tâm tìm để hiểu với thái độ thực sự cầu thị.

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/vi-sao-lai-tho-o-voi-nhung-ghi-chep-cua-tien-nhan-811959.ldo
 

Theo Thích Tâm Hiệp (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.