Tự hào con cháu Vua Hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù đi xa muôn nơi nhưng những người con đất Tổ vẫn một lòng hướng về quê nhà, lấy đó làm động lực để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc nơi vùng đất mới.
NGƯỜI ĐẤT TỔ Ở GIA LAI
Theo dòng chảy của thời cuộc, người dân Vĩnh Phú (tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ hiện nay) rời quê, đi muôn phương gầy dựng cuộc sống mới. Gia Lai là một trong những mảnh đất màu mỡ giữ chân hàng ngàn người dân đất Tổ. Dù ở bất cứ đâu, làm bất kỳ công việc gì, niềm tự hào được sinh ra trên vùng đất Tổ đã khiến họ không ngừng nỗ lực, phấn đấu, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ông Đỗ Xuân Thu-Trưởng ban liên lạc Hội Đồng hương Vĩnh Phú tại Gia Lai-trầm ngâm nhớ lại: Năm 1970, từ quê nhà ở huyện Vĩnh Tường, ông lên đường nhập ngũ rồi vào Gia Lai đóng quân và tham gia nhiều chiến dịch như: Chiến dịch Đak Xiêng-Kon Tum (năm 1970), Chiến dịch Đức Cơ (năm 1972), trận đánh Lệ Minh-Chư Nghé (năm 1973), Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, chiêu phục FULRO sau giải phóng ở Buôn Ma Thuột… “Trải qua nhiều đơn vị, cuối cùng tôi về công tác tại Trường Thiếu sinh quân Quân khu 5. Dù làm gì, ở đâu, tôi cũng luôn ý thức mình là người con của đất Tổ, một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam nên không nề hà bất cứ khó khăn nào, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”-ông Thu quả quyết. Giờ đây, khi đã về hưu, ông đảm nhận vai trò Trưởng ban liên lạc Hội Đồng hương Vĩnh Phú tại Gia Lai, thực hiện việc kết nối, xây dựng Hội trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho những người con đất Tổ trên quê hương mới.
Trước tình hình dịch bệnh, các hoạt động tập trung dâng hương trong ngày Giỗ Tổ như những năm trước đều tạm hoãn. Ảnh: P.L
Trước tình hình dịch bệnh, các hoạt động tập trung dâng hương trong ngày Giỗ Tổ như những năm trước đều tạm hoãn. Ảnh: P.L
Ông Hồ Đình Thọ (58 tuổi, làng Ia Tang, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) là Chi hội trưởng chi hội Đồng hương Vĩnh Phú huyện Đức Cơ. Ông Thọ vào Gia Lai lập nghiệp từ năm 1998. Hơn 20 năm sinh sống trên vùng đất đỏ bazan, với tinh thần kiên trung, chịu khó của người lính, ông đã vượt qua mọi khó khăn, từng bước gầy dựng kinh tế gia đình ngày càng vững vàng. Những kiến thức, kỹ thuật trong thời gian công tác tại Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15) đã hỗ trợ ông rất nhiều trong việc chăm sóc vườn cây công nghiệp của gia đình. Ngoài cao su, ông còn trồng thêm cà phê, hồ tiêu. “Những lúc khó khăn, tôi cứ dặn lòng rằng mình là người lính, là con cháu Vua Hùng nên phải quyết tâm vượt qua, bám trụ đến cùng”-ông Thọ bày tỏ.
Dù mới chọn TP. Pleiku là nơi lập nghiệp 3 năm nay nhưng anh Nguyễn Anh Điệp (40 tuổi, đường Phạm Ngọc Thạch) đã gầy dựng được thương hiệu “Heo mẹt Phú Thọ” ở vùng đất mới. Quán ăn mang đậm phong vị ẩm thực quê hương Phú Thọ với món “heo mẹt” được chế biến theo công thức gia truyền, bày biện đẹp mắt, hấp dẫn. Anh Điệp chia sẻ: “Tôi đến với Gia Lai như có mối duyên từ trước. Trong lúc tìm nơi lập nghiệp, mở quán ăn uống, tôi được người quen giới thiệu vào TP. Pleiku. Thật may mắn khi quán ăn được sự ủng hộ của mọi người. Giờ đây, món heo mẹt Phú Thọ được thực khách không chỉ ở TP. Pleiku mà còn ở các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Đak Đoa, Chư Sê, Mang Yang… yêu thích. Tôi rất vui khi giới thiệu và quảng bá thành công ẩm thực của quê hương mình nơi đất khách”.
Ông Lê Văn Trường-Giám đốc Công viên Đồng Xanh: “Năm nay, chúng tôi không tổ chức đón khách đến dâng hương vì mọi hoạt động tập trung đông người đều phải tạm dừng. Trước ngày Giỗ Tổ, chúng tôi đã cử nhân viên dọn dẹp khuôn viên đền thờ các Vua Hùng. Ngày 10-3 Âm lịch, Công viên sẽ làm một mâm cúng nhỏ để dâng lên đền thờ, tưởng nhớ các vị Vua Hùng”.
HƯỚNG VỀ NGUỒN CỘI     
Hội Đồng hương Vĩnh Phú tại Gia Lai hiện có 10 chi hội với hàng ngàn hội viên. Hơn 20 năm qua, đây là điểm tựa tinh thần vững chãi của những người con đất Tổ xa quê. Trung tá Bùi Quốc Hường-cán bộ Phòng Kỹ thuật Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) từ vùng đất Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) vào công tác tại Gia Lai đã hơn 20 năm và là thành viên tích cực của Hội Đồng hương Vĩnh Phú. “Hội đồng hương là nơi giúp tôi vững vàng hơn khi một mình lập nghiệp ở trên vùng đất mới. Ở đây, chúng tôi cùng nhau chia sẻ buồn vui, khó khăn trong cuộc sống, động viên nhau cùng cố gắng, làm rạng danh con cháu Vua Hùng trên quê hương mới”-ông Hường tâm sự. Ông Đỗ Xuân Thu cũng bộc bạch: “Mỗi người con đất Tổ chúng tôi luôn nêu cao tinh thần dân tộc, ý thức sâu sắc là con cháu Lạc Hồng nên dù ở đâu cũng vẫn cố gắng làm ăn, đóng góp sức lực cho cơ quan, đơn vị cũng như xây dựng tỉnh nhà. Hầu hết các hội viên đều chăm chỉ làm ăn, xây dựng gia đình văn hóa, có nhiều người đảm nhiệm các vị trí, nhiệm vụ quan trọng trong doanh nghiệp, cơ quan nhà nước. Đây là cách để chúng tôi đền đáp công ơn dựng nước của các vị Vua Hùng, sự hy sinh giữ nước của thế hệ ông cha”.
Do dịch bệnh Covid-19, Lễ dâng hương tại đền thờ Vua Hùng ngày Giỗ Tổ sẽ không được tổ chức. Ảnh: P.L
Do dịch bệnh Covid-19, Lễ dâng hương tại đền thờ Vua Hùng ngày Giỗ Tổ sẽ không được tổ chức. Ảnh: P.L
Hàng năm, cứ đến ngày Giỗ Tổ (10-3 Âm lịch), những người con Vĩnh Phú ở Gia Lai lại cùng nhau sửa soạn mâm cỗ dâng lên đền thờ Vua Hùng tại Công viên Đồng Xanh (xã An Phú, TP. Pleiku) để vọng nhớ về cố hương, nguồn cội. Năm nay, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chỉ thị của UBND tỉnh, các hoạt động tập trung tổ chức dâng lễ đều tạm hoãn. Ông Thu cho hay: “Để phòng-chống dịch Covid-19, chúng tôi quyết định dừng mọi hoạt động. Tuy nhiên, mỗi gia đình đều tự làm mâm cúng, thờ vọng tại nhà trong ngày Giỗ Tổ”.
Một mùa tri ân tiền nhân nữa lại về trong bối cảnh cả nước căng mình phòng-chống dịch Covid-19. Lúc này, chính sự đồng lòng, tinh thần đoàn kết dân tộc của tất cả người dân đất Việt sẽ tạo nên sức mạnh to lớn để giành thắng lợi trong trận chiến với đại dịch toàn cầu.
PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.