"Mơnhum blan" của người Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong đời sống tâm linh của người Jrai, người sống và người đã khuất vẫn có mối dây gắn kết cho đến khi làm lễ bỏ mả (pơthi). Suốt thời gian đó, hàng tháng, gia đình vẫn đến dọn dẹp và đem cơm rượu “ăn” cùng hồn ma người đã khuất. Người Jrai gọi đó là “mơnhum blan”, nghĩa là cúng nhà mả.
Sáng sớm một ngày tháng 2, ông Rơ Châm Kin (làng Sát Tâu, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) cùng vài gia đình đến quét dọn khu nhà mả của làng. Khu nhà mả nằm ở cuối làng với hơn chục ngôi mộ, một số đã làm lễ pơthi. Chị Rơ Lan Than-cán bộ văn hóa xã Ia Pếch, cũng là người làng Sát Tâu-cho hay: Từ xưa, người Jrai có tục lệ cúng nhà mả hàng tháng. Nhà nào có người đã mất mà chưa làm lễ bỏ mả thì thống nhất một ngày cố định trong tháng cùng nhau đến quét tước, dọn dẹp, trò chuyện, “ăn uống” với người chết.
 Đánh cồng chiêng tại lễ bỏ mả. Ảnh: P.V
Đánh cồng chiêng tại lễ bỏ mả. Ảnh: P.V
Để cúng nhà mả, ông Rơ Châm Kin đem đến một ít cơm nóng, ghè rượu và vài món dân dã. Dọn dẹp xong phần mộ con mình, ông cùng người già trong làng thử lại âm thanh bộ cồng chiêng. Trong những chiếc chòi nhỏ dựng lên làm nơi nghỉ chân cho người đi thăm nhà mả, người làng cột những ghè rượu thẳng hàng, chêm nước đầy ắp. Chị em phụ nữ lấy trong gùi ra nào là cơm nắm, cháo, rau rừng… bày biện trên lớp lá chuối. Xong đâu đấy, đội cồng chiêng của làng tấu lên bài chiêng trầm bổng, du dương và đi vòng quanh các ngôi mộ. Tiếng cồng chiêng như sợi dây kết nối thế giới người sống với cõi atâu, mời gọi linh hồn người đã khuất cùng về ăn uống với gia đình, với dân làng. Giây phút ấy, những người có mặt đều chìm đắm trong một không gian thiêng liêng huyễn hoặc, trôi theo tiếng chiêng cồng trầm bổng. Ông Kin nói: “Cúng nhà mả đã thành tục lệ của bà con mình rồi. Dù có người thân mất chôn ở nhà mả này hay không, cứ đến ngày là mọi người tập trung lại để cúng, ăn uống, trò chuyện với người đã mất. Lễ cúng diễn ra từ trưa đến tận chiều tối, sau đó thì ai về nhà nấy”.
Xã Ia Pếch hiện có 8 làng đồng bào Jrai. Bà con các làng đều giữ tục lệ cúng nhà mả hàng tháng. “Thế nhưng, để tránh tụ tập ăn uống, chè chén quá nhiều, tốn kém thời gian, công sức, ảnh hưởng đến sản xuất, từ tháng 10-2019, các làng đã thống nhất tổ chức lễ cúng 2 tháng/lần vào ngày 15. Điều này cũng được quy định cụ thể trong hương ước mỗi làng để mọi người nhắc nhở nhau thực hiện”-chị Than cho biết thêm.
Trời ngả về chiều, ánh nắng vàng vọt của ngày nhạt dần trên những ngôi mộ. Thỉnh thoảng, vài người đến chạm tay vào những ngôi mộ, miệng lẩm bẩm như chuyện trò. Khi những ghè rượu dần nhạt cũng là lúc lễ cúng nhà mả kết thúc. 
Trao đổi với P.V, bà Phạm Thị Kim Tuyến-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pếch-chia sẻ: “Cúng nhà mả là tập tục lâu đời của người Jrai trên địa bàn xã. Đây là nét văn hóa truyền thống của người dân nơi đây, giàu ý nghĩa nhân văn, tạo sự gắn kết cộng đồng. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích lưu giữ nét truyền thống ấy, đồng thời tuyên truyền bà con tổ chức lễ cúng tiết kiệm, vệ sinh và rút ngắn thời gian. Ngoài cúng nhà mả, bà con Jrai ở đây vẫn thường xuyên tổ chức nhiều nghi lễ đặc sắc như cúng giọt nước, cúng cầu mưa, cúng nhà rông, cúng rừng...”.
 PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.