Năm Tý nói chuyện Chuột

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kể về cái sự làm khổ con người thì các loài vật như rắn rết, hùm beo, chó sói, thậm chí đến cả chim, cá cũng đều từng bị quy án trước khi được khoa học minh oan. Hẩm hiu nhất phải kể đến chú… ruồi. Mãi đến khi bước sang thế kỷ XXI, loài ruồi mới được các khoa học gia “phục hồi danh dự” bằng dăm công trình khoa học về sự cần thiết đến mức không thể thiếu của chúng để cho sinh thái cân bằng.
Thế nhưng giống chuột thì chưa. Ngoại trừ chuột bạch được dùng nghiên cứu y học hay nuôi làm cảnh ra, họ hàng nhà chuột vẫn còn bị con người ghét, rất ghét! Căn nguyên của sự ghét bỏ ấy bắt nguồn từ 2 “tội trạng” chính: ăn và phá. Phải, họ hàng nhà chuột ăn tranh nguồn lương thực chính nuôi sống con người một cách khủng khiếp: 20 đến 30% tổng sản lượng lương thực toàn thế giới hàng năm được thống kê là đã chui vào bụng… chuột. Chưa hết, chuột còn gặm nhấm, cắn phá mọi vật dụng trong nhà. Hầu như chất liệu gì chuột cũng có thể gặm được, chỉ trừ kim loại hoặc… bê tông! Đáng sợ hơn, dòng giống chuột còn là thủ phạm lây lan một căn bệnh vô cùng ghê gớm: Dịch hạch! Chừng ấy “án tích”, đương nhiên đã là quá đủ để con người đặt chuột ra ngoài vòng pháp luật mà xử trí thẳng tay, không chút ngại ngần.
 Đám cưới chuột (tranh dân gian Đông Hồ).
Đám cưới chuột (tranh dân gian Đông Hồ).
Thế nhưng, lũ chuột cũng không vừa. Vỏ quít dày có móng tay nhọn. Con người dùng không biết bao nhiêu kế sách để diệt chuột mà vẫn không thắng nổi một đối sách duy nhất của chúng: Đẻ! Phải, chưa có một loài động vật (máu nóng) nào mà khả năng sinh đẻ lại khủng khiếp như chuột. Khoa học đã tính toán: Trong điều kiện sống lý tưởng, mỗi năm một cặp vợ chồng chuột có thể sản sinh số hậu duệ lên đến… 2.000 con! Tất nhiên, từ lý thuyết đến thực tế bao giờ cũng còn một khoảng cách xa xa. Thế nhưng, chỉ cần kết quả tính toán chính xác đến… 50% thôi cũng đã đủ khiến ta rợn người.
May, tự nhiên đã an bài để cho cái đại họa (trên lý thuyết) kia không biến thành thực tế. Có sinh có diệt. Thuở con người còn chưa đủ khả năng thống trị Trái đất, loài chuột cũng đã phải chạm trán cùng vô số khắc tinh: mèo, cáo, rắn, cú, chim ưng... Chúng hầu như đều nhờ chuột làm nguồn sống chính. Hệ động vật ăn chuột nhiều về số lượng và phong phú về chủng loại đến thế; chả trách lũ chuột phải đẻ nhiều, đẻ nhanh! Muốn đẻ nhiều thì phải ăn tạp, ăn nhiều và một trong những “công cụ” cực kỳ nền tảng để tăng cường khả năng ăn uống là… bộ răng! Hàm răng chuột có cái đặc tính kỳ lạ là liên tục mọc dài ra. Đặc tính ấy giúp răng chuột lúc nào cũng nhọn, sắc. Vì vậy, chúng có quyền ăn uống vô tội vạ cả ngày lẫn đêm mà không sợ bị… mòn răng. Thế nhưng, cái bất tiện là khi đã no (hoặc không có gì ăn) chúng vẫn phải tìm thứ để gặm nhấm. Hành vi “phá phách” (không cố tình) ấy là do nhu cầu chúng phải mài răng cho mòn bớt; nếu không, răng mọc dài quá sẽ chống vào hàm.
Giờ bình tĩnh mà xét suy tận gốc của vấn đề, ta chợt nhận ra rằng: Loài người quả hơi có bất công khi ghét bỏ loài chuột đến thế. Ờ, thì cũng có ăn, có phá; nhưng chúng ăn phá là để có cái mà nuôi loài khác. Nói cách khác, “công quả” của chuột trong việc duy trì tính đa dạng, phong phú của hệ sinh thái cũng không phải là nhỏ. Thử hình dung đến ngày thế giới hoàn toàn vắng bóng lũ chuột, ta có thể dễ dàng nhận ra ngay cái tai họa tất yếu: Hàng loạt sinh vật sống nhờ vào chuột đương nhiên cũng… vắng bóng theo! Nếu thế thì nhân loại thiệt thòi to. Chưa kể chuyện xáo trộn trật tự thiên nhiên kia không biết sẽ còn đưa đến cái họa gì.
Chắc chắn sẽ có người bảo: Ừ, đúng, có ích; nhưng đó là xưa kia. Không sai, loài chuột ngày nay đang gây họa bởi nạn “thử mãn”, sinh đẻ tràn lan. Nhưng, nghĩ kỹ một chút, ta sẽ nhận ra: Đầu đuôi cơ sự này không thể… đổ thừa cho chuột bởi trách nhiệm là tại ta. Các “khắc tinh” của loài chuột đã và đang bị con người săn đuổi khiến số lượng ngày càng ít đi. Thậm chí, có loài hầu như tuyệt chủng! “Dân số” chuột không được kiềm chế đương nhiên dẫn đến… bùng nổ khiến con người đau đầu nhức óc. Rành rành đây là chuyện “tiên trách kỉ hậu trách… chuột”. Thế nhưng, trời sinh loài người vốn tính hay quên lắm. Sai phạm của chuột thì ta cứ nhớ như in, còn của ta thì…
Y NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.