Địa điểm chiến thắng Xương Giang là di tích quốc gia đặc biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chiến thắng Xương Giang đã ghi thêm chiến công chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đập tan âm mưu đồng hóa văn hóa, chấm dứt 20 năm đô hộ của nhà Minh đối với nước Đại Việt.

 Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải (phải) trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang cho đại diện cán bộ và nhân dân tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải (phải) trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang cho đại diện cán bộ và nhân dân tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)



Tối 29/1 (tức mùng 5 Tết Canh Tý), tại Địa điểm chiến thắng Xương Giang (thành phố Bắc Giang), Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang và khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh Bắc Giang 2020.

Đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Bắc Giang và đông đảo nhân dân, du khách thập phương đã đến dự buổi lễ.

Trong diễn văn khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc trong chống lại ách đô hộ của nhà Minh.

Nhìn lại gần 600 năm trước, khi dân tộc Đại Việt còn chìm trong ách đô hộ của giặc Minh, từ vùng đất Lam Sơn, người anh hùng Lê Lợi cùng nhiều nghĩa sỹ đã dấy cờ khởi nghĩa.

Vào giữa năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn đã mở rộng, củng cố vùng giải phóng, thừa thắng kéo quân ra Bắc bao vây thành Đông Quan.

Tướng nhà Minh là Vương Thông cố thủ tại đây và xin triều đình cử 15 vạn quân cứu viện. Nhận thấy thành Xương Giang nằm ở vị trí trọng yếu nên Lê Lợi, Nguyễn Trãi và bộ tham mưu nghĩa quân Lam Sơn đã quyết định hạ thành Xương Giang nhằm chặt đứt con đường cứu viện của địch.

Cuối năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn đã tiến hành vây hãm và đánh nhiều trận công thành Xương Giang. Thế cùng, lực kiệt, chỉ huy Lý Nhậm và các tướng quân Minh đã phải tự vẫn.

Thành Xương Giang bị hạ trước khi Liễu Thăng kéo 10 vạn quân tới biên giới Việt-Trung chỉ 10 ngày, thời gian vừa đủ để quân và dân ta chuẩn bị chiến đấu với lực lượng viện binh hùng hậu của địch.

Ngày 3 tháng 11 năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn tổng công kích quân Minh ở Xương Giang. Toàn bộ tướng lĩnh chỉ huy của giặc cùng hàng vạn quân lính bị bắt hoặc bị ta tiêu diệt. Như vậy, chỉ trong gần 1 tháng, quân và dân ta đã tiêu diệt gần 10 vạn viện binh của Liễu Thăng.

Vương Thông xin giảng hòa, thực chất là đầu hàng nghĩa quân Lam Sơn và được Lê Lợi cấp ngựa, cấp lương để rút quân về nước. Đại Việt sạch bóng quân thù.

Chiến thắng Xương Giang đã ghi thêm chiến công chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đập tan âm mưu đồng hóa văn hóa, chấm dứt 20 năm đô hộ của nhà Minh đối với nước Đại Việt, mở ra thời kỳ độc lập.

Để ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân có công với nước, tại di tích thành Xương Giang, thành phố Bắc Giang đã xây dựng ngôi đền Xương Giang uy nghi, bề thế, từ lâu đã trở thành điểm đến của đông đảo nhân dân, du khách. Lễ hội chiến thắng Xương Giang cũng được địa phương tổ chức trọng thể vào ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm.

Với giá trị tiêu biểu, ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Địa điểm chiến thắng Xương Giang, thành phố Bắc Giang là Di tích quốc gia đặc biệt.


 

Chương trình nghệ thuật tại buổi lễ. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)
Chương trình nghệ thuật tại buổi lễ. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)



Cùng với Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang, tỉnh Bắc Giang tổ chức khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch năm 2020 với chủ đề “Bắc Giang - vùng đất thiêng Tây Yên Tử."

Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa-Du lịch diễn ra hơn 20 hoạt động được tổ chức trên địa bàn 10 huyện, thành phố trong tỉnh từ ngày 29/1 đến ngày 12/2 như trưng bày Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Mộc bản chùa Bổ Đà; triển lãm trưng bày và giới thiệu không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử; Lễ hội Xuân Tây Yên Tử 2020...

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhấn mạnh là tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, chốn Tổ của Phật giáo Trúc Lâm, cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Bắc Giang phấn đấu trở thành tỉnh có thương hiệu về du lịch, là điểm đến của du lịch văn hóa-tâm linh, lịch sử-văn hóa, sinh thái-nghỉ dưỡng hấp dẫn trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Thông qua các hoạt động của Tuần Văn hóa-Du lịch năm 2020, Bắc Giang mong muốn giới thiệu, quảng bá các giá trị đặc sắc, nổi bật về tài nguyên du lịch của tỉnh, đặc biệt là không gian văn hóa - Phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử, tạo mối liên kết phát triển du lịch bền vững giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh bạn, đồng thời, khẳng định du lịch Bắc Giang là điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện, mến khách.

Theo Đồng Thúy (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.