Người dân Tú Thủy khôi phục nghệ thuật tuồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mới đây, Câu lạc bộ Hát tuồng thôn Tú Thủy (xã Tú An, thị xã An Khê) vừa được thành lập. Sự kiện này đã góp phần đánh thức tuồng cổ, làm phong phú thêm văn hóa truyền thống trên vùng đất Tây Sơn Thượng đạo.
Người mang tuồng cổ lên cao nguyên
Xuôi theo tỉnh lộ 669 hướng An Khê đi huyện Kbang, chúng tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Văn Tiên (89 tuổi, thôn Tú Thủy 2, xã Tú An). Ông từng là một kép hát nổi tiếng có công mang nghệ thuật tuồng truyền thống từ quê hương Bình Định lên An Khê. Căn nhà cấp 4 của gia đình cụ Tiên nép mình trong khu vườn xanh mát nằm sát tỉnh lộ. Dù tuổi đã cao, nhưng khi nghe có người muốn tìm hiểu về nghệ thuật tuồng cổ, đôi mắt cụ sáng lên vì vui mừng. Cụ cho hay: “Tôi sinh ra và lớn lên tại thôn Tiên Thuận, xã Bình Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Đây là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát tuồng (hát bội). Vì vậy, từ bé tôi đã mê mẩn giai điệu luyến láy, tiếng trống chầu, tiếng kèn, tiếng đàn nhị… của môn nghệ thuật này và thầm ước mình sẽ hát hay múa đẹp như các cô, các chú”. Lớn lên, cụ Tiên trở thành “linh hồn” của các phong trào văn hóa-văn nghệ của địa phương và tích cực tham gia hoạt động cách mạng. “Năm 18 tuổi, tôi đã tập hợp một số người bạn chung chí hướng xây dựng nhiều màn kịch chống Pháp; đồng thời tham gia tiếp tế muối, gạo, vải… cho cách mạng”-cụ nhớ lại. 
 Các nghệ sĩ không chuyên của Câu lạc bộ hát tuồng thôn Tú Thủy  chuẩn bị trước một buổi diễn. Ảnh: N.M
Các nghệ sĩ không chuyên của Câu lạc bộ hát tuồng thôn Tú Thủy chuẩn bị trước một buổi diễn. Ảnh: N.M
Phát hiện những hoạt động ấy, năm 1963, thực dân Pháp bắt cụ đưa về Nhà tù Ghềnh Ráng (Quy Nhơn, Bình Định) và nhốt chung với những người tù chính trị. Cụ Tiên kể: “Chúng gông cùm thân xác nhưng không thể giam hãm được ý chí đấu tranh và tình yêu với nghệ thuật tuồng trong tôi. Tại đây, tôi phối hợp với bạn tù soạn ra những vở kịch với nội dung phản đối sự cai trị của thực dân Pháp, rồi anh em diễn ngay trong phòng giam. Do vậy, chúng tôi bị đưa đến các phòng biệt giam, bị tra tấn, đánh đập hết sức dã man. Suốt 2 năm ròng không khai thác được gì, chúng buộc phải thả tôi ra”.
Sau khi ra tù, cụ Tiên tiếp tục tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ; dàn dựng, biên soạn nhiều vở kịch biểu diễn phục vụ người dân quê nhà. Đến năm 1967, cụ đưa vợ con cùng nghệ thuật tuồng cổ của quê hương lên An Khê lập nghiệp. Đến với vùng đất mới, tình yêu với môn nghệ thuật hát tuồng đã thôi thúc cụ thành lập đoàn tuồng. Từ đó, cứ vào dịp lễ, Tết là đoàn tuồng lại dựng sân khấu, căng phông màn tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân. Những giai điệu nỉ non cùng âm thanh khi trầm khi bổng; tiếng trống chầu giục giã đã thấm dần vào tâm tưởng người dân An Khê lúc nào không hay, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. “Năm 1987, sau một trận ốm, sức khỏe giảm sút, tôi không đứng ra tổ chức được, đoàn tuồng đành giải thể và phong trào hát tuồng lắng xuống cho đến nay”-cụ Tiên nuối tiếc.
Đánh thức nghệ thuật truyền thống
 

Ông Phan Đình Quý-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê: “Tuồng là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền đặc sắc của Việt Nam. Với tinh thần gìn giữ và phát huy bộ môn nghệ thuật này, những nghệ sĩ không chuyên của Câu lạc bộ Hát tuồng thôn Tú Thủy đã lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống tới cộng đồng dân cư; xây dựng phong trào văn hóa-văn nghệ sôi nổi”.


Khi tuổi cao sức yếu, sợ những tích tuồng sẽ bị mai một, cụ Tiên đã trao lại tập bản thảo gồm hơn 10 vở tuồng cho con gái đầu Nguyễn Thị Thanh Nhàn với mong muốn nghệ thuật tuồng sẽ có người kế tục. Bà Nhàn bày tỏ: Nhận sự ủy thác từ cha, bà rất đỗi tự hào song vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, tạm gác những khó khăn, bà Nhàn bắt tay vào sao chép những tích tuồng mà phần đa cũ rách, nhiều trang nội dung đã mờ. Sau 2 năm ròng, hơn 10 vở tuồng đã được bà Nhàn tỉ mẩn sao chép, đóng tập gọn gàng. Khi phần nội dung đã ổn, bà Nhàn vận động 2 người em và một số thành viên từng tham gia đoàn tuồng trước đây chung tay để khôi phục nghệ thuật hát tuồng trên đất An Khê.  
Từng là kép chính và được cụ Tiên truyền dạy, khi nghe tái khởi động đoàn tuồng, ông Võ Hồng Sơn (SN 1960, thôn Tú Thủy 2) nhận lời ngay và vận động vợ cùng tham gia. “Vợ chồng tôi vốn là thành viên của đoàn tuồng, đóng cặp phu thê trên sân khấu rồi mến nhau và nên nghĩa vợ chồng. Vì vậy, nghệ thuật hát tuồng có ý nghĩa rất quan trọng đối với gia đình  tôi”-ông Sơn nhớ lại kỷ niệm xưa.  
Nhận được cái gật đầu từ các nghệ sĩ hát tuồng không chuyên và được cấp ủy, chính quyền xã Tú An ủng hộ, đoàn tuồng bắt tay vào tập diễn vở “Phạm Công-Cúc Hoa” dưới sự chỉ bảo của cụ Tiên. “Vào dịp cúng Thanh minh (tháng 2 Âm lịch năm 2018), chúng tôi tiến hành công diễn tại khu vực chợ Tú An. Là buổi diễn đầu tiên nên ai cũng hồi hộp, lo lắng nhưng không ngờ thành công ngoài mong đợi. Mọi người kéo về xem rất đông, ngồi chật kín cả khoảng sân rộng trước sân khấu”-bà Nhàn nhớ lại những ngày đầu khởi sự. Sau thành công này, những nghệ sĩ không chuyên tiếp tục tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân xã Tú An 3 đêm liên tiếp (từ mùng 2 đến mùng 4 Tết Kỷ Hợi 2019). Bà Nhàn cho hay, không chỉ ủng hộ về mặt tinh thần, khán giả khi đến xem cũng ủng hộ mỗi người một ít kinh phí giúp đoàn mua trang-thiết bị, phông màn, đạo cụ...
Đầu tháng 8-2019, UBND xã Tú An đã ra quyết định thành lập Câu lạc bộ Hát tuồng thôn Tú Thủy. Ông Trần Thanh Cảnh-Chủ tịch UBND xã Tú An-cho biết: “Câu lạc bộ có 12 thành viên là những người nông dân chân lấm tay bùn, vì niềm đam mê nghệ thuật tuồng truyền thống mà tập hợp lại, đem lời ca tiếng hát phục vụ người dân. Các buổi biểu diễn thường diễn ra vào dịp lễ, Tết, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân đón một năm mới nhiều niềm vui, thắng lợi”. 
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.