Giữ màu thổ cẩm ở trường học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thổ cẩm và trang phục từ thổ cẩm là sản phẩm truyền thống chứa đựng tinh hoa của văn hóa tộc người khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên. Vì vậy, tuyên truyền về việc gìn giữ sắc màu thổ cẩm là điều rất cần thiết, nhất là với thanh thiếu nhi ở các trường học.
Trang phục truyền thống của trẻ em các dân tộc Trường Sơn-Tây Nguyên là bộ váy, áo dành cho nữ; khố, áo dành cho nam. Đó chính là bộ trang phục của người lớn thu nhỏ, không cầu kỳ như các dân tộc miền núi phía Bắc. Các bé gái mặc áo và chiếc váy nguyên tấm, khi mặc thì quấn lại; các bé trai mặc áo được cắt may hoặc choàng quấn đơn giản và đóng khố. Chiếc váy của các bé gái được dệt nhiều hoa văn, phối màu đẹp mắt, tiêu biểu là váy của dân tộc Xtiêng, MNông, Mạ, KHo, Jrai, Ê Đê, Giẻ Triêng, Xơ Đăng... Ngoài chiếc áo cắt may đơn giản, các bé trai các dân tộc vùng này có áo choàng quấn độc đáo. Nó là tấm thổ cẩm dài được choàng từ sau lưng qua lồng ngực, đưa lên 2 vai rồi nhét sau lưng thành chiếc áo choàng quấn hình chữ X. Tấm áo này thường được mặc khi đi dự lễ hội.
 Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai  trong trang phục truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: Đ.T
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai trong trang phục truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: Đ.T
Những năm gần đây, nghề dệt của đồng bào các dân tộc ở vùng núi rừng Trường Sơn và Tây Nguyên dần bị mai một. Trang phục thổ cẩm chỉ còn xuất hiện phổ biến trong các lễ hội và gần như biến mất trong cuộc sống thường ngày. Trang phục truyền thống dành cho trẻ em, thiếu nữ, thanh niên mai một nhanh hơn vì nhiều lý do, trong đó một phần vì thói quen, sở thích, quan niệm thẩm mỹ có sự thay đổi so với những lớp người lớn tuổi. Lớp trẻ thường tỏ ra tự ti, mặc cảm, sợ ăn mặc theo kiểu truyền thống sẽ bị coi là lạc hậu... Trước nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc, gần đây, từ trung ương đến địa phương đã có những việc làm thiết thực để khôi phục nghề dệt thổ cẩm và gìn giữ trang phục truyền thống. Tháng 3-2019, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phê duyệt đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong giai đoạn phát triển hiện nay, với tổng kinh phí thực hiện là 222,9 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương là 51,2 tỷ đồng và ngân sách đối ứng từ các địa phương là 171,7 tỷ đồng. Đề án hướng đến việc đưa trang phục truyền thống trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số; nâng cao lòng tự hào và ý thức bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc; phấn đấu 100% học sinh trường dân tộc nội trú các tỉnh mặc trang phục truyền thống 2 buổi/tuần và các dịp lễ hội...
Một số tỉnh ở Tây Nguyên như Đak Lak, Gia Lai, Kon Tum và địa bàn miền núi, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền Trung như Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đã quan tâm đến trang phục truyền thống cho học sinh phổ thông ở các trường dân tộc nội trú. Đây là việc làm ý nghĩa, giúp giới trẻ hiểu (nhận thức được các giá trị văn hóa độc đáo của trang phục) và yêu thích (chuyển đổi thị hiếu thẩm mỹ) trang phục dân tộc mình, hình thành thói quen “thực hành văn hóa” trong cộng đồng. Hiện nay, hầu hết học sinh đồng bào dân tộc Xê Đăng, Bahnar trên địa bàn TP. Kon Tum đã sử dụng sản phẩm thổ cẩm như áo, váy, tấm choàng... khi đến lớp. Hoặc ở huyện Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi), nơi có 95% dân số là đồng bào Cor, từ năm học 2013-2014 đến nay các em học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú THCS các huyện đã mang trang phục truyền thống người Cor đến trường. Tại các trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh Quảng Nam, nữ sinh cũng xúng xính trong bộ váy áo truyền thống, nam sinh khoác một chiếc áo thổ cẩm kiểu ghi lê với những đường viền hoa văn độc đáo.
Đó là tín hiệu vui cho thấy nhiều tỉnh thành đang rất quan tâm đến vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có nghề dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống. Tuy nhiên, để có trang phục học đường đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng địa bàn, dân tộc thì chính quyền, các ngành và các trường học cần hướng dẫn và đặt hàng cho bà con sản xuất sao cho bền đẹp, đa dạng mẫu mã, cách tân hợp thời trang. Qua đó, duy trì, phát triển nghề thủ công truyền thống, giúp ổn định đầu ra, đồng thời tuyên truyền để người dân-nhất là thế hệ trẻ-biết trân trọng sản phẩm thổ cẩm và trang phục truyền thống nhằm chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
TẤN VỊNH

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.