Gìn giữ sắc màu văn hóa Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vừa được tái hiện vào ngày 30-10, lễ cúng bến nước tại buôn Gum Gốp (xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) hội tụ đầy đủ sắc màu văn hóa thông qua một nghi lễ lâu đời của người Jrai ở khu vực phía Đông Nam tỉnh Gia Lai.
Lễ rước Thần nước
Trong văn hóa, tín ngưỡng của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và người Jrai nói riêng, Thần nước (hay Hồn nước) có một vị trí rất đặc biệt. Lễ Dôh Bing Ia-cúng bến nước là nghi lễ lớn thường được bà con tổ chức 3 năm/lần vào khoảng tháng 10, 11. Nghệ nhân Ưu tú Rơ Ô Bhung-già làng uy tín buôn Gum Gốp, chủ lễ-cho hay: “Lễ cúng bến nước hay còn gọi là rước Hồn nước là một nghi lễ quan trọng của người Jrai. Chúng tôi cầu Thần nước bảo vệ trẻ con, phụ nữ, thanh niên, người già trong làng luôn bình an, qua sông không gặp nạn, mùa màng tươi tốt, bão lũ không làm hại dân làng”.
Già làng chuẩn bị mâm cúng chính thức của lễ Cúng Bến nước
Già làng chuẩn bị mâm cúng chính thức của lễ Cúng Bến nước. Ảnh:P.V
Đúng 7 giờ sáng, sau hồi chiêng thông báo, đoàn rước Thần nước di chuyển về bến nước bên bờ sông Ba cách đó chừng 200 m để cử hành nghi thức đầu tiên. Già Bhung đi đầu, theo sau là 2 em bé một trai, một gái, tiếp đến là già làng Kpă Bum và vợ ông. Theo sau là đội khiêng lễ vật hiến tế gồm heo, gà. Đội khiêng nồi đồng, ống nứa cùng chị em phụ nữ gái trong làng đi sau cùng. Đến bờ sông, chủ lễ cắt lấy tiết heo và tiết gà nhỏ xuống sông. Sau đó già Bhung khấn xin rước nước về làng. Lần lượt đội rước nước lấy đầy nước sông cho vào quả bầu to nhỏ, nồi đồng to nhỏ và 2 ống nứa khiêng về nhà già làng Kpă Bum, nơi chính thức diễn ra lễ cúng. Trên đường về, đoàn dừng lại trước cây gạo đầu buôn, già Bhung dùng nước sông tưới và cầu cho cây tươi tốt để che chở dân làng. Sau khi rước nước vào nhà, đoàn rước lễ đi vòng tròn quanh các ché rượu, lấy nước từ nồi đồng đổ vào ché rượu; nước trong các ống nứa thì để bên ngoài dùng nấu cơm hay chêm rượu đãi khách.
Đoàn rước nước đi vòng quanh các ché rượu đặt giữa nhà 3 vòng trong tiếng chiêng rộn rã tấu lên bởi các già làng. Lễ vật cúng trong nhà gồm có 5 chén cơm, 5 chén thịt, 5 ché rượu, 1 con gà trống, 1 nồi đồng đựng rượu, 1 con voi bằng đất dùng thắp nến, 1 đĩa cơm, 1 đĩa thịt nướng. Đầu và đuôi heo cùng nội tạng đặt trước ché rượu đầu tiên. “Tất cả những vật dụng như con voi đất, lục lạc, nồi đồng lớn nhỏ, bầu nước… đều là của cha ông xưa để lại và chỉ sử dụng trong các lễ cúng mà thôi”-già Bhung vừa bày biện mâm cúng vừa chia sẻ. Sắp xếp đâu đấy, già Bhung ngồi bên dãy ghè rượu giữa nhà bắt đầu đọc to bài khấn bằng tiếng Jrai cầu mong Thần nước phù hộ dân làng mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, không có bệnh dịch, dân làng qua sông qua suối thuận lợi... Sau khi mời rượu đại biểu và khách, lễ cúng kết thúc bằng điệu xoang nhịp nhàng của các cô gái Jrai quanh các ché rượu cần say nồng và tiếng cồng chiêng rộn ràng.
Đoàn rước hồn nước đưa nước về nhà già làng để tổ chức lễ cúng chính thức. Ảnh: P.L
Đoàn rước hồn nước đưa nước về nhà già làng để tổ chức lễ cúng chính thức. Ảnh: P.L
Gìn giữ, phát huy truyền thống
Buổi sáng diễn ra lễ cúng bến nước, buôn Gum Gốp rộn ràng, nhộn nhịp khác lạ so với ngày thường. Cờ phướn treo rợp đường dẫn vào nhà già Kpă Bum-nơi diễn ra lễ cúng. Để chuẩn bị cho việc phục dựng nghi lễ này, dân làng đã họp lại, thống nhất mỗi gia đình đóng góp 20.000 đồng, cùng nhau dọn dẹp bến nước. Bộ chiêng cổ 8 chiếc được đem ra lau chùi để hội đồng già làng tập lại các bài chiêng cúng. Chị em trong buôn cũng tập luyện điệu xoang cho thật đều, thật đẹp. Già làng Kpă Bum cho hay: “Vì đây là lễ cúng quan trọng nên ai trong buôn cũng mong chờ. Mọi người chung tay chuẩn bị để lễ cúng được tiến hành đầy đủ nhất với mong muốn Thần nước sẽ đem lại may mắn cho cả làng”.
Thanh niên trong đoàn rước Thần nước lần lượt uống các ghè rượu. Ảnh: P.V
Thanh niên trong đoàn rước Thần nước lần lượt uống các ghè rượu. Ảnh: P.V
Nghe tin buôn Gum Gốp tổ chức lễ cúng bến nước, chàng sinh viên mới ra trường Ksor Nam (xã Chư Gu, huyện Krông Pa) liền tìm đến. Thích thú theo dõi không sót một nghi thức nào của buổi lễ, Nam tâm sự: “Là người Jrai nên mình rất thích được xem các nghi lễ của dân tộc mình. Mình từng tham gia các lễ cúng tạ ơn, tắm sông xả xui, các nghi lễ vòng đời… nhưng đây là lần đầu tiên được dự lễ cúng bến nước. Không chỉ xem mà mình còn quay phim, chụp hình, đăng lên mạng xã hội để nhiều người được biết. Đó cũng là cách lưu giữ để sau này kể lại cho bạn bè, con cháu mình”. Ông Kpă Ngun-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-khẳng định: “Cúng bến nước là một nghi lễ mang đậm sắc màu tín ngưỡng dân gian và giàu ý nghĩa nhân văn của người Jrai. Chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bà con phục dựng, gìn giữ những nghi lễ truyền thống độc đáo này”. 
Đây là lần thứ 2 trong năm 2019, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao của các địa phương tổ chức phục dựng một số nghi lễ truyền thống trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ông Phạm Ngọc Long-Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San-chia sẻ: “Thời gian tới, bên cạnh việc phối hợp với các địa phương phục dựng các lễ hội, Nhà hát sẽ tổ chức nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, khơi dậy và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc”.
 PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.