Lễ cúng bến nước của người Jrai: Độc đáo, nhân văn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cư dân tại chỗ ở thị xã Ayun Pa là người Jrai Chor, sống tập trung ở 26 làng tại các xã: Ia Rbol, Ia Sao, Ia Rtô và Chư Băh. Người Jrai ở Ayun Pa tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” nên có nhiều nghi lễ nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tâm linh, trong đó có lễ cúng bến nước.
Nước có vai trò quyết định trong đời sống. Không có nước thì không thể tồn tại. Trước đây, khi lập làng, người Jrai thường chọn nơi gần sông suối để có nguồn nước nuôi dưỡng sự sống cho con người và phục vụ lao động sản xuất. Mỗi làng Jrai thường có bến nước riêng. Đây cũng là nơi mọi người gặp nhau sau một ngày lao động vất vả, chia sẻ cùng nhau bao nỗi vui buồn.
 Ảnh minh họa: Huy Tịnh
Ảnh minh họa: Huy Tịnh
Người Jrai quan niệm muốn cuộc sống yên ổn, khỏe mạnh thì con người phải quý trọng nguồn nước. Hàng năm, các buôn người Jrai ở Ayun Pa thường tổ chức cúng bến nước nhằm tạ ơn và cầu xin Yàng Bến nước (yang Piên Ia) tiếp tục phù hộ cho dân làng có đủ nước sinh hoạt, sản xuất, không ốm đau, mọi người đều có sức khỏe dồi dào. Nét chung là như vậy nhưng mỗi buôn thường tiến hành một số lễ thức khác nhau. Có lẽ chính điều này làm nên sự phong phú trong văn hóa dân gian nói chung và văn hóa của người Jrai ở Ayun Pa nói riêng.
Mới đây, chúng tôi có dịp chứng kiến lễ cúng bến nước của người dân buôn Rưng Ma Nhiu, xã Ia Rbol. Trước khi làm lễ, già làng thông báo cho cả làng biết ngày giờ tổ chức. Mọi người đóng góp tiền, gà, gạo, rượu tùy theo điều kiện gia đình. Dân làng tập trung dọn vệ sinh sạch sẽ đường xuống bến nước, sau đó mổ heo. Làm heo xong thì cắt phần thịt cúng để riêng gồm: đầu, 1 đùi, đuôi và tim, gan (để sống). Khi cúng, dân làng không được tập trung quá đông ở bến nước mà chỉ có 1 người cúng chính và 3-5 người giúp việc (người Jrai quan niệm như vậy không khí mới trang nghiêm, thần linh mới nghe được lời khấn của con người). Khi già Ksor Hơ cất lên lời khấn linh thiêng cũng là lúc xung quanh hoàn toàn yên tĩnh. Chúng tôi dường như nghe được cả tiếng nước sông đang trôi và tiếng gió đang trườn nhẹ qua những vòm lá.
Trước tiên, già Ksor Hơ thực hiện các lễ thức cúng Thần đất, Thần rừng ở trên bờ, sau đó mới mang thịt, rượu ra cây nêu đã dựng sẵn dưới bến nước. Tại đây, già Ksor Hơ đọc bài khấn cảm tạ Yàng Bến nước và nói lên những ước nguyện của dân làng trong năm mới. Xong các nghi thức dưới bến nước, già Ksor Hơ trở lại nơi đặt 3 ghè rượu ban đầu. Một người phụ nữ lớn tuổi trong làng hút rượu từ 3 ghè cúng, mỗi ghè 1 chén, mời già Ksor Hơ uống hết (tượng trưng cho việc thần linh đã chấp nhận những ước nguyện của con người và vui vẻ cùng uống rượu với người đại diện dân làng).
Lúc này, có 1 hố nước đã vét sẵn ngay bên bờ sông. Sau mấy giờ được lọc qua cát, nước trở nên trong vắt. Xong lễ, phụ nữ của mỗi gia đình đã chuẩn bị các đồ đựng nước và đến lấy nước ở hố này đem về. Sau đó, dân làng cùng nhau ăn uống, vui chơi đến chiều tối. Theo phong tục của buôn Rưng Ma Nhiu, trong lễ cúng bến nước không sử dụng cồng chiêng. Thức ăn không ăn hết thì bỏ lại, không được đem về.
Người trong buôn Rưng Ma Nhiu cho biết lễ cúng bến nước có từ xưa lắm rồi. Mỗi hộ chung tiền đóng góp thì không tốn kém bao nhiêu. Chỉ vài triệu đồng mà dân làng được 1 ngày cùng nhau ăn uống, vui chơi, chuyện trò, tâm sự thoải mái, nói cười rổn rảng. Dư âm niềm vui ấy còn lan mãi sang những ngày sau. Hiện tại, để tổ chức được lễ cúng bến nước hơi khó vì người biết cúng rất ít. Ngoài việc phải biết thực hiện các lễ thức, thuộc bài cúng, chủ lễ phải là người được dân làng tin yêu, kính trọng. Trong cuộc sống, người cúng phải kiêng cữ một số điều như không ăn thịt chó, không được uống rượu say... Già Ksor Hơ là một trong số rất ít người biết cúng thì năm nay cũng đã ngoài 90 tuổi.
Trò chuyện với chúng tôi, già Rmah Phung, già Ksor Kai cùng nhiều người dân bày tỏ sự trân trọng đối với lễ cúng bến nước nhưng cũng trăn trở về sự phai nhạt. Hy vọng rằng, mỗi người dân buôn Rưng Ma Nhiu cũng như các buôn làng khác ý thức được nét đẹp văn hóa truyền thống này để duy trì và bảo tồn.
 THU ÂN

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.