Điêu khắc gỗ dân gian Trường Sơn-Tây Nguyên: Tương đồng và dị biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc của các dân tộc bản địa Tây Nguyên, nói rộng hơn là Trường Sơn-Tây Nguyên, các nhà nghiên cứu không thể không nhắc đến lĩnh vực mỹ thuật dân gian, trong đó nổi bật là điêu khắc gỗ dân gian. 
Hiện nay, số lượng công trình nghiên cứu chuyên sâu các mảng đề tài văn hóa dân gian dân tộc bản địa, nhất là mỹ thuật dân gian chưa nhiều. Một số công trình đã xuất bản còn đang ở dạng sưu tầm phục vụ cho công tác bảo tồn các di sản có nguy cơ bị mai một hay gói gọn trong một số bài viết nhận xét mang tính khai mở, giới thiệu với người đọc, người xem dưới hình thức nhiếp ảnh, ký họa, như: tập sách ảnh “Điêu khắc gỗ dân gian Bahnar, Jrai” của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong, tập sách ảnh “Điêu khắc gỗ Cơtu” của tác giả Trần Tấn Vịnh, “Một số tư liệu mỹ thuật dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum” của họa sĩ Phùng Sơn…
     Một nghệ nhân đang tạc tượng gỗ.  Ảnh: ĐỨC THỤY
Một nghệ nhân đang tạc tượng gỗ. Ảnh: ĐỨC THỤY
Lễ hội bỏ mả của các dân tộc bản địa Trường Sơn-Tây Nguyên là lễ hội lớn, người Jrai và Bahnar gọi là pơthi, thường được tổ chức vào cuối năm trước đến tháng 2 năm sau. Đó là những tháng nghỉ việc nương rẫy, đồng áng của các cộng đồng dân tộc địa phương, khi đã làm hết các lễ tạ ơn Yàng thì các gia đình bắt tay vào chuẩn bị cho lễ hội pơthi. Các dân tộc bản địa Tây Nguyên quan niệm rằng, con người khi chết là trở về với thế giới khác-thế giới các hồn ma (atâu). Do vậy, khi chưa làm lễ bỏ mả thì người chết vẫn còn ở lại với cộng đồng, được gia đình chăm lo cho “ăn uống” như lúc còn sống. Sau khi làm lễ bỏ mả, người chết xem như vĩnh viễn về với thế giới atâu, mọi sự ràng buộc, cộng cảm đều chấm dứt; nhà mồ, tượng mồ cũng được trả về với thế giới tự nhiên. Chính vì vậy, lễ hội pơthi cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên được chuẩn bị hết sức công phu, tốn kém và huy động nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống tham gia như: cồng chiêng, múa, kiến trúc, điêu khắc gỗ… nhằm tiễn đưa người thân về với thế giới bên kia.
Nhà mồ, tượng mồ là trung tâm của lễ hội pơthi, nó được dựng lên cho thế giới người chết và chỉ được cộng đồng quan tâm trước và trong dịp lễ hội diễn ra. Sau khi lễ hội kết thúc thì nhà ma, tượng mồ được kỳ công dựng lên trước đó thuộc về không gian của làng ma, của thế giới khác, người sống không còn bén mảng hay quan tâm đến sự tồn tại của nó. Trước lễ hội bỏ mả diễn ra, hoạt động tốn công sức nhiều nhất là tìm kiếm, chuẩn bị vật liệu và tiến hành làm nhà mồ, tạc tượng dựng quanh nhà mồ. Những thành viên được chọn tạc tượng là người trong buôn làng có kinh nghiệm và khéo tay. Ở đây, nghệ thuật tạc tượng của mỗi dân tộc bản địa ở Trường Sơn-Tây Nguyên có nhiều điểm trùng hợp do tập tục văn hóa tương đồng và quá trình giao thoa văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc với nhau. Họ tin rằng, thế giới của con người sau khi chết cũng có những sinh hoạt, nhu cầu như cộng đồng con người đang sống. Do đó, tượng của người Jrai và Bahnar ở các buôn làng Bắc Tây Nguyên là lớp tượng được xếp vào mô típ sinh thành mang ý nghĩa phồn thực. Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Văn Doanh lý giải: Sở dĩ chúng tôi gọi lớp tượng này là lớp tượng đầu tiên vì ở không ít khu nhà mồ, nhất là ở các vùng xa (của người Jrai, Bahnar) ta chỉ gặp 3 hình ảnh: giao hoan, đàn bà chửa và hài nhi. Vì để thể hiện một hình tượng, một ý niệm, nên những con người ở lớp tượng mồ cổ không phải là một con người cụ thể, mà là “con người chung”, “con người khái quát”, hay “con người vũ trụ”, còn ngôn ngữ của điêu khắc là ngôn ngữ gợi chứ không tả…”.
Và điều cần chú ý là phong cách đầu tiên của tượng nhà mồ là phong cách biểu tượng gợi tả-đồng hiện ý. Do vậy, người Bahnar, Jrai gọi lớp tượng xưa này là “hình” chứ không phải là “tượng”-tiếng Jrai gọi là rup, tiếng Bahnar là mêu (theo Ngô Văn Doanh). Sau lớp tượng sinh thành, chúng ta thường bắt gặp lớp tượng người hầu (cả nam, nữ) với nhiều hoạt động khác nhau, có thể là tượng người múa, đánh trống, giã gạo, phụ nữ mang gùi, cầm bầu nước... Đặc biệt, chúng ta thấy xuất hiện nhiều loại tượng người ngồi ôm mặt với dáng dấp buồn thương. Điều này chuyển tải mong muốn ở thế giới bên kia, người chết không cô đơn mà vẫn có một cộng đồng “người tượng” cùng chung sống, sinh hoạt như thế giới con người. Cùng lớp “người tượng” còn có lớp tượng chim thú như: voi, khỉ, chó và các loại chim quen thuộc với cộng đồng. 
Qua thực tế điền dã cũng như quan sát hình ảnh của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong về tượng mồ của người Jrai, Bahnar ở Gia Lai từ năm 1995 trở về trước, có thể thấy đa phần chúng thuộc phong cách cổ với đường nét, lát cắt hết sức thô mộc, tạo hình đơn giản trên thân gỗ nhưng rất có hồn. Sau này, một lớp tượng nhà mồ đã bắt đầu có sự cách tân với lối mô tả gần hơn với hiện thực cuộc sống, tuy nhiên cũng vì vậy đã dần dần làm mất đi vẻ hồn nhiên, sống động của lớp tượng truyền thống của người Bahnar, Jrai.
Đến với tượng mồ của người Cơtu ở miền núi phía Tây Quảng Nam, chúng ta thấy có sự khác biệt về phong cách thể hiện so với các dân tộc Bahnar, Jrai. Ở nhà mồ người Cơtu, hình ảnh chiếm ưu thế rõ nhất là các tượng đầu trâu ở 4 góc đầu hồi nhà mồ và 2 đầu quan tài. Bên cạnh đó, các tượng người hầu đứng, ngồi xung quanh nhà mồ, cũng như các hình tượng chim, thú được mô tả khá chi tiết. Tuy phong cách này vẫn chỉ gợi tả con người, con vật chung chung nhưng đã vượt qua phong cách cổ-phong cách khắc họa giản đơn. Theo Trần Tấn Vịnh trong cuốn “ Điêu khắc gỗ Cơtu” xuất bản năm 2017 thì chỉ cần quan sát một số nhà mồ Cơtu, qua các hình ảnh điêu khắc gỗ, người ta có thể biết được người chết khi còn sống thích và nổi tiếng về sở trường gì, ví dụ giỏi về đi săn hay thích âm nhạc… Bên cạnh các tượng người, tượng chim thú, ở nhà mồ Cơtu còn xuất hiện các tượng quái vật đứng canh xung quanh nhà mồ. Đặc biệt, cùng với điêu khắc gỗ, người Cơtu còn sử dụng hội họa với những nét vẽ nhiều màu sắc mô tả các chi tiết của tượng người và vật.
Ngày nay, để bảo tồn và phát huy điêu khắc gỗ dân gian ở các dân tộc Trường Sơn-Tây Nguyên, người ta thường tổ chức lớp truyền dạy và thi tạc tượng ở các địa phương nhằm khuyến khích các nghệ nhân dân gian gìn giữ vốn văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Tuy nhiên, tạc tượng nhà mồ không thể đứng riêng rẽ mà phải được gắn vào cả một không gian rộng hơn với nhiều loại hình nghệ thuật khác mang ý nghĩa tâm linh. Tượng mồ phải đặt trong không gian nhà mồ và làng ma thì nó mới thật sự hài hòa, sống động và mang đúng ý nghĩa của “hồn tượng” mà cộng đồng muốn khắc họa vào từng thớ gỗ ấy.
 BÙI QUANG VINH 

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

(GLO)- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 580/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích An Phú (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku).

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.