Bia đá cổ tại Đak Pơ: Sự hiện diện của văn hóa Chăm trên cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo kế hoạch, ngày mai (4-10), UBND huyện Đak Pơ, Gia Lai sẽ tổ chức họp báo công bố nội dung bản dịch trên bia đá Chăm tại thôn Tư Lương, xã Tân An. Bia đá này đã khẳng định sự hiện diện của văn hóa Chăm trên cao nguyên, là cơ hội để địa phương quảng bá hình ảnh, góp phần phát triển du lịch.
Cuối tháng 5-2010, chính quyền huyện Đak Pơ nhận được tin báo của người dân về việc phát hiện 1 bia đá có nhiều ký tự lạ nằm trên địa bàn thôn Tư Lương nên tiến hành kiểm tra, xác minh. Thời điểm đó, bia đá nằm trong khu vực rẫy sản xuất của người dân và được bao phủ bởi nhiều cây cối rậm rạp. Chính quyền địa phương đã làm tường rào kiên cố xung quanh và mái che để bảo vệ bia đá này.
Theo quan sát của P.V, bia đá có 2 mặt, được làm bằng đá granite, có chiều cao khoảng 2,2 m, chiều rộng 1,8 m và dày 1,4 m. Mặt chính của bia đá có khắc 8 dòng chữ, mặt còn lại khắc 3 dòng chữ. Kiểu chữ được khắc trên bia đá được xác định là chữ của người Chăm cổ.
   Chính quyền địa phương đã làm tường rào và làm mái che để bảo vệ bia đá Chăm. Ảnh: C.H
Chính quyền địa phương đã làm tường rào và làm mái che để bảo vệ bia đá Chăm. Ảnh: C.H
Ông Nguyễn Xuân Thành (80 tuổi, trú thôn Tư Lương) cho biết: Ông đã biết về bia đá này từ năm 1962. Khi đó, ông cùng với ông Nguyễn Phi và một số người dân trong thôn đã đến đây đào bới để mong tìm được vàng bạc, châu báu. Dù mất rất nhiều công sức nhưng họ vẫn không tìm thấy vật gì có giá trị. Hiện ông Nguyễn Phi đã qua đời và bia đá này nằm trong phần đất rẫy của con trai ông Phi.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thanh Hiền-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Pơ-cho biết: Sau khi nhận được tin báo của người dân về bia đá khắc nhiều ký tự lạ, Phòng đã báo cáo sự việc lên cấp trên. Sau đó, Th.S Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) trực tiếp xuống địa phương tìm hiểu. Sau đó, ông Tuệ đã liên hệ với các nhà nghiên cứu văn hóa ngoài nước để tiến hành giải mã, dịch thuật những dòng chữ Chăm cổ trên bia đá này.
Trải qua nhiều năm ròng rã liên hệ và nhờ sự trợ giúp của các đoàn nghiên cứu trong và ngoài nước nhưng những dòng chữ trên bia đá vẫn chưa có lời giải. Đến tháng 1-2018, đại diện Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội đã cử 2 chuyên gia gồm GS. Arlo Griffiths (quốc tịch Pháp) và bà Khom-Sreymom (quốc tịch Campuchia) đến giúp huyện Đak Pơ tiến hành các công đoạn dập, đọc, dịch nội dung bia đá. Công việc được tiến hành từ ngày 26 đến 30-1-2018.
Sau quá trình tìm hiểu và dịch thuật, nội dung bia đá Chăm đã được GS. Arlo Griffiths dịch từ tiếng Chăm cổ sang tiếng Anh. Sau đó, bản dịch được ông Tuệ dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt (đây là bản dịch mà huyện Đak Pơ sắp công bố). Qua gần 600 năm tồn tại, nhiều ký tự trên bia đá đã bị phai mờ, mất nét nên bản dịch không thể trọn vẹn, chỉ có thể làm rõ khoảng 80% nội dung. Trước khi rời Việt Nam, GS. Arlo Griffiths đã gửi tặng 2 bản dập bia đá Chăm cho địa phương để lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai và Nhà truyền thống huyện Đak Pơ. Ngoài ra, 1 bản dập cũng được gửi đến Paris để lưu trữ trong thư viện của Viện Viễn Đông Bác cổ.
Ông Nguyễn Trường-Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-thông tin: Thời gian tới, UBND huyện sẽ mời các chuyên gia về xử lý để tránh bia đá bị phong hóa, nứt vỡ do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên. Đồng thời, để phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển du lịch, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông và hệ thống bảng chỉ dẫn đến bia đá; đưa vào kế hoạch đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng công nhận di tích.
 CHÍ HÀO

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.