Câu lạc bộ lân sư rồng Trần Minh Đường: Giữ gìn văn hóa dân gian

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 10 năm nay, Câu lạc bộ (CLB) lân sư rồng Trần Minh Đường (thị xã An Khê) không chỉ tham gia phục vụ các chương trình văn hóa, văn nghệ của địa phương mà còn trở thành sân chơi lành mạnh, bổ ích của nhiều thanh-thiếu niên, góp phần gìn giữ nét sinh hoạt văn hóa dân gian.
Nơi nuôi dưỡng đam mê
Anh Trần Khương Minh-Chủ nhiệm CLB lân sư rồng Trần Minh Đường-cho biết: Trong thời gian mở lớp dạy võ cổ truyền, anh đã tập hợp được 8 võ sinh có niềm đam mê với nghệ thuật múa lân sư rồng. Đầu năm 2007, anh cùng những võ sinh này thành lập CLB lân sư rồng Trần Minh Đường và mượn khu vực sân trước của UBND phường Ngô Mây (thị xã An Khê) làm nơi luyện tập.
  Câu lạc bộ lân sư rồng Trần Minh Đường biểu diễn tại Hội Cầu huê năm 2019 (thị xã An Khê).  Ảnh: N.M
Câu lạc bộ lân sư rồng Trần Minh Đường biểu diễn tại Hội Cầu huê năm 2019 (thị xã An Khê). Ảnh: N.M
Hơn 10 năm nay, cứ vào các tối thứ hai, tư, sáu, trụ sở UBND phường Ngô Mây lại rộn ràng tiếng trống múa lân. Khi Trung thu gần kề, các thành viên trong CLB càng tích cực luyện tập để mang đến những tiết mục hấp dẫn, đặc sắc phục vụ nhân dân và khán giả nhí. Có mặt tại buổi tập cùng với con trai Lê Võ Nhật Khoa, anh Lê Đức Trí-Bí thư Đoàn phường Ngô Mây-hào hứng cho hay: Khoa mới 5 tuổi và là thành viên nhỏ tuổi nhất CLB. Trung thu năm nay, được CLB cho đi biểu diễn cùng nên cháu rất háo hức, ngày nào sau khi ăn cơm tối xong cũng nằng nặc đòi ba mẹ đưa đi tập trống. “Khoa rất thích đánh trống. Từ lúc 3 tuổi chỉ cần xem trên ti vi hoặc YouTube đôi lần là Khoa có thể bắt chước gõ y hệt. Thấy cháu có năng khiếu, Ban Chủ nhiệm CLB đã “đặc cách” cho Khoa gia nhập vào CLB tham gia biểu diễn cùng với đoàn”-anh Trí chia sẻ thêm.
Em Trần Phát Tài-17 tuổi, thành viên CLB-cũng yêu thích múa lân từ bé. Năm 2011, Tài biết đến CLB lân sư rồng Trần Minh Đường nên xin vào tham gia từ đó đến nay. Tài bộc bạch: “Nhờ có CLB mà em thỏa chí đam mê. Được đi đây đi đó, có cơ hội giao lưu học hỏi, góp phần gìn giữ nghệ thuật múa lân sư rồng truyền thống”. 
Tạo sân chơi lành mạnh
Chủ nhiệm CLB lân sư rồng Trần Minh Đường cho rằng, lân-sư-rồng là 3 con vật tượng trưng cho điềm lành, sự thịnh vượng, phát đạt, may mắn. Vì thế, múa lân sư rồng thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên đán và Tết Trung thu. Tết Trung thu mà không có tiếng trống lân thì sẽ thiếu đi không khí sôi nổi, rộn ràng đặc trưng.
“Ngày nay, nhu cầu thưởng lãm múa lân sư rồng tăng cao, nhất là trong các dịp giao lưu văn hóa-văn nghệ của địa phương; dịp lễ Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, Hội hát Cầu huê... CLB còn nhận biểu diễn mừng khai trương các công ty, doanh nghiệp, cửa hàng... trên địa bàn thị xã và các địa phương khác trong tỉnh. Nếu biểu diễn trên địa bàn thị xã An Khê thì mức giá là 2-2,5 triệu đồng/15 phút; còn tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thì khoảng 5 triệu đồng/15 phút. Số tiền thu được chúng tôi chi trả tiền thuê xe, mua dụng cụ biểu diễn, còn lại chia cho các thành viên”-anh Minh thông tin.
Em Huỳnh Bùi Minh Huy-15 tuổi, thành viên CLB-phấn khởi kể: Em tham gia múa lân trong CLB đã 3 năm nay. Lần nào cùng đoàn đi biểu diễn xong em cũng nhận một khoản tiền bồi dưỡng, tuy không nhiều nhưng khích lệ, động viên tinh thần rất lớn. “Các thầy trong CLB không chỉ dạy kỹ thuật múa lân mà còn dạy lễ nghĩa, kính trên nhường dưới, tôn sư trọng đạo, giúp đỡ những người yếu thế; hỗ trợ các thành viên trong CLB cùng tiến bộ, không tham gia vào các tệ nạn xã hội”-Huy chia sẻ thêm.
 Hiện CLB lân sư rồng Trần Minh Đường có 15 thành viên, người nhỏ tuổi nhất là 5 tuổi và lớn nhất 30 tuổi. Nhận xét về hoạt động của CLB, Bí thư Đoàn phường Ngô Mây Lê Đức Trí cho biết: “Hàng năm, trên địa bàn thị xã An Khê xuất hiện rất nhiều nhóm lân tự phát, nhất là vào dịp Tết Trung thu. Tuy nhiên, chỉ có CLB lân sư rồng Trần Minh Đường là hoạt động có quy chế. Hoạt động múa lân sư rồng của CLB đã tạo sân chơi lành mạnh, thiết thực cho các đoàn viên thanh niên địa phương; tạo thêm nguồn thu nhập cho các thành viên, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy nghệ thuật múa lân sư rồng truyền thống”.
 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.