Kỳ thú "Yàng ngà" của người Rơ Mâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Họ tôn nó là “Yàng ngà” (Thần ngà) bởi hình thù khác thường và ứng nghiệm với bao điều may mắn trong cuộc sống. “Bái thạch vi thần” và những nghi lễ tâm linh đối với “Yàng ngà” có thể xem là nét độc đáo riêng có của tộc người Rơ Mâm ở Bắc Tây Nguyên.  
1 “mẹ” và 9 “con”
Trước khi kể về hòn đá kỳ bí này, xin được thoáng qua đôi nét về tộc người Rơ Mâm.
Người Rơ Mâm hiện có 89 hộ với 342 khẩu, cư trú độc lập tại làng Le (xã Mo Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Trong số 89 hộ này, người Rơ Mâm “thuần chủng” thực ra chỉ khoảng vài chục hộ. Người ta nhận ra họ ở dáng người thấp đậm, tóc xoăn và môi hơi dày. Trước năm 1990, người Rơ Mâm sống biệt lập giữa đại ngàn Chư Mo Ray heo hút. Để đưa được họ “hạ sơn”, các cấp chính quyền phải trải qua quá trình vận động gian khổ. Lúc xuống định canh định cư, người Rơ Mâm gần như chỉ biết trồng cây lúa rẫy. Lác đác có người còn mặc khố áo vỏ cây và giữ một tập tục lạ: hễ săn được con thú nào, việc đầu tiên là họ mổ bụng, lôi quả tim ra ăn sống!
 Dân làng Le (xã Mo Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đưa “Yàng ngà” và lũ “con” xuống đất để làm lễ. Ảnh: N.T
Dân làng Le (xã Mo Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đưa “Yàng ngà” và lũ “con” xuống đất để làm lễ. Ảnh: N.T
Về hòn đá bí ẩn này, chúng tôi biết đến nó hết sức tình cờ… Số là hôm đó Công ty 78-đơn vị quân đội làm kinh tế thuộc Binh đoàn 15 ở khu vực này-có giúp làng Le làm mấy chiếc bể trữ nước mưa nên ông Hệ-Phó Giám đốc Công ty dẫn chúng tôi xuống làng chơi. Quanh quẩn mấy vòng giữa những dãy nhà tôn lóa nắng, tôi chợt nhận ra sự lạ: Ngay giữa trung tâm làng có một căn chòi vách gỗ, mái lợp tôn theo kiểu nhà sàn nhưng chỉ cao chừng 1,5 m, đứng chơ vơ giữa thảm cỏ rậm rịt. Ông Hệ bảo: Đấy là căn chòi thờ hòn đá thiêng của làng. Chuyện về hòn đá kỳ bí này, ông cũng chỉ biết lõm bõm. Bởi dù là người quen thân với ông A Giói-Bí thư chi bộ thôn và cũng là già làng-nhưng ông Hệ cũng chưa từng được tiết lộ. Họ kiêng người lạ biết điều bí mật của mình.
Và quả nhiên phải khéo léo kèo nhèo, nài nỉ đến gần suốt buổi, chúng tôi mới được ông A Giói tiết lộ đôi chút về hòn đá bí ẩn này…
Gọi là “hòn”, thực tế đó là một phiến đá có hình thù hơi lạ, màu nâu xám. Đầu mỏm chìa ra một mẩu màu trắng hình tròn, dài độ một gang tay nhẵn bóng, trông hệt chiếc ngà voi ai đó cắm vào. Tuy nhiên, điều mà họ tôn thờ không phải chỉ có thế. Phép lạ mà phiến đá thể hiện mới chính là điều khiến họ phải bái làm “Yàng”. Theo ông A Giói thì cứ vào một khoảng thời gian không nhất định, thường là 2, 3 mùa rẫy, phiến đá lại “đẻ” con. Đó là những mẩu đá kích thước không giống nhau, màu sắc cũng không giống nhau (lớn nhất là cỡ nắm tay người lớn) được tách ra từ hòn đá mẹ. Và sau mỗi lần “đẻ”, đương nhiên hòn đá mẹ lại nhỏ dần đi… Cho đến nay nó đã “đẻ” được 9 “con” tất thảy.
9 lần “Yàng ngà” đẻ con cũng là ngần ấy lần làng Le có niềm vui lớn: người, gia súc không xảy ra dịch bệnh; lúa được mùa chất đầy kho… Thêm một điều kỳ bí khác: Thỉnh thoảng “Yàng” lại dẫn lũ con đi đâu mất biệt. Đã có lần già làng phải huy động già trẻ, lớn bé vào rừng vạch từng gốc cây ngọn cỏ để tìm mà không thấy. Khi mọi người đinh ninh là trong làng có ai đó làm điều gì phật ý để cho “Yàng” phải bỏ đi thì bỗng nhiên “Yàng” lại dẫn “lũ con” nguyên vẹn trở về… Vì những điều huyền bí ấy, hàng bao nhiêu năm nay phiến đá đã trở thành “Yàng” hộ mệnh của làng Le. Người ta làm nhà để “Yàng” và “lũ con” ở. Năm nào “Yàng” cho được mùa, làng phải tổ chức đâm trâu và việc đầu tiên là phải lấy máu con vật hiến sinh tắm cho “Yàng” và “các con”. Ngoài dịp này, không ai được vô cớ đến gần. Người ta tin rằng, nếu tự tiện xâm phạm nơi “Yàng” ở, “ngài” sẽ nổi giận cho mưa làm ngập lụt đất đai; người, vật mắc dịch bệnh mà chết. Ai muốn mở cửa nhà “Yàng” thì phải đâm 1 trâu để lấy máu tắm…
Sau màn sương huyền thoại
Có một huyền thoại đã được truyền đời cho dân làng Le rằng “Yàng ngà” đã có từ thời của người đẻ ra làng (người này ta cứ tạm gọi là “Cụ tổ” vậy). Chuyện rằng, hôm đó làng tổ chức đi săn. Lùng sục mãi đến lúc mặt trời gần khuất núi mà chẳng dính được con thú nhỏ nào. Đã toan quay về, đoàn người bỗng thấy lũ chó châu cả vào một lùm cây sủa dữ dội. Nghi có thú ẩn nấp, họ bao vây lùm cây rồi chĩa nỏ bắn. Chẳng thấy gì, đoàn người suỵt chó về nhưng chúng lại càng sủa dữ hơn. Thấy sự lạ, “Cụ tổ” đích thân vén lùm cây vào xem thử. Và trước mắt là phiến đá hình thù kỳ dị miêu tả trên đây. Cho là Yàng mang lại điềm gì đó, “Cụ tổ” hạ lệnh cho mọi người cõng nó về làng.
Đêm đó, đàn ông trong làng tổ chức uống rượu “giải sầu” sau 1 ngày đi săn thất bại. Đang lăn lóc quanh đống lửa lớn, mọi người bỗng choàng dậy vì tiếng thét thất thanh của “Cụ tổ”: Hòn đá họ cõng về lúc chiều đã “đẻ” 1 đứa con bằng nắm tay người lớn! Kinh hãi vì điều kỳ dị xảy ra, theo lời khuyên của “Cụ tổ”, họ đâm 1 con trâu đực lấy máu tắm cho phiến đá và “đứa con” của nó. Thấy hình dạng phiến đá như đang ngậm chiếc ngà voi, họ tôn là “Yàng ngà” và tin chắc đây là điềm sinh sôi nảy nở mà Yàng mang đến. Niềm tin ứng nghiệm và “Yàng ngà” trở thành vị thần hộ mệnh cho làng Le đã không biết bao đời nay…
Với quan niệm “Vạn vật hữu linh”, bất cứ vật gì khi đã thành đối tượng để thờ cúng, đồng bào dân tộc vẫn thường khoác lên nó một màn sương huyền thoại. Những huyền thoại kiểu như vậy, tôi vẫn được nghe khá nhiều quanh những chiếc trống da voi, những chiếc ché tuk, ché tang hiếm có trị giá hàng chục con trâu, bò… Gạt qua một bên giai thoại và những “ứng nghiệm” có thể ngẫu nhiên, xin mạo muội đưa ra 1 lý giải để thấy rằng chuyện phiến đá biết “đẻ” là hoàn toàn có thật. “Yàng ngà” có thể là một chiếc ngà voi hay sừng thú hóa thạch. Do sự cấu tạo đặc biệt nào đó của phiến đá, khi gặp biến động về thời tiết trong những khoảng thời gian nào đó, chúng sẽ giãn nở và nứt rời ra. Như thế đương nhiên dưới con mắt của dân làng thì đó là đá “đẻ”? Thế còn chuyện phiến đá này thỉnh thoảng bỗng biến mất cùng với “lũ con” rồi đột nhiên trở về nguyên vẹn thì liệu có một bàn tay nào đó đã dám đùa giỡn với niềm tin tâm linh của một cộng đồng?
Xin gác qua chuyện này để nói rằng: Trong bối cảnh con người vẫn chưa hoàn toàn chế ngự được tự nhiên thì niềm tin tâm linh đôi khi vẫn là “liều thuốc an thần”. Vì thế, chuyện “bái thạch vi thần” của người Rơ Mâm nên chăng cũng coi như là chuyện cầu mưa, cúng rẫy mới, cúng gươm thần… của các cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số khác trên vùng đất Tây Nguyên vậy.
 NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.