Độc đáo những chiếc ghè Bắc Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong lễ hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số khu vực Bắc Tây Nguyên luôn hiện hữu những ché rượu cần, còn gọi là rượu ghè. Với đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây, mỗi chiếc ghè đều mang một ý nghĩa nhất định.
Từ xa xưa, ghè đã được người Tây Nguyên phân loại để dùng vào nhiều mục đích khác nhau. Những chiếc ghè quý hiếm dùng để cúng thần linh thường có hình tượng giao long, hạc đắp nổi, chim muông cây lá trên thân hoặc hình hổ phù ở tai. Người Jrai, Bahnar, Xê Đăng quan niệm rằng, nếu dâng lên Yàng những chiếc ghè đặc biệt như vậy, Yàng sẽ phù hộ cho cộng đồng mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, tránh được thú dữ đến phá buôn làng. Một loại ghè khác là ghè rượu uống mừng trong những dịp hội làng. Loại ghè này thường rất lớn, cao 60-80 cm, đường kính bụng 50-55 cm. Có một chi tiết khá thú vị là đa số những chiếc ghè dùng để ủ rượu thường được trang trí bằng nhiều chấm bi đắp nổi như những chuỗi hạt kết thành nhiều tầng, tưởng vô tình nhưng thực chất là do yêu cầu đặt hàng của người xưa nhằm thể hiện sự đoàn kết trong cộng đồng; mỗi chấm bi tượng trưng cho 1 cá thể, tất cả quây quần bên nhau, xếp thành nhiều lớp có ý nghĩa tiếp nối, mong muốn cuộc vui sẽ bất tận…
  Ghè khu vực Bắc Tây Nguyên rất độc đáo, đa dạng. Ảnh: T.P
Ghè khu vực Bắc Tây Nguyên rất độc đáo, đa dạng. Ảnh: T.P
Vào những dịp trai làng săn được thú rừng trở về, họ quây quần bên bếp lửa và sẽ được thưởng thức cang rượu trong chiếc ghè có tai đắp hình những con thú như: chuột, sóc, ếch hay kỳ nhông… rất sống động. Theo phong tục, khi được uống những cang rượu trong chiếc ghè này, họ sẽ có được sự nhanh nhẹn, dẻo dai hơn trong lần đi săn kế tiếp. Một loại ghè khác thường được đem theo trong những buổi săn thú lớn (ghè Pơlum theo cách gọi của người Jrai hoặc ghè Hakeng của người Xê Đăng) có kích thước nhỏ gọn, cao chỉ 22 cm, để vừa trong một chiếc gùi nhỏ với mục đích tạ ơn Thần rừng. Theo các thợ săn, tất cả muông thú, vạn vật đều do Thần rừng cai quản, bắt được thú là nhờ được thần linh ban cho nên phải có lễ để cảm tạ.
Đặc biệt, có những cặp ghè gọi là “ghè vợ chồng” vì thường có đôi, kiểu dáng, hoa văn giống hệt nhau, chỉ khác ở kích thước và độ cao thấp. Trong lễ cưới, cô dâu và chú rể sẽ uống với nhau mỗi người 1 ghè, thể hiện sự đẹp đôi. Đây cũng là lời nhắn gửi với gia đình, họ hàng rằng họ sẽ luôn sánh vai nhau, hạnh phúc bên nhau dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Có những cặp ghè có đắp nổi hình con thạch sùng, khi để sát lại nhìn như con phía sau đang cắn đuôi con trước trông rất độc đáo, thường được các gia đình khá giả ủ rượu uống trong các dịp đính ước. Một loại ghè nữa được cho là rất quý ở vùng Bắc Tây Nguyên là ghè “mẹ bồng con”. Loại này có dáng thon và nhỏ, màu phổ biến nhất là màu da lươn chất liệu gốm nguyên bản đen bóng không tráng men (một số sau này có tráng men màu), xung quanh vai ghè có đắp tai để gắn ống hút, trang trí các chấm bi và con thạch sùng đắp nổi, thân ghè có khắc hình rồng và đặc biệt có gắn kèm thêm ghè “con” ở trên miệng. Ghè “con” cao 10-15 cm, thông với ghè “mẹ” và cũng có hoa văn như “mẹ”. Ghè “mẹ bồng con” có nhiều kiểu, cõng từ 1 đến 4 con. Những ghè “con” gắn liền như 1 chiếc cốc riêng biệt, thể hiện sự tôn trọng của gia chủ đối với khách, loại rượu được ủ trong chiếc ghè này trước đây thường uống trong những buổi trao đổi hàng hóa và dùng để “ngoại giao” với những nhân vật tiếng tăm và các thủ lĩnh khác trong vùng. Một số quan niệm khác thì cho rằng chiếc ghè này tượng trưng cho tình mẫu tử.
Tất cả những chiếc ghè quý được dùng để ủ rượu được gọi là “ghè nam”; riêng “ghè nữ” thì hầu như chỉ đặt một chỗ trong góc bếp, được người phụ nữ dùng để dự trữ thức ăn, thịt rừng hay thịt muối chua để ăn dần trong vài tháng. “Ghè nữ” có kiểu dáng như chiếc chum của người Kinh, có cái khá lớn (đường kính bụng lên đến 60 cm, cao 80 cm) nhưng khác cái chum ở chỗ miệng ghè rất nhỏ, chỉ rộng 15-18 cm đủ đưa 1 bàn tay vào, rất kín đáo, giúp bảo quản thức ăn tốt hơn. Loại ghè này đơn giản về màu sắc, không sặc sỡ, không có tai, không đắp nổi nhiều chấm nhỏ như “ghè nam”, hoa văn chỉ đơn thuần là một số vòng tròn quanh thân. Trong tín ngưỡng của một số đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Bắc Tây Nguyên, nét vẽ trên loại ghè này tượng trưng cho sợi dây không bao giờ đứt, là sự nối kết gia đình, thể hiện sự quan trọng của “mẫu hệ”, trách nhiệm và thủy chung của người phụ nữ khi đã có chồng.
Trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Bắc Tây Nguyên, sở hữu nhiều ghè nhất vẫn là các dân tộc Jrai, Bahnar, Xê Đăng hay Giẻ Triêng; số lượng ghè của các dân tộc Brâu, Rơ Mâm… chiếm rất ít. Một điểm chung giữa các dân tộc nơi đây là khi một người chết đi, họ sẽ được mang theo chiếc ghè sang thế giới bên kia, như một “bảo bối” chống lại sức mạnh của quỷ dữ. Thế nên ta thường thấy trên mộ của đồng bào dân tộc thiểu số thường có vài chiếc ghè nhưng đã được làm cho khuyết đi, chẳng hạn như bị đục thủng đáy hoặc sứt miệng…, tượng trưng cho sự mất mát trong gia đình và có lẽ cũng là cố ý để ghè không dùng được nữa, tránh bị đánh cắp. Cũng vì thế, những chiếc ghè cổ ngày càng ít dần theo thời gian, chỉ một số ít được chủ nhân tặng lại cho con cháu mình trước khi mất thì còn lưu lại.
Ngày nay, các dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng vẫn uống rượu ghè trong các lễ lớn của làng hoặc gia đình; một vài hộ tại các làng vùng sâu vẫn còn ủ rượu trong những chiếc ghè quý hiếm và chỉ khách thật quý mới được mời uống. Dù cuộc sống ngày nay đã có nhiều thay đổi nhưng ghè vẫn là vật chứng lịch sử trăm năm, là sợi dây kết nối hiện tại-quá khứ.
 THẾ PHIỆT

Có thể bạn quan tâm

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.