Độc đáo lễ mừng lúa mới ở quê hương Anh hùng Núp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với phương châm dựa vào văn hóa truyền thống để phát triển du lịch, thời gian qua, huyện Kbang luôn chú trọng giới thiệu, quảng bá các nét đẹp trong trang phục, ẩm thực, đời sống, di sản âm nhạc cồng chiêng của đồng bào Bahnar đến du khách. Tại Ngày hội Du lịch Kbang lần thứ 2, lễ hội mừng lúa mới đã được phục dựng tại Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung) quê hương Anh hùng Núp.  Đây là lễ hội độc đáo, mang nhiều nét đặc trưng riêng có trong đời sống tâm linh của đồng bào Bahnar.
Vào khoảng tháng 10, 11, các gia đình Bahnar thường tổ chức ăn cơm mới tại gia. Đến cuối tháng 11, đầu tháng 12, khi tất cả các hộ đều đã ăn mừng cơm mới của riêng mình và tuốt hết lúa rẫy thì làng sẽ chuẩn bị lễ mừng lúa mới chung tại nhà rông. Để tổ chức lễ mừng lúa mới, 1 cây nêu sẽ được dựng lên tại sân nhà rông. Lễ vật cúng gồm 1 con gà, ghè rượu được các gia đình đem đến, mẹt đựng cơm mới (còn gọi là cốm), bầu nước, bên cạnh dàn cúng còn có 1 cây đựng cốm (gọi là cây khal).
 Các già làng và người có uy tín thực hiện nghi lễ cúng mừng lúa mới. Ảnh: Đ.T
Các già làng và người có uy tín thực hiện nghi lễ cúng mừng lúa mới. Ảnh: Đ.T
Nói về ý nghĩa của cây khal trong lễ mừng lúa mới, già làng Đinh Grêng cho hay: Trên cây khal, những lạt tre được đan lại thành hình 2 cái phễu, trong có lót lá chuối. Một bên đổ rượu ghè, một bên đổ hạt cốm vào. Hạt cốm càng cho vào nhiều thì tràn xuống đất, thể hiện mong muốn năm sau thóc lúa đầy kho. Còn rượu ghè khi được đổ vào tượng trưng cho nước mưa, có mưa xuống thì cây lúa mới phát triển. Tất cả thể hiện mong muốn của dân làng về một vụ lúa tốt tươi.
Cũng như các lễ hội truyền thống khác, lễ mừng lúa mới do các vị già làng chủ trì tập hợp nhân dân, bàn bạc và thực hiện nghi thức cúng. Lời cúng như sau: “Hỡi Thần lúa, Thần núi, Thần sông! Hôm nay, lũ làng tổ chức lễ mừng lúa mới tại nhà rông. Báo cho Yàng về đây ăn gan gà, ăn lúa mới, uống rượu của dân làng. Phù hộ cho dân làng khỏe như con trâu rừng, nhanh như con sóc, không có bệnh tật, người nhẹ như bông gòn, lúa năm tới nhiều hơn năm nay…”. 
Nghi thức cúng xong xuôi cũng là lúc dân làng nổi trống lên, chàng trai đánh chiêng, cô gái múa xoang quanh cây nêu. Các vị già làng ăn cốm mới và uống rượu ghè. Họ bốc từng nắm cốm mời dân làng và những vị khách để biết cốm có ngon không, giống lúa có tốt không, từ đó rút kinh nghiệm cho vụ tới. Qua theo dõi lễ mừng lúa mới, nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kdam chia sẻ: “Lễ hội cộng đồng càng có đông người tham dự thì càng là điều phấn khởi cho gia đình. Những hạt gạo mới được rang lên mời khách-đấy là điều vừa phúc cho gia chủ, vừa phúc cho làng và cho cả du khách. Việc Kbang tổ chức Ngày hội Du lịch lần thứ 2 kèm theo việc phục dựng lễ hội, biểu diễn ching chiêng... sẽ giúp quảng bá cho du lịch địa phương rất nhiều. Hy vọng rằng du khách sẽ nhìn thấy vẻ đẹp ấy và đến với Kbang”.
Trong đội cồng chiêng biểu diễn tại lễ mừng lúa mới còn có một số trẻ em được hóa trang bằng cách trát bùn lên thân thể (thường gọi là múa nộm hoặc “Pơm mêu”) rồi cùng múa theo nhịp chiêng. Già làng Đinh Grêng giải thích: Những hình nhân như vậy tượng trưng cho toàn thể các tầng lớp nhân dân trong làng, cả những hộ khó khăn. Dù việc sản xuất không thuận lợi nhưng trong dịp ăn mừng lúa mới này thì tất cả mọi người vẫn cùng chung niềm vui với làng, vẫn cùng uống rượu ghè và ăn cốm mới, từ đó thêm lạc quan và cố gắng nhiều hơn cho vụ sản xuất tới.
Cuộc sống của đồng bào Bahnar trước đây phụ thuộc vào nương rẫy với các loại cây chính là lúa rẫy và bắp. Phương thức canh tác là chọc trỉa và nhờ vào nước trời. Dù hiện giờ người dân đã biết trồng lúa nước để nâng cao năng suất nhưng lễ mừng lúa mới vẫn được đồng bào Bahnar duy trì, như gửi lời thỉnh cầu của dân làng đến các vị thần linh để được ban cho đất tốt, lúa nhiều, mùa màng bội thu; đồng thời trao truyền cho thế hệ trẻ về tín ngưỡng cúng Yàng của dân tộc.
 HÀ DUYỆT-HỒNG HẠNH

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.