An Khê tưởng niệm 227 năm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của Anh hùng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ, hàng năm, vào ngày 28 tháng 7 Âm lịch, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã An Khê đều trang trọng tổ chức lễ tưởng niệm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung tại An Khê trường (Khu Di tích Tây Sơn Thượng đạo). Hiện thị xã đang tích cực chuẩn bị cho ngày lễ trọng này.
Đầu thế kỷ XVII, cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn đã phân chia nước ta thành 2 miền Đàng Trong và Đàng Ngoài, kéo dài gần 200 năm. Khắp nơi, nhân dân lầm than, bất bình, oán giận. Nhiều cuộc đấu tranh nổi dậy chống lại triều đình, mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, khởi phát tại vùng Tây Sơn Thượng đạo (nay thuộc các huyện Kbang, Kông Chro, Đak Pơ và thị xã An Khê) dưới sự chỉ huy của 3 anh em nhà Tây Sơn. 
 Vào ngày 28 tháng 7 Âm lịch hàng năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã An Khê tổ chức lễ tưởng niệm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung. Ảnh: N.M
Vào ngày 28 tháng 7 Âm lịch hàng năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã An Khê tổ chức lễ tưởng niệm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung. Ảnh: N.M
Trong 20 năm cầm quân, Hoàng đế Quang Trung bằng thiên tài quân sự của mình đã lập nên những chiến công hiển hách, tiêu diệt quân Xiêm và đại phá quân Thanh; dẹp thù trong, giặc ngoài, thống nhất sơn hà, thu non sông về một mối. Trên cương vị Hoàng đế, ông là một minh quân chăm lo cho nhân dân, đưa ra nhiều cải cách về kinh tế, quan tâm đến giáo dục, văn hóa… Đáng tiếc là cuộc đời người Anh hùng áo vải, cờ đào lại quá ngắn ngủi. Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (1792), Hoàng đế Quang Trung đột ngột băng hà khi mới 39 tuổi với nhiều hoài bão về xây dựng, kiến thiết đất nước chưa thực hiện được, để lại cho đời sự tiếc thương vô hạn.
Để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của Anh hùng dân tộc, nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất Quang Trung-Nguyễn Huệ và văn thần võ tướng, hàng năm, Đảng bộ, chính quyền và đông đảo nhân dân trong vùng tập trung về An Khê trường-điện thờ Tây Sơn Tam kiệt để dâng hoa, dâng hương, vật phẩm. Ông Trần Quang Khánh-Phó Trưởng ban nghi lễ An Khê đình-cho hay: Các bước dâng hoa, đăng, trà, quả thực hiện theo đúng nghi thức cổ truyền. Khâu chuẩn bị lễ vật, treo hồng kỳ, cờ Quang Trung không khác xưa. Ban nghi lễ và Ban nhạc lễ cùng với lãnh đạo thị xã thực hiện các nghi thức cúng truyền thống. Hiện nay, các lễ sinh (người giúp việc cho Ban nghi lễ) đang tập dượt với ban nhạc lễ để có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý trong ngày lễ trọng này. 
Về dự lễ tưởng niệm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung, ngoài tưởng nhớ ghi ơn, nhân dân và khách thập phương có thể tới Bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo tham quan và tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp hiển hách của Hoàng đế Quang Trung. Ông Trần Đình Luân-Tổ trưởng Tổ bảo tồn Bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo-chia sẻ: Hiện nay, tại tầng 1 của Bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo đang lưu giữ và trưng bày nhiều tư liệu, hiện vật của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn ở vùng Thượng đạo như: súng thần công, gươm, giáo, sử liệu..., đồng thời trưng bày một số trang phục, dụng cụ lao động, sinh hoạt của người Bahnar bản địa từng kề vai sát cánh giúp Tây Sơn Tam kiệt xây dựng cơ đồ. Tầng 2 của Bảo tàng là nơi trưng bày, giới thiệu hàng ngàn công cụ bằng đá của người tiền sử được các nhà khảo cổ trong và ngoài nước khai quật tại các địa điểm sơ kỳ Đá cũ trên địa bàn thị xã An Khê. “Ngoài ra, du khách nào có nhu cầu tham quan, tìm hiểu về sơ kỳ Đá cũ tại di chỉ Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4 (xã Xuân An), chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn, đưa đón”-ông Luân nói.
Đông đảo các tầng lớp nhân dân về dự Lễ giỗ Vua Quang Trung-Nguyễn Huệ. Ảnh: Ngọc Minh
Đông đảo các tầng lớp nhân dân về dự Lễ giỗ Vua Quang Trung-Nguyễn Huệ. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Dương Thanh Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê-cho biết: “Lễ tưởng niệm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ được tổ chức hàng năm là dịp để các tầng lớp nhân dân ôn lại công lao và sự nghiệp to lớn của vị Anh hùng dân tộc áo vải cờ đào trong thống nhất và xây dựng đất nước; cầu mong cho quốc thái dân an; giáo dục thế hệ trẻ hôm nay về lòng tự hào, phát huy truyền thống yêu nước, ra sức xây dựng quê nhà ngày càng giàu đẹp. Đồng thời, đây cũng là dịp quảng bá, giới thiệu giá trị văn hóa-lịch sử con người An Khê-Tây Sơn Thượng đạo tới các huyện bạn và du khách bốn phương”.
 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.
Nối dài những đường tơ

Nối dài những đường tơ

(GLO)- Kết nối những giá trị vượt thời gian của thổ cẩm Tây Nguyên vào thời trang, nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh đã khiến thổ cẩm thăng hoa trên các sàn diễn trong nước và quốc tế hàng thập kỷ qua.