Đại võ sư Năm Tạo: "Truyền lửa" đam mê võ cổ truyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thật tự hào khi trong số không nhiều Đại võ sư võ cổ truyền Việt Nam thì tại Gia Lai có Đại võ sư Tân Tạo (võ danh Năm Tạo)-Chủ tịch danh dự Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh. Tuy tuổi đã cao nhưng ông cùng với nhiều thế hệ võ sư tỉnh nhà vẫn không ngừng thắp lên ngọn lửa đam mê võ cổ truyền đến với hàng vạn môn sinh.  
Nổi danh võ đường Năm Chấn 
Chừng 40 năm trước, tôi đã được gặp võ sư Năm Tạo nơi sân tập, vào ngày cúng Tổ định kỳ tại nhà huấn luyện viên Năm Chấn-đệ tử chân truyền của ông, cách nhà tôi không xa (thôn Phụ Quang, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, tỉnh Nghĩa Bình; nay là phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Nhiều lần tôi được nhìn thấy ông ngồi ghế trọng tài, lên kiểm tra sàn đấu võ đài. Nhiều lần tôi được chứng kiến võ sư Năm Tạo ôm lấy những võ sĩ vừa kết thúc trận đấu dù thắng dù bại, bất luận môn sinh thuộc võ đường nào, mà theo lời ông là để khen ngợi, khuyến khích, động viên, truyền tình yêu võ thuật.
Đại võ sư Năm Tạo biểu diễn quyền thuật.Ảnh: Đình Phê
Đại võ sư Năm Tạo biểu diễn quyền thuật. Ảnh: Đình Phê
Vào thập niên 80 của thế kỷ XX, phong trào võ thuật ở tỉnh Nghĩa Bình (nay gồm 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định) vô cùng sôi động. Chừng như những võ sư, huấn luyện viên võ cổ truyền, kickboxing thành danh và cả ẩn danh đồng loạt xuất hiện. Họ thể hiện, khẳng định vị trí môn phái bằng cách cho môn sinh biểu diễn thảo bộ, quyền thuật thuộc thập bát môn ban võ nghệ; “bắt cặp” thi đấu đối kháng trên võ đài. Phương thức “bắt cặp”-thường gọi là “cáp chạng”-thông qua cân nặng, thời gian tập luyện, thành tích thi đấu và việc nhận lời từ 2 võ sĩ. Võ đài tổ chức thường xuyên tại trung tâm xã, huyện, thị xã, thành phố; mật độ tổ chức rất dày vào mùa khô tạnh, đêm trăng sáng. Võ sư Năm Tạo lúc thì đem quân từ tỉnh Gia Lai-Kon Tum đến tham gia thi đấu, khi thì đơn độc “hạ sơn” cùng đệ tử chân truyền Năm Chấn truyền dạy cho môn sinh, góp phần gầy dựng phong trào, thổi bùng ngọn lửa đam mê võ thuật tỉnh Nghĩa Bình quê hương ông.
Tôi còn nhớ lời huấn luyện viên Năm Chấn nhận xét về người thầy khả kính của mình: “Ngoài phương pháp sư phạm linh hoạt, lấy võ sinh làm trung tâm, võ sư Năm Tạo còn có con mắt tinh tường khi phát hiện khả năng tiềm ẩn ở từng võ sinh, từ đó phát huy sở trường của họ”. Quãng thời gian này, võ đường Năm Chấn nổi danh với các tên tuổi như: Năm Quang, Năm Cảnh, Năm Điểm… Đó là những “hiện tượng” đến độ giới võ thuật đồn thổi rằng họ còn sở hữu võ bùa! Kỳ thực, theo lời các võ sĩ, có được kết quả ấy là nhờ thầy Năm Tạo rất giỏi phát hiện lợi thế bẩm sinh của từng người và ra sức truyền dạy tuyệt kỹ, buộc võ sinh phải dày công luyện tập thành kỹ năng để rồi trên sàn đấu ra đòn đúng và trúng, cho dù đối phương biết được “tuyệt chiêu” nhưng cũng khó bề né tránh, chống đỡ. Võ sư Năm Tạo nhấn mạnh: Trong thi đấu đối kháng và cả chiến đấu tự vệ, người sở hữu cả ngàn chiêu thức không đáng sợ bằng người luyện tập một chiêu thức đến hàng ngàn lần. Võ học đồng nghĩa với khổ luyện là vậy.
Bảo tồn, phát triển võ cổ truyền 
Đại võ sư Tân Tạo sinh năm 1933, nguyên quán xã Bình An, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Năm lên 12 tuổi, cậu bé Tạo ngày cắp sách đến trường, đêm luyện võ, bái sư các danh sư người cùng thôn Háo Nghĩa quê cậu, quý thầy Xã Nung, Tám Thự, Hương Kiểm Đào, Hồ Ngạnh. Sau hơn 10 năm khổ luyện, trải nghiệm, học hỏi từ đối thủ trên sàn đấu, huấn luyện viên Năm Tạo mở lớp dạy võ tại thị xã Kon Tum (nay là TP. Kon Tum) để truyền giữ “nguồn gen quý” võ cổ truyền Bình Định.
Qua tìm hiểu được biết, năm 2008, gia đình võ sư Năm Tạo chuyển từ Kon Tum về sống ở 269 Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku. Tuy tuổi cao nhưng ông vẫn dành thời gian, sức lực truyền dạy võ thuật cho thế hệ trẻ. Về lớp đệ tử chân truyền mới của ông có thể kể đến có huấn luyện viên Năm Hào (TP. Pleiku), Năm Châu (huyện Đak Pơ). Một chiều tháng 6 trời quang tạnh, tôi ghé thăm ông. Trong vuông sân rộng, ông đang cùng ông Năm Hào ôn luyện đường roi huyền thoại từ người thầy Hồ Ngạnh. Nhóm môn sinh độ tuổi thiếu niên bao quanh đứng quan sát, học hỏi. Đời thường, Đại võ sư Năm Tạo là người cởi mở, dễ gần nhưng trong võ thuật ông lại vô cùng khắt khe. Ông dặn dò môn sinh, quyền thế muốn tinh thông, ra đòn muốn chính xác và hiệu quả phải dày công luyện tập, bao gồm cả duy trì và nâng cao thể lực. “Ngày nào tôi cũng đánh roi, đi quyền. Võ thuật với tôi đã trở thành nhu cầu không thể thiếu như thể cơm ăn, nước uống, giấc ngủ vậy”-vị võ sư già cho biết.
Tháng 8-1991, võ sư Tân Tạo trúng cử vào Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam và đảm nhiệm vai trò này đến tháng 1-2007. Sau đó, Viện Võ học Việt Nam mời ông làm thành viên Ban cố vấn nhưng ông lấy lý do tuổi cao, sức yếu chối từ. Năm 2017, Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam cấp bằng Đại võ sư, môn phái Hồ Ngạnh-Tây Sơn-Bình Định cho võ sư Tân Tạo, người đã có cống hiến đặc biệt vào việc bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam.
Qua hơn nửa thế kỷ, Đại võ sư Tân Tạo đã truyền dạy cả ngàn môn sinh. Đóng góp cho phong trào võ cổ truyền, võ đường Năm Tạo đã mang lại nhiều giải thưởng trong tỉnh, khu vực và cả nước. Cá nhân ông cũng đã đạt được nhiều huy chương như: huy chương vàng cá nhân võ thuật cổ truyền giải khu vực Tây Nguyên (tháng 5-1996) tại Pleiku; huy chương vàng Hội thi các môn thể thao dân tộc toàn quốc lần thứ nhất tại TP. Vinh (tỉnh Nghệ An) vào tháng 9-1996. Những kỷ lục thành tích đạt được ở tuổi 63 như ông lúc ấy là điều hiếm thấy và là niềm mơ ước của làng võ thuật.
Tại gian phòng khách nhà ông, ngoài “Thập bát ban võ nghệ” (18 môn binh khí), bằng khen, giấy khen các loại được trưng bày là giá sách khổ lớn với nhiều sách, tài liệu về lịch sử, về võ thuật, y học… Tài hoa, thông minh và hóm hỉnh nên vị lão võ sư năm nay đã 86 tuổi này có nhiều tri âm, tri kỷ lui tới, giao du.
Thời gian rỗi, Đại võ sư Năm Tạo trong cốt cách tiên ông cắt cành, tỉa lá, chăm hoa nơi mảnh vườn con trước sân nhà. Nhưng giờ được gặp lại ông, có một điều khiến tôi không khỏi chạnh lòng: Đâu rồi người đàn ông vẻ thư sinh dáng cao, đôi mắt sáng, khuôn mặt chữ điền, mái tóc bồng bềnh đường ngôi rẽ lệch? Một tai nạn giao thông đã làm biến dạng khuôn mặt ông và quy luật thời gian nghiệt ngã…
Đình Phê

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.