Xây nhà, đào được nguyên thị trấn cổ 2.000 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một công trường xây dựng ở Anh đã trở thành khu khảo cổ khổng lồ khi các công nhân vô tình đào trúng cả một thị trấn La Mã có từ năm 43 sau Công nguyên.
Một khu đất gần xa lộ ở làng Newington (hạt Kent, Anh), diện tích khoảng 18 mẫu Anh (tương đương 7,3 hecta) được quy hoạch để xây dựng 124 ngôi nhà ở. Tuy nhiên, công trình buộc phải tạm dừng bởi ngay từ giai đoạn đào nền móng, các công nhân đã phát hiện ra những cổ vật kỳ lạ.
Một số đồ gốm La Mã cổ đại vừa khai quật được - ảnh: SWNS
Một số đồ gốm La Mã cổ đại vừa khai quật được - ảnh: SWNS
Các nhà khảo cổ được mời tới để tiếp tục khai quật. Họ dần nhận ra rằng những gì họ tìm thấy không chỉ là một căn nhà cổ hay một công xưởng, mà là cả một thị trấn La Mã nhỏ từng rất thịnh vượng. Ước tính thị trấn có từ năm 43 sau Công nguyên, tức vào năm đầu tiên người La Mã xâm lược nước Anh và chiếm cứ suốt 400 năm sau đó.
 Công trường khai quật thị trấn La Mã - ảnh: SWNS
Công trường khai quật thị trấn La Mã - ảnh: SWNS
Khu vực này bao gồm nhiều nhà ở phục vụ cho mục đích sản xuất, một ngôi đền cổ, rất nhiều đồ gốm và tiền xu cổ quý hiếm. Từ đó, họ còn lần tìm ra được một con đường cổ rộng 7 m, chạy từ London đến bờ biển Kent. Con đường này xuyên qua thị trấn cổ vừa được khai quật, kết nối khu di tích này với một ngôi đền và một biệt thự cổ cùng niên đại khác từng được tìm thấy trong khu vực.
Ngôi đền, được gọi là đền Watling, là một kiến trúc thờ cúng đặc trưng của người La Mã, từng được tìm thấy ở khoảng 150 địa điểm khảo cổ khác rải rác khắp nước Anh.
Ông Dean Coles, chủ tịch Newington History Group, nói: "Chúng tôi đã có bằng chứng về một khu chôn cất La Mã và một khu vực từng bị La Mã chiếm đóng ngay lần đó. Cuộc khai quật này cho thấy có một địa điểm sản xuất thịnh vượng ở ngay trung tâm ngôi làng chúng tôi".
Quy mô và chất lượng những gì khai quật được tại đây được đánh giá là cả một kho tàng. Nhà khảo cổ học Peter Cichy, quản lý dự án khai quật, cho biết họ sẽ cần hàng tháng trời miệt mài làm việc. Khu di tích cung cấp nhiều chi tiết đặc biệt về cuộc sống, công việc sản xuất, các nghề nghiệp đặc trưng của người La Mã thời kỳ đó. Nhiều mẫu vật sẽ được chuyển đến phòng thí nghiệm để phân tích.
Các nhà khảo cổ Anh cũng quyết định sẽ lấp lại thị trấn, bảo tồn nó trong lòng đất như cũ sau khi đã khảo sát chi tiết, để nhường lại cho không gian sống hiện đại.
A. Thư (Independent, Daily Mail, nld)

Có thể bạn quan tâm

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.