Người đánh thức hồn chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mới bước sang tuổi 33 nhưng anh Đinh Grinh (làng Klah, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, Gia Lai) đã có thâm niên gần 12 năm làm nghề chỉnh chiêng. Dưới đôi bàn tay tài hoa của anh, nhiều bộ cồng chiêng đã được đánh thức, “nắn giọng” trở lại những thanh âm chuẩn ban đầu. Giờ đây, tài năng của anh Grinh đã bay xa đến các huyện, tỉnh lân cận.
Duyên nghề
Ngôi nhà rông của làng Klah nằm sát tỉnh lộ 666 đã nhuốm màu thời gian. Trong một góc nhỏ, anh Grinh mồ hôi đầm đìa, cặm cụi chỉnh sửa bộ chiêng lạc nhịp của làng Rah, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang. Khi nhắc đến cồng chiêng, anh bảo: “Những người con Bahnar từ khi lọt lòng mẹ đã được sống trong âm vang của tiếng cồng, tiếng chiêng nên thứ âm thanh đầy mê hoặc ấy đã thấm vào máu thịt. Grinh cũng không phải là ngoại lệ. Có khác chăng là từ năm lên 10 tuổi, Grinh đã bộc lộ năng khiếu khi thuộc rất nhiều bài chiêng và thường theo cha diễn tấu trong các lễ hội làng”.
Kể từ khi đam mê tiếng cồng, tiếng chiêng, Grinh không nhớ đã bao nhiêu lần chứng kiến những bộ chiêng do đánh quá nhiều sau mùa lễ hội hoặc để lâu ngày không sử dụng bị lạc mất âm. Thế nhưng, hồi đó, cả làng không một ai biết chỉnh chiêng. Ngay như cha Grinh là ông Đinh Mâp (nay trú tại làng Hek, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện), người diễn tấu cồng chiêng thuộc diện giỏi nhất làng, trong nhà còn lưu giữ 3 bộ chiêng nhưng việc chỉnh chiêng thì ông lại không rành. Vậy nên, mỗi lần chứng kiến cảnh dân làng phải góp tiền, góp gạo để mời nghệ nhân từ vùng khác đến chỉnh chiêng, Grinh lại quyết tâm phải học bằng được nghề này. 
 Anh Grinh đang chỉnh chiêng ở nhà rông làng Klah (xã Kon Chiêng).   Ảnh: L.A
Anh Grinh đang chỉnh chiêng ở nhà rông làng Klah (xã Kon Chiêng). Ảnh: L.A
Có năng khiếu về âm nhạc, năm 2004, Grinh là người duy nhất của xã được cử đi học khóa đào tạo ngắn hạn về đàn organ tại Nhà Thiếu nhi tỉnh. Sau khi hoàn thành khóa học, khả năng thẩm âm của Grinh ngày càng được hoàn thiện hơn. Từ đó, ước muốn trở thành một nghệ nhân chỉnh chiêng lại thôi thúc anh hơn bao giờ hết. Năm 2005, anh quyết định xa gia đình đi học nghề chỉnh chiêng tại nhà nghệ nhân Nay Tri ở huyện Ia Pa. 3 năm sau, Grinh đã có thể tự mình chỉnh những bộ chiêng lạc điệu. “Người chỉnh chiêng không chỉ biết diễn tấu cồng chiêng của dân tộc mình mà còn phải hiểu được “hồn chiêng”. Đặc biệt, phải có niềm đam mê và khả năng thẩm âm tinh tế, cùng với sự khéo léo của đôi tay mới có thể gọi đúng “hồn chiêng” trở về”-anh chia sẻ.
Sống với đam mê

Ông Cao Thế Hoàn-cán bộ Văn hóa xã Kon Chiêng: “Với cộng đồng người Bahnar xã Kon Chiêng, người chỉnh chiêng có vị trí rất quan trọng trong đời sống. Hiện xã chỉ có mình anh Đinh Grinh là nghệ nhân chỉnh chiêng. Do đó, với người dân Kon Chiêng, Grinh là “báu vật nhân văn sống”.

Gần 12 năm theo nghề chỉnh chiêng, danh tiếng về tài nghệ của Grinh đã bay xa đến tận các huyện, tỉnh lân cận. Grinh không thể nào nhớ hết mình đã chỉnh bao nhiêu bộ cồng chiêng. Khi cần thì dân làng ở các huyện như: Đak Đoa, Kông Chro, Chư Sê, Đak Pơ hay xa hơn như huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) cũng vẫn thường nhờ anh đến giúp lấy lại thanh âm cho những bộ cồng chiêng. Mỗi lần như thế, dù xa hay gần, anh Grinh cũng chưa từ chối ai bao giờ. Anh bày tỏ: “Mỗi năm bình quân mình chỉnh được 40-50 bộ chiêng, có những chuyến đi phải mất cả tuần mới chỉnh xong vì số lượng nhiều. Mỗi lần chỉnh xong, mình chỉ lấy vài trăm ngàn đồng gọi là tiền lộ phí, bởi được sống và làm công việc mà mình đam mê đã là hạnh phúc rồi”.
Cũng bởi trót đam mê với cồng chiêng nên nhiều khi Grinh như một người “gàn dở” trong mắt người thân. Chỉ cần nghe điện thoại có người gọi đi chỉnh chiêng thì dù có đang bận công to, việc lớn gì chăng nữa, Grinh cũng gác cả lại. Anh còn bỏ thời gian lang thang ở khắp các vựa phế liệu, cứ nghe ai nói có chiêng bán là xách túi đi, mua những chiếc chiêng hỏng, chiêng rách về cất gọn trong nhà. Sau đó, anh lại thức thâu đêm cần mẫn sửa, chỉnh âm, cái nào không sửa được thì cắt nhỏ, đục, gò thành những chiếc chiêng con. Làm xong, anh không bán mà cất lại đó, chủ yếu để tặng các làng còn thiếu chiêng con. Không chỉ vậy, anh còn dày công mày mò, nghiên cứu, sáng tạo những đường khóa âm; khi thành công lại đem áp dụng chỉnh cho những bộ chiêng mà mình chỉnh sửa. Bởi theo anh Grinh, trong men say của rượu cần mùa lễ hội, người diễn tấu có thể đánh mạnh làm “hồn chiêng” lạc mất. Tuy nhiên, khi có những đường khóa âm thì dù có đánh mạnh thế nào, âm thanh của cồng chiêng vẫn giữ được vẹn toàn.
 LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.