Tôn vinh hạt thóc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đối với đồng bào M'Nông, cúng lúa mới là lễ hội quan trọng, không thể thiếu trong đời sống với ý nghĩa tôn vinh hạt thóc của Yàng ban cho dân làng, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình sung túc và buôn làng yên vui.
Trong quan niệm của người M'Nông, Thần lúa là linh hồn của mọi vật, là vị thần đáng tôn thờ nhất. Lễ cúng mừng lúa mới của người M'Nông Gar ở buôn Jiê Yúk (xã Đak Phơi, huyện Lak, tỉnh Đak Lak) vì thế đã được lưu truyền từ bao đời nay.
  Thầy cúng thổi ống tre để gọi hồn lúa. Ảnh: D.Y.T
Thầy cúng thổi ống tre để gọi hồn lúa. Ảnh: D.Y.T
Nghi lễ cúng lúa mới chung cho cả buôn làng được tổ chức 1 lần trong năm, gồm 2 phần: lễ và hội. Phần lễ là các nghi thức cúng thần linh, cúng lúa mới, cúng sức khỏe cho già làng. Lễ vật gồm 3 ché rượu cần, 1 con gà, 1 con heo, các dụng cụ lao động sản xuất, các giống lúa được thu hoạch từ trên rẫy. Khi các lễ vật được chuẩn bị đầy đủ, thầy cúng đứng trước cây nêu đọc lời khấn, sau đó cắt tiết gà, lấy huyết pha rượu bôi lên tất cả các vật dụng trong gia đình và bôi lên cổ các thành viên. Cuối cùng, thầy cúng mời già làng và mọi người ăn, uống rượu cần và đánh chiêng, múa hát ở phần hội.
Còn theo ông Y Krai Cil (xã Đak Phơi), riêng với mỗi gia đình, các nghi lễ cúng lúa diễn ra 3 lần/năm. Lễ rước hồn lúa là lễ cúng cuối cùng trong nghi thức cúng vòng đời lúa. Trước đó, bà con đã dựng cây nêu ngoài rẫy để cầu được mùa và làm lễ cúng tuốt lúa.
Lễ rước hồn lúa là nghi thức rất trang trọng. Sau khi thu hoạch xong, mỗi gia đình đều để lại 1 vạt lúa nhỏ. Khi tổ chức rước hồn lúa, người trong gia đình ra vạt lúa này cắt lúa bó thành từng bó rồi giao cho 1 cô gái bỏ vào gùi mang về, trên tay cầm theo 1 bó nhỏ. Theo quan niệm của người M'Nông, Thần lúa là 1 cô gái xinh đẹp, hiền dịu nhưng ham chơi; khi thu hoạch mùa xong nếu để nàng tiên lúa rong chơi thì sẽ mất mùa. Vì vậy, người ta phải dẫn hồn lúa về và cột ở chân cầu thang kho lúa của gia chủ. Kho lúa phải có một trái bầu to thật sạch sẽ treo ở cửa để nàng tiên lúa trú ngụ ở đó.
Sau khi rước hồn lúa về đến nơi, người M'Nông mới tổ chức lễ cúng. Tất cả các ước nguyện, cầu mong của gia đình, buôn làng đều được thể hiện trong lễ cúng này. Chủ nhà dùng một ống tre được chặt ra từ cây nêu trồng ở rẫy từ lúc lúa trổ đòng để thổi, gọi hồn lúa về ở cùng gia đình, cho mọi người sức khỏe, cả năm sung túc… Một con gà trống sẽ cắt tiết để cúng nhập hồn lúa vào kho. Tiết ở miệng gà được bôi khắp các dụng cụ, vật dụng sinh hoạt của gia đình để minh chứng hồn lúa đã hiện diện ở nhà. Bột gạo được giã từ những hạt lúa mới sẽ được trộn với tiết gà bôi lên cổ tất cả các thành viên trong gia đình. Khi các nghi thức cúng lễ đã xong, bà con cả buôn sẽ cùng ăn cơm mới, uống rượu cần, đánh chiêng, múa hát...
 DẠ YẾN THẢO

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.