Kỹ nghệ đá cũ An Khê là hệ thống di tích quan trọng ở ĐNA

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là một trong những nhà khảo cổ quan tâm nghiên cứu về kỹ nghệ đá cũ An Khê, TS. Alexander Kandyba (Viện Khảo cổ học-Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) cho rằng, kỹ nghệ đá cũ An Khê là một trong những hệ thống di tích cực kỳ quan trọng đối với lịch sử Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Phóng viên Báo Gia Lai Điện tử đã có cuộc trao đổi với TS. Alexander Kandyba xung quanh vấn đề này.
 

 

* P.V: Thưa ông, trong 5 năm (2015-2019), Viện Khảo cổ học Việt Nam đã hợp tác với Viện Khảo cổ học-Dân tộc học Novosibirsk cùng nghiên cứu quá khứ xa xưa của Việt Nam ở thung lũng An Khê. Là người trực tiếp tham gia nghiên cứu, ông có thể cho biết những giá trị khoa học mà các nhà khảo cổ đã phát hiện ở di chỉ An Khê?

- Tiến sĩ Alexander Kandyba: Việc phát hiện một chiếc rìu tay tại Gò Đá (phường An Bình, thị xã An Khê) năm 2014 đã chứng minh về sự tồn tại của người tiền sử trên đất An Khê là hoàn toàn có cơ sở. Ngay sau đó, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã hợp tác với Viện Khảo cổ học-Dân tộc học Novosibirsk để cùng nhau nghiên cứu về sơ kỳ Đá cũ ở đây.

 Tiến sĩ Alexander Kandyba (thứ hai từ trái sang) cùng các nhà khảo cổ trên thế giới tham quan tại di tích Rộc Tưng 4 .                                               Ảnh: T.D
Tiến sĩ Alexander Kandyba (thứ hai từ trái sang) cùng các nhà khảo cổ trên thế giới tham quan tại di tích Rộc Tưng 4. Ảnh: T.D



Nhiều tháng năm gắn kết và đưa ra các định hướng sau mỗi ngày khảo sát, đo đạc, đến nay, chúng tôi đã phát hiện 24 di chỉ khảo cổ thuộc sơ kỳ Đá cũ và có 4 địa điểm đã được khai quật gồm Gò Đá, Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4 và Rộc Tưng 7. Qua đó, có trên 1.000 hiện vật đá được phát hiện trong các hố đào và có trên 600 mảnh thiên thạch được phát hiện đồng thời cùng hiện vật đá ngay tại tầng văn hóa. Với các tiêu bản mẫu thiên thạch, các chuyên gia Nga đã đưa về nước phân tích kết quả bằng phương pháp K/Ar (Kali Argon) cho niên đại ở di tích Gò Đá (phường An Bình) là 806.000 ± 22.000 năm và Rộc Tưng 1 là 782.000 ± 20.000 năm cách ngày nay. Như vậy, sau khi phân tích mẫu tectit bằng phương pháp đồng vị phóng xạ K/Ar cho ra kết quả các mẫu vật này có niên đại sơ kỳ Đá cũ. Đặc biệt, sau khi khai quật tại Rộc Tưng (xã Xuân An), chúng tôi đã tìm thấy ở đây một tổ hợp công cụ lao động của con người thời kỳ nguyên thủy. Đây chính là thông tin khoa học quan trọng trong quá trình nghiên cứu của chúng tôi tại đây.

Sau 5 năm tiến hành khai quật ở vùng đất An Khê, điều lớn nhất mà chúng tôi đạt được là phát hiện ra một hệ thống di tích khảo cổ có cùng với nhau một tính chất. Đó là những địa tầng ổn định, nguyên vẹn mà trong đó chứa các công cụ lao động phản ánh thời kỳ xa xưa nhất của nhân loại, đó là sơ kỳ Đá cũ, trong đó những mảnh thiên thạch nằm cùng với các công cụ được phân tích có niên đại 800.000 năm cách ngày nay.

* P.V: Ông đánh giá thế nào về kỹ nghệ đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè 2 mặt ở khu vực?

- Tiến sĩ Alexander Kandyba: Sơ kỳ Đá cũ ở An Khê là một trong những hệ thống di tích cực kỳ quan trọng đối với lịch sử Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Hệ thống di tích khảo cổ học ở An Khê được coi là khu vực khảo cổ học nổi bật nhất của khu vực Đông Nam Á. Đến thời điểm hiện tại, chúng ta có thể biết được rằng trên thế giới có rất nhiều địa điểm giống với địa điểm sơ kỳ Đá cũ ở An Khê. Trong đó, đặc biệt nhất là địa điểm ở Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc), một trong những địa điểm đã phát hiện ra một hệ thống các di tích với niên đại cũng tương tự như ở An Khê. Địa điểm sơ kỳ Đá cũ ở An Khê cùng với địa điểm Bách Sắc (Trung Quốc) đã tạo dựng nên cho khu vực châu Á một góc nhìn mới về những chủ nhân của người đứng thẳng (tổ tiên trực tiếp của người hiện đại). Những phát hiện khảo cổ học này là một trong những nguồn tư liệu rất quan trọng để nghiên cứu lịch sử con người thời kỳ xa xưa.

Đặc biệt, tại An Khê, công cụ ghè 2 mặt của kỹ nghệ ghè An Khê khác xa với kỹ nghệ chế tác ở châu Âu. Điều này càng cho chúng ta tin tưởng sự xuất hiện của kỹ nghệ ghè 2 mặt ở An Khê là kết quả tiến hóa hội tụ nội tại. Đây là một địa điểm mang một dấu ấn văn hóa rất đặc biệt giữa vùng Đông Nam Á và Nam Á ở khu vực châu Á.

* P.V: Trong thời gian tới, các nhà khảo cổ của Viện Khảo cổ học-Dân tộc học Novosibirsk sẽ tiếp tục hợp tác và nghiên cứu về sơ kỳ Đá cũ ở An Khê như thế nào, thưa ông?

- Tiến sĩ Alexander Kandyba: Chúng tôi đang dự kiến tiếp tục nghiên cứu sơ kỳ Đá cũ ở Việt Nam trong chương trình 5 năm tới. Còn việc nghiên cứu ở vùng An Khê hay vùng nào khác thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng nhất định chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu về giai đoạn cổ xưa nhất của nhân loại trên đất nước Việt Nam. Tôi nghĩ, Gia Lai cần phát huy giá trị khảo cổ học to lớn vừa được phát hiện tại thung lũng An Khê. Với những hiện vật và qua nghiên cứu có thể khẳng định, An Khê là một trong những cái nôi cổ xưa nhất trong lịch sử phát triển của loài người trên thế giới. Tỉnh Gia Lai cũng cần có sự liên kết chặt chẽ để phát triển tổng quan cho khu vực này như văn hóa, dân tộc bản địa kết hợp học tập, nghiên cứu các di chỉ khảo cổ.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

 TRẦN DUNG (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

(GLO)- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 580/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích An Phú (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku).

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.