Mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu lâu dài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Kỹ nghệ đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè đá 2 mặt châu Á” diễn ra trong 2 ngày (29 và 30-3) tại thị xã An Khê. Hội thảo lần này đã được các nhà khoa học, khảo cổ trên thế giới quan tâm, mở ra một chương trình hợp tác lâu dài để nghiên cứu về vùng đất An Khê nói riêng và Việt Nam nói chung.
Dự hội thảo có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; PGS-TS. Bùi Nhật Quang-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Giáo sư, Viện sĩ Derevianko Anatoly-Viện trưởng Viện Khảo cổ-Dân tộc học Novosibirsk (Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga); các nhà khoa học đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Myanmar, Nga, Pháp, Ba Lan; các nhà khoa học đến từ các tỉnh, thành trong cả nước; lãnh đạo các sở, ngành trong tỉnh.
Trung tâm nghiên cứu nguồn gốc loài người
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã dành trọn một ngày để tham quan các địa điểm khai quật tại di chỉ An Khê. Hội thảo cũng đã tập trung thông báo những kết quả nghiên cứu về kỹ nghệ đá cũ An Khê trong 5 năm vừa qua; tranh thủ ý kiến phản biện của các chuyên gia trong và ngoài nước, các học giả, nhà nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới để tiến tới xác định giá trị thực sự di chỉ khảo cổ tại An Khê, xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia cho di tích này. Đồng thời, mở ra những hướng nghiên cứu mới, chuyên sâu hơn nữa. 
PGS-TS. Nguyễn Khắc Sử-nguyên nghiên cứu viên cao cấp Viện Khảo cổ học Việt Nam-chia sẻ: “Có thể nói, việc phát hiện một chiếc rìu tay tại Gò Đá (phường An Bình, thị xã An Khê) vào mùa khô 2014 đã mở ra một hệ thống các di tích rất đặc biệt mà trong hơn 40 năm tìm tòi trên khắp đất nước nhưng tôi chưa bao giờ phát hiện. Từ đó, tôi đã trao đổi với các nhà khảo cổ của Nga, các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của thế giới về giai đoạn cổ xưa nhất của nhân loại thì được họ đồng ý hợp tác”. 
   Các nhà khảo cổ đến tham quan Di tích Rộc Tưng 4 (xã Xuân An, thị xã An Khê).  Ảnh: Trần Dung
Các nhà khảo cổ đến tham quan Di tích Rộc Tưng 4 (xã Xuân An, thị xã An Khê). Ảnh: Trần Dung
Sau 5 năm khai quật và nghiên cứu, các nhà khảo cổ đã cho chúng ta biết một thông tin rất đặc biệt: Nơi đây, tại thung lũng An Khê-vùng chuyển tiếp từ cao nguyên Pleiku xuống đồng bằng biển đảo, con người đã từng cư trú vào khoảng thời gian cách đây 80 vạn năm. Theo PGS-TS. Nguyễn Khắc Sử, các di vật khai quật được không chỉ cho chúng ta biết địa điểm con người cư trú mà cả những nơi con người chuyên chế tác công cụ, từ đó chuyển cho các khu vực xung quanh, tạo nên một hệ thống các di tích ở vùng An Khê. “Đây chính là con đường mở ra cho chúng ta một khu trung tâm nghiên cứu nguồn gốc loài người. Đặc biệt, những tư liệu ở đây không chỉ cho chúng ta biết về giai đoạn xa xưa nhất của lịch sử Việt Nam mà còn góp phần vào việc nghiên cứu toàn bộ sự phát triển loài người ở giai đoạn đầu tiên, sự chuyển biến từ người đứng thẳng sang người hiện đại chúng ta. Đây có thể sẽ trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu chung về nguồn gốc loài người không chỉ của An Khê, Gia Lai hoặc Việt Nam mà còn của toàn thế giới”-PGS-TS. Nguyễn Khắc Sử khẳng định.
Là một trong những người quan tâm nghiên cứu về kỹ nghệ đá cũ An Khê, Tiến sĩ Alexander Kandyba (Viện Khảo cổ học-Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) nhận định: “Sau 5 năm cùng các nhà khoa học Việt Nam tiến hành khai quật ở vùng đất An Khê, thông tin quan trọng nhất là chúng tôi đã phát hiện một hệ thống di tích khảo cổ có cùng một tính chất, đó là những địa tầng ổn định, nguyên vẹn, bên trong chứa các công cụ lao động phản ánh thời kỳ xa xưa nhất của nhân loại thuộc sơ kỳ Đá cũ. Đây là một trong những hệ thống di tích cực kỳ quan trọng đối với lịch sử Việt Nam và khu vực Đông Nam Á”. Phó Giáo sư Rasmi Shoocong Dej (chuyên gia khảo cổ học Thái Lan) cũng nhận định: “Các di chỉ khảo cổ học ở An Khê cho chúng ta cái nhìn chính xác về nguồn gốc lịch sử, thời gian, niên đại tồn tại của người đứng thẳng, điều này rất có ý nghĩa. Tôi nghĩ, nếu tiếp tục nghiên cứu ở những tầng địa chất sâu hơn thì sẽ phát hiện thêm nhiều điều bí ẩn”. 
Mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu lâu dài

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho tập thể cán bộ và nhân dân xã Xuân An (thị xã An Khê) cùng 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức, triển khai, thực hiện khai quật khảo cổ sơ kỳ Đá cũ tại thị xã An Khê từ năm 2014 đến năm 2019.


Hội thảo khoa học quốc tế “Kỹ nghệ đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè 2 mặt ở châu Á” có vai trò rất to lớn trong việc quảng bá những giá trị kỹ nghệ đá cũ An Khê, không chỉ trong nước mà cả quốc tế. PGS-TS. Nguyễn Gia Đối-quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam-khẳng định: “Kỹ nghệ đá cũ An Khê là di tồn văn hóa của người vượn (Hominini) nhiều khả năng là kết quả tiến hóa bản địa của một dạng nhân hình hội tụ truyền thống kỹ thuật chế tác công cụ cuội trong khu vực. Các báo cáo tham luận của các đại biểu được trình bày tại hội thảo sẽ là cơ sở giúp cho chúng ta có cái nhìn đa chiều, chính xác để có những định hướng trong công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản khảo cổ này tại An Khê”.
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh: “Năm 2019 là thời điểm kết thúc chương trình hợp tác khai quật khảo cổ 5 năm giữa Viện Khảo cổ học Việt Nam và Viện Khảo cổ-Dân tộc học Novosibirsk. Tôi hy vọng rằng, từ những phát hiện sau những lần khai quật và thành công của hội thảo lần này sẽ tiếp tục mở ra những nhận thức mới về khảo cổ học sơ kỳ Đá cũ, về văn hóa-lịch sử của địa phương cũng như toàn khu vực. Hội thảo lần này thực sự là một sự kiện quan trọng đối với tỉnh Gia Lai nói riêng và Việt Nam nói chung. Những địa điểm khảo cổ đã được phát hiện, công bố là hết sức quý báu và đáng trân trọng. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, Gia Lai hiện đang có khá nhiều địa điểm khảo cổ phân bố rải rác mà chưa được khai quật. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để trong thời gian tới, những trầm tích văn hóa ấy sẽ tiếp tục được đánh thức và gìn giữ. Thời gian tới, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ tận tình của các nhà khoa học đối với tỉnh Gia Lai”.
Theo nhiều chuyên gia, chính hội thảo lần này đã thu hút được các nhà khoa học, khảo cổ trên thế giới đến đây, so sánh và cùng nhau mở ra một chương trình hợp tác lâu dài để nghiên cứu về vùng đất An Khê. Hội thảo thành công sẽ mở ra một hướng mới cho vấn đề bảo tồn, phát huy, đưa toàn bộ các di sản văn hóa của tổ tiên đến với công chúng-đặc biệt là thế hệ trẻ-để họ hiểu thêm về mảnh đất quê hương cũng như nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ, tiếp tục nghiên cứu. Chuyên gia khảo cổ Masojc Mirolaw (Ba Lan) cho biết: “Tôi thấy vùng đất này rất thú vị, văn hóa của các bạn rất phong phú và có nhiều điều bí ẩn. Chúng tôi sẽ quay trở lại để tìm hiểu sâu hơn về vùng đất này trong thời gian tới”. Còn với TS. Alexander Kandyba thì: “Trong chương trình 5 năm tới, chúng tôi đang có dự kiến tiếp tục nghiên cứu về sơ kỳ Đá cũ ở Việt Nam, nhưng là ở đây hay ở nơi khác thì sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố”.
Song hành cùng với các nhà khoa học, thị xã An Khê luôn có kế hoạch giữ gìn và phát huy những giá trị này. Lãnh đạo địa phương cũng đã thảo luận với các chuyên gia để chọn ra những điểm đẹp nhất trong khu bảo tồn nhằm xây dựng một bảo tàng ngoài trời, như một minh chứng rõ nét nhất các kết quả khai quật, thu hút các nhà nghiên cứu cũng như những người quan tâm đến giá trị khảo cổ tới đây cùng nghiên cứu với địa phương. “Chúng tôi đã có kế hoạch để mô tả một cách khái quát nhất về những đồ đá được trưng bày với 3 mục tiêu khoa học, đại chúng và hấp dẫn nhằm thu hút nhiều du khách đến đây cùng nghiên cứu. Đây cũng chính là tiền đề để chúng tôi phát triển du lịch nghỉ dưỡng, nghiên cứu”-Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết.
 TRẦN DUNG-NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.