Đặc sắc Tết người Mông: Dán "niêm phong" máy khâu, cuốc, xẻng...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi những cánh hoa mơ, hoa mận bắt đầu bung sắc báo hiệu mùa Xuân về, người Mông ở bản Pa Khen 1 (thị trấn nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, Sơn La) lại tưng bừng chuẩn bị các nghi thức, nghi lễ cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc mình.
Chia sẻ với PV Dân Việt, già làng Hàng A Say, bản Pa Khen 1 (thị trấn nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu), cho biết:  Bản chúng tôi có gần 200 hộ, hàng năm vào trước ngày 30.11 âm lịch, bà con trong bản nhà nào nhà nấy đều tạm gác các công việc thường ngày để tập trung sửa sang nhà cửa, thay mới ban thờ, mổ lợn, làm bánh dầy để chuẩn bị đón Tết truyền thống. Buổi chiều ngày 30.11, tất cả các dụng cụ canh tác như cày, cuốc, xẻng, dao, cào… đều được chúng tôi dán giấy "niêm phong" rồi xếp vào cạnh góc bàn thờ, 10 ngày sau mới được lấy ra sử dụng canh tác. Trong dịp Tết này, người Mông chúng tôi luôn thờ ma nhà và những vật dụng gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân chúng tôi, để cho tổ tiên phù hộ cho cho con cháu ai cũng mạnh khỏe và làm kinh tế phát đạt.
Già làng Hàng A Say thắp hương cúng vái tổ tiên, cầu mong sức khỏe bình an... cho con cháu.
Ngày 30 trước thềm năm mới, mỗi gia đình sẽ dùng một con lợn và gà trống cúng ma nhà (tổ tiên). Sau đó, họ sẽ giết gà trống để cúng tế rồi lấy lông gà đính lên các mảnh giấy hình răng cưa cắt sẵn, dán lên các đồ vật trong nhà, dán nên kèo nhà, cột trụ và phía trên cửa chính để xua đuổi tà ma. Trong các nghi lễ ngày Tết của người Mông không thể thiếu gà trống, vì theo quan niệm của họ, gà trống tượng trưng cho thần Mặt Trời, ban phát ánh sáng và sự sống cho nhân gian.
“Khoảnh khắc giao thừa của đồng bào Mông được tính bằng tiếng gà gáy đầu tiên trong đêm 30 Tết. Vào thời khắc này, mọi người trong gia đình đều ngồi quây quần bên bếp lửa, hát những bài hát truyền thống đón xuân hoặc ôn lại những kỷ niệm, những câu chuyện của năm cũ” – già làng A Say cho biết thêm.
Trong ngày Tết của đồng bào Mông các dụng cụ, cuốc, thuổng, xẻng, máy khâu... đều được dán giấy "niêm phong" rồi xếp vào cạnh góc bàn thờ để nghỉ ngơi.
Theo phong tục người Mông, ngày mùng 1 chỉ đi chúc Tết, ăn cơm, uống rượu và đặc biệt kiêng kỵ việc tiêu tiền. Khác với người Kinh và các đồng bào dân tộc ở nhiều vùng trong cả nước, người Mông ở Mộc Châu ăn Tết vào đầu tháng Chạp âm lịch. Tết của người Mông thường diễn ra trong 3 ngày nhưng trước đó cả tháng, khắp các bản làng ở thị trấn nông trường Mộc Châu, xã Lóng Luông, Tân Lập, Lóng Sập, Chiềng Xuân, Chiềng Sơn… luôn nhộn nhịp không khí đón xuân. Mỗi một gia đình đều chuẩn bị 1 con lợn, bánh dày, rượu ngô, mâm cơm để mừng đón năm mới phát tài phát lộc.
Trong ngày Tết của người Mông không thể thiếu bánh dầy.
Từ ngày mùng 4, người Mông ở bản Pa Khen 1 mới bắt đầu chơi Tết. Những bộ váy, áo đẹp nhất sẽ được bà con trưng diện trong dịp này. Bởi vậy, nổi bật trong sắc màu e ấp của hoa mơ, hoa mận và sắc hồng của hoa đào là gam màu rực rỡ của những chiếc váy truyền thống của đồng bào Mông tung xòe trên cánh đồng hoa cải trắng, vàng  ngút ngàn trên cao nguyên Mộc Châu, là tiếng leng keng đồng bạc hoa theo bước chân thiếu nữ và chàng trai Mông đi chơi xuân...
 Ngày Tết của đồng bào Mông, người lớn và trẻ em đều được sắm sửa quần áo mới để đi chơi xuân.
Trong không khí rộn ràng đầu năm mới, Tết cổ truyền của đồng bào Mông còn là dịp để các chàng trai cô gái Mông tìm hiểu nhau. Từ sáng sớm, họ đã chuẩn bị quần áo mới tập trung tại một số địa điểm như nhà văn hóa, sân bóng đá để chơi trò ném Pao. Chàng trai ném quả Pao về hướng cô gái mà mình thích, nếu cô gái đó thích thì bắt lấy, coi như là đồng ý. Ngược lại, cô gái cũng làm như vậy với chàng trai mà họ thích. Đến tối, họ lại tập trung để chơi trò dân gian đánh tu lu, đánh quay... sau đó quây quần bên mâm cơm, mâm rượu để hàn huyên trò chuyện. Nhiều đôi trai gái trong bản Pa Khen 1 đã nên duyên vợ chồng cũng nhờ vào Tết cổ truyền và những trò chơi mang đậm bản sắc dân tộc này.
Khách đến nhà người Mông trong dịp Tết luôn được đón tiếp rất chu đáo.
Người Mông rất mến khách, họ quan niệm nếu Tết có khách lạ hoặc bạn bè đến chơi thì cả năm sẽ gặp may mắn và làm ăn phát đạt. Vì vậy, khách đến nhà người Mông trong dịp Tết luôn được đón tiếp rất chu đáo, được mời ăn, mời rượu và mời ngủ tại nhà. Trước lúc ra về sẽ được các gia chủ biếu bánh dầy do chính tay họ làm ra để tỏ lòng quý khách.
Hà Hoàng (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.