Ia Ka: Lưu giữ nghề dệt truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dòng chảy hối hả của cuộc sống tưởng như đã cuốn nghề dệt truyền thống với những nguyên liệu thiên nhiên như sợi bông, vỏ cây... trôi vào dĩ vãng. Vậy nhưng, ở một số làng thuộc xã Ia Ka (huyện Chư Pah, Gia Lai), những người phụ nữ Jrai bản địa vẫn còn lưu truyền nghề dệt thổ cẩm như nó vốn có từ bao đời nay.


Mùa tìm sợi

Khi Tây Nguyên đón những cơn mưa cuối mùa, gió heo may bắt đầu thổi qua buôn làng và dã quỳ trên đồi chớm nở là lúc chị em phụ nữ Jrai bắt tay chuẩn bị cho mùa lấy sợi.

Bà Rơ Châm Wo (70 tuổi, làng Mrông Yố 2) kể lại: Sợi dệt thổ cẩm được người Jrai lấy từ nhiều loại cây khác nhau như: sợi cây bông (phun paih), chuối (phun tơi), cây mo (phun mo)…, riêng sợi bông được dùng phổ biến nhất. Mỗi khu vườn của người Jrai luôn có đủ các thứ cây phục vụ nhu cầu ăn, mặc, chữa bệnh của con người, trong đó có cây bông vải để lấy sợi dệt thổ cẩm.

Với người Jrai, phụ nữ muốn “bắt chồng” phải biết dệt vải. Tấm vải dệt khi về nhà chồng là vật phẩm thể hiện sự tài hoa, khéo léo của cô gái đối với gia đình chồng. Bởi vậy, ngay từ nhỏ, các cô gái Jrai đã theo mẹ lên rẫy hái bông, lựa bẹ chuối về làm sợi. Tháng 10 là thời điểm cây bông cho thu hoạch. Những cơn gió heo may lạnh se sắt sẽ làm nứt vỏ trái bông, lộ ra đám sợi tơ trắng như mây, mềm mịn. Khi ấy, chỉ cần gỡ nhẹ đám sợi bông, vo thành kén và mang về nhà phơi khô, cất trữ chờ ngày đem ra dệt. Còn sợi chuối được người Jrai rút từ những bẹ chuối khô (pơtơi krô). Sợi chuối bắt buộc phải ngâm qua nước và luộc trong một khoảng thời gian nhất định mới trở nên bền chắc. Để có đủ sợi dệt vải cho các thành viên trong gia đình đón mùa ning nơng, những người phụ nữ Jrai phải làm việc cật lực ròng rã hàng tháng trời.

  Câu lạc bộ Phụ nữ dệt thổ cẩm kết hợp phát triển du lịch cộng đồng xã Ia Ka. Ảnh: Đ.T
Câu lạc bộ Phụ nữ dệt thổ cẩm kết hợp phát triển du lịch cộng đồng xã Ia Ka. Ảnh: Đ.T



Kỹ thuật pha màu, nhuộm sợi là công đoạn đòi hỏi nhiều sự tinh tế. Đảm đương công đoạn này phải là những người có kinh nghiệm dệt lâu năm. Đây cũng là phần quan trọng quyết định giá trị thẩm mỹ của tấm thổ cẩm. Tất cả những màu nhuộm đều có thể tạo ra từ cây trái tự nhiên trên rừng hoặc trồng quanh vườn nhà. “Thổ cẩm người Jrai có đặc trưng mạnh về gam màu nóng. Một số màu chủ đạo là: đỏ, đen, trắng, vàng, xanh, cam… thể hiện sự khỏe khoắn, uy quyền. Người ta dùng củ nghệ tạo ra màu vàng, cam; hạt phun sut (hạt điều màu) để tạo thuốc nhuộm màu đỏ; cây chuối khi đem ngâm với liều lượng và thời gian khác nhau sẽ cho ra thuốc nhuộm màu đen…”-bà Wo chia sẻ.

Thổ cẩm xưa quý hơn vàng

Bà Wo hiện còn lưu giữ một vài tấm vải thổ cẩm xưa được dệt nên từ sợi cây cỏ, hầu hết là váy áo và chăn đắp. Trong đó, bà quý nhất là chiếc váy mẹ đã gửi gắm lại khi gần đất xa trời. Trải qua hàng chục năm tồn tại, chiếc váy thổ cẩm vẫn mềm mại, nguyên vẹn, duy chỉ có màu sắc lạt phai sờn đi ít nhiều. “Có người tìm về nhà mình và ngỏ ý muốn mua lại chiếc váy này nhưng mình không bán. Mình sẽ để lại cho con gái sau này”-bà Wo tâm sự.

 


Bà Rơ Châm HKen-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Ka, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ Dệt thổ cẩm kết hợp Phát triển Du lịch cộng đồng xã Ia Ka: “Thổ cẩm Ia Ka nổi tiếng về độ sắc sảo, bền đẹp. Nhờ giữ được nghề dệt truyền thống nên Ia Ka ngày càng thu hút nhiều người tìm về mua thổ cẩm. Chúng tôi cũng sẽ khôi phục, xây dựng nghề dệt xưa trở thành điểm nhấn độc đáo để thu hút khách du lịch về với địa phương trải nghiệm du lịch cộng đồng”.
 

Tấm vải thổ cẩm dệt từ cây cỏ tự nhiên luôn mềm mại dù bề mặt khá thô ráp và khi cầm có cảm giác nặng tay hơn so với thổ cẩm dệt từ sợi chỉ công nghiệp. Theo bà Wo, khoảng 20 năm trước, nghề dệt thổ cẩm truyền thống còn phổ biến ở vùng Ia Ka. Từ khi có sợi chỉ công nghiệp và cây rừng ngày càng ít đi, chị em mua sợi chỉ về dệt cho tiện. Xét về giá trị, tất nhiên, thổ cẩm dệt từ sợi công nghiệp không thể tinh tế bằng thổ cẩm truyền thống.

Đáng quý là, ở Ia Ka hiện nay một số phụ nữ vẫn tìm kiếm những nguyên-vật liệu từ tự nhiên để dệt thổ cẩm. “Thỉnh thoảng mình vẫn dệt thổ cẩm từ sợi cây rừng. Bây giờ, dệt được một tấm vải thổ cẩm tự nhiên phải tính bằng mùa, bằng năm bởi phải dành nhiều thời gian trồng cây lấy sợi, ủ màu, dệt…”-bà Rơ Châm Bloi (75 tuổi, làng Mrông Ngó 3) nói. Bà Bloi chia sẻ, công đoạn dệt thổ cẩm bằng nguyên liệu truyền thống cầu kỳ hơn rất nhiều so với dệt bằng sợi len công nghiệp. Sợi bông sau khi thu hoạch về phải lọc sạch hạt bông. Sau đó, đánh tung bông, rồi lại vo thành từng kén nhỏ để kéo sợi. Việc kéo sợi phải rất khéo léo để sợi chỉ được đều, mịn. Sợi chỉ kéo ra được căng lên tấm khung lớn, sau đó dùng bàn chải đánh mịn một lượt nữa trước khi cuộn lại đem nhuộm màu. Nếu sợi không được làm đều, khi dệt tấm vải sẽ chỗ dày chỗ mỏng và thiếu bền chắc.

Họa tiết, hoa văn trên thổ cẩm truyền thống của người Jrai vùng Ia Ka khá độc đáo; ngoài những họa tiết thông thường còn có những đường nét, hình khối khắc họa rất đỗi sinh động đời sống sinh hoạt, lao động của người Jrai như: cây nêu, con voi, con chó, hoạt cảnh phụ nữ giã gạo… Chị Phạm Mỹ Hạnh-một Việt kiều định cư tại bang California (Hoa Kỳ)-người từng đặt mua đến 6 bộ thổ cẩm vùng Ia Ka dù giá thành đắt gấp nhiều lần so với thổ cẩm dệt bằng sợi len công nghiệp-chia sẻ: “Một lần về Ia Ka, tôi yêu mến con người và văn hóa nơi đây, đặc biệt là đồ thổ cẩm. Bởi vậy, tôi cùng bạn bè đã đặt mua sản phẩm thổ cẩm của các bà, các chị ở Ia Ka. Thổ cẩm của người Jrai ở đây có nét đẹp khoáng đạt, hồn hậu, hoang sơ và cho thấy con người luôn hòa mình với thiên nhiên”.

Lê Hòa
 

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

(GLO)- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 580/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích An Phú (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku).

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.