Lễ hội Lam Kinh năm 2018: Hào khí Lam Sơn tỏa sáng trường tồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 1/10 (tức ngày 22/8 năm Mậu Tuất), tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ hội Lam Kinh năm 2018.

Lễ hội thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn người dân, du khách thập phương và con cháu họ Lê khắp mọi miền Tổ quốc.

 

Ảnh tư liệu: Biểu diễn nghệ thuật tái hiện cảnh Vua Lê đánh  thắng giặc ngoại xâm tại lễ hội Lam Kinh năm 2015. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Ảnh tư liệu: Biểu diễn nghệ thuật tái hiện cảnh Vua Lê đánh thắng giặc ngoại xâm tại lễ hội Lam Kinh năm 2015. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)



Lễ hội Lam Kinh năm nay được tổ chức nhân kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 590 năm Đức vua Lê Thái Tổ đăng quang, tưởng niệm 585 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Lê Lợi. Lễ hội nhằm tri ân, tôn vinh công lao của anh hùng dân tộc Lê Lợi cũng như các tướng sỹ, các tầng lớp nhân dân đã tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi giặc Minh xâm lược, giành độc lập tự chủ và phục hưng dân tộc.

Với tấm lòng yêu nước, thương dân, tư tưởng đại nghĩa, khoan dung cùng những kỳ tích trong 10 năm đánh giặc và hơn 5 năm trị vì đất nước, Lê Lợi xứng đáng là người anh hùng giải phóng dân tộc kiệt xuất.

Từ sáng sớm, khắp các nẻo đường và trong khuôn viên Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã chật cứng người dân, du khách. Đến với Lễ hội ai ai cũng mang theo tấm lòng thành kính, tự hào và sự biết ơn vô hạn về sự nghiệp lẫy lừng mà ông cha ta đã bền bỉ tạo dựng, gìn giữ và truyền lại cho con cháu muôn đời sau.

Lễ hội Lam Kinh năm 2018 gồm hai phần chính. Phần nghi lễ với các nghi thức truyền thống như rước kiệu, dâng hương, đọc chúc văn và phần hội là chương trình nghệ thuật chủ đề “Hào khí Lam Sơn tỏa sáng trường tồn”.

Chương trình nghệ thuật được đầu tư công phu, gồm các tiết mục sân khấu hóa ca ngợi công đức cao dày của anh hùng dân tộc Lê Lợi, các bậc tiền nhân, nhân dân Thanh Hóa nói riêng, nhân dân cả nước nói chung trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược cách đây tròn 600 năm. Cùng với đó là các ca khúc viết về quê hương Thanh Hóa trong giai đoạn đổi mới và phát triển; những trò diễn dân gian gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, do hàng trăm nghệ sỹ, diễn viên các đoàn nghệ thuật, nghệ nhân, diễn viên quần chúng biểu diễn. Hòa chung khí thế lễ hội, hào khí Lam Sơn sẽ là mạch nguồn thôi thúc, cổ vũ, động viên Thanh Hóa bứt phá vươn lên trong hội nhập và phát triển, xứng đáng với truyền thống vùng quê “Địa linh nhân kiệt”.

Lễ hội Lam Kinh 2018 sẽ diễn ra đến hết ngày 2/10/2018 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Trong khuôn khổ lễ hội có các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch như: Hội chợ khởi nghiệp họ Lê Việt Nam, Hội thi tìm hiểu truyền thống cội nguồn Lê tộc, Hội chợ mùa thu Lam Kinh 2018, Liên hoan nghệ thuật quần chúng họ Lê Việt Nam, Hội thảo khoa học chủ đề “Anh hùng dân tộc Lê Lợi và nhân dân Thanh Hóa trong thời kỳ đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn,” Giải vô địch bóng bàn các đội mạnh toàn quốc tại Thanh Hóa…

Dịp này, Cục văn thư lưu trữ Nhà nước đã trao tặng tỉnh Thanh Hóa phiên bản Mộc bản thân thế sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ.

Hoa Mai (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.