Đau đáu với nghề dệt thổ cẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần 50 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, dù đôi mắt không còn tinh tường, đôi tay không còn nhanh nhẹn như trước nhưng bà Rơ Lan H'Dyơl (62 tuổi, làng HLuh, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai, Gia Lai) vẫn không rời khung cửi mà vẫn ngày đêm giữ gìn sắc màu thổ cẩm Jrai với nỗi đau đáu trong lòng.
“Bà H'Dyơl dệt đẹp lắm, ở vùng này không ai dệt đẹp bằng bà ấy đâu”-chúng tôi nhận ra lời khen tặng đó quả không sai khi được tận mắt nhìn, chạm vào những tấm thổ cẩm với họa tiết tinh tế mô phỏng hình ảnh đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên cùng với cách phối màu hài hòa của bà H'Dyơl. Bà H'Dyơl cho hay: Một tấm thổ cẩm đẹp thì khi hoàn thành, các hoa văn ở cả mặt trái và mặt phải của tấm vải không khác nhau là mấy, cả 2 mặt đều phải rõ nét. Đó là một kỹ thuật khó đòi hỏi người thợ dệt phải có kinh nghiệm cũng như kỹ năng thì mới làm được.
   Bà Rơ Lan H'Dyơl đang dệt thổ cẩm. Ảnh: Phan Thương
Bà Rơ Lan H'Dyơl đang dệt thổ cẩm. Ảnh: Phan Thương
Nói về quá trình gắn bó với dệt thổ cẩm, bà H'Dyơl kể: Những em bé gái Jrai thường sẽ được mẹ truyền dạy cho nghề dệt thổ cẩm; đến lúc lấy chồng, chính họ sẽ dệt những tấm chăn, áo quần cho chồng con mình. Nhưng từ nhỏ bà đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. May mắn là khi trở thành thiếu nữ, bà được một người phụ nữ tốt bụng ở thị xã Ayun Pa nhận làm con nuôi và dạy dệt thổ cẩm. Ngày ngày, bà H'Dyơl theo mẹ nuôi lên rừng tìm cây bông sợi để dệt vải, kiếm lá cây giã chắt lấy nước pha màu. Yêu thích sắc màu thổ cẩm nên bà say mê học dệt từ những họa tiết đơn giản đến phức tạp; bằng trí tưởng tượng phong phú và sự khéo léo, bà mày mò tự phối các hoa văn tùy ý trên những tấm vải thổ cẩm.
Nghề dệt thổ cẩm giờ đây có thể mang lại thu nhập ổn định cho phụ nữ trong những lúc nông nhàn. Những sản phẩm thủ công với đường kim mũi chỉ chắc chắn hiện nay được thị trường khá ưa chuộng và đón nhận. Mỗi tuần, bà H'Dyơl có thể dệt được 1 bộ váy áo nữ với giá bán dao động từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/bộ.
Gần 50 năm gắn bó với nghề dệt, với bà H'Dyơl, thổ cẩm không chỉ đơn thuần là tấm vải vô tri vô giác mà nó được gửi gắm vào đó cả tâm tư, tình cảm của người phụ nữ Jrai. Trước thực tế nhiều bạn trẻ chưa hào hứng với nghề dệt truyền thống, bà buồn rầu nói: “Trước kia người con gái Jrai phải biết dệt thổ cẩm, đan lát; người con trai biết đánh cồng chiêng. Nhưng giờ đã khác xưa, lớp trẻ dường như không có hứng thú với thổ cẩm. Bọn chúng giờ chỉ thích mặc áo thun, quần jean…, ít khi khoác lên người những bộ đồ truyền thống của người Jrai chứ đừng nói là tự tay dệt nên”. Hai cô con gái lớn của bà H'Dyơl là Rơ Lan Thùy và Rơ Lan Pôm cũng không mặn mà với việc ngồi hàng giờ bên khung cửi, mặc dù mẹ vẫn luôn nhắc nhở giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc. Ngày ngày, khi con cái tản đi mưu sinh với việc rẫy, bà vẫn một mình bên khung cửi với tiếng lách cách lặp đi lặp lại. “Mình buồn vì mấy đứa con không thích dệt thổ cẩm. Dạy cho chúng nhưng chúng không muốn học. Lúc mình chết đi thì ai dệt thổ cẩm cho con cháu chúng nữa. Cũng mong mấy đứa trẻ trong làng tới học để mình dạy cho chúng cách dệt thổ cẩm, phần nào lưu giữ lại nét đẹp của người Jrai mình”-bà H'Dyơl trăn trở.
Trao đổi với P.V, bà Rơ Mah Yít-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Grăng-cho biết: “Số người gắn bó với nghề dệt thổ cẩm ở địa phương giờ đây chỉ còn đếm trên đầu ngón tay và hầu hết là người lớn tuổi. Trong số đó, bà Rơ Lan H'Dyơl là người dệt thổ cẩm rất đẹp và có mong muốn truyền dạy dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ. Phía xã cũng thường xuyên tuyên truyền, động viên chị em học dệt và giữ gìn nghề truyền thống này nhưng số lượng không nhiều. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động chị em đến nhà những người lớn tuổi để học dệt cũng như tổ chức các hội thi dệt thổ cẩm nhằm thu hút chị em phụ nữ tham gia và giữ lấy nghề truyền thống này”.
Phan Thương

Có thể bạn quan tâm

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.