Phát hiện nguyên liệu chế tác rìu bằng đá Opal tại Kông Chro

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua lát cắt khảo cổ học, Gia Lai có các di tích khảo cổ gần như xuyên suốt từ sơ kỳ đá cũ đến hậu kỳ đá mới. Những dấu tích, di vật phát hiện được đã phần nào khẳng định Gia Lai là nơi sinh sống và tồn tại của lớp cư dân cổ xưa kéo dài qua nhiều thời kỳ với đa dạng loại hình di tích.
Các di tích khảo cổ ở thời đại đá mới-một loại hình di tích có mật độ phân bố tương đối rộng và phổ biến ở Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng với hàng ngàn di vật (chất liệu Opal) được phát hiện qua các cuộc điều tra, khai quật. Năm 2017, di tích Hlang được khai quật với hàng trăm phác vật rìu, công cụ được chế tác từ đá Opal. Điều này một lần nữa chứng minh ở Gia Lai nguồn nguyên liệu Opal rất phổ biến trong thời đại hậu kỳ đá mới. Tuy nhiên, việc cư dân cổ sử dụng nguyên liệu tại chỗ hay nguồn nguyên liệu tập trung để chế tác công cụ thì đến nay vẫn chưa được khẳng định.
 
Hạch đá phân bố dày đặc trên bề mặt di tích Tpôn 2 (xã Yang Nam, huyện Kông Chro). Ảnh: Bá Tính
Hạch đá phân bố dày đặc trên bề mặt di tích Tpôn 2 (xã Yang Nam, huyện Kông Chro). Ảnh: Bá Tính
Tháng 12-2017, trong một lần khảo sát mở rộng, cán bộ Trung tâm Khảo cổ học TP. Hồ Chí Minh và cán bộ Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã phát hiện một địa điểm ở làng Tpôn 2 (xã Yang Nam) có nguồn nguyên liệu lớn dùng để chế tác công cụ đá Opal. Và trong đợt khảo sát mới đây nhất vào tháng 6-2018, cán bộ Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã xác định điểm di tích làng Tpôn 2 có tọa độ 1304446.1 vĩ Bắc; 10803123.0 kinh Đông, cách UBND xã Yang Nam khoảng 8 km về hướng Bắc và nằm ở phía Đông Bắc của cụm di tích làng Hlang. Khu vực di tích rộng khoảng 3.000 m2, nằm cạnh đường nội đồng, hiện là đất rẫy của bà Kuik mới khai phá. Di tích nằm ở điểm cao của khu vực có địa hình gò đồi lượn sóng với sườn dốc nghiêng thoải nhẹ. Đất có kết cấu phù sa cổ màu xám nâu lẫn sạn sỏi laterite, bề mặt bị bào mòn. 
Quá trình khảo sát đã thu thập được một số hiện vật chủ yếu nằm rải rác trên bề mặt di tích, cụ thể như sau: 14 phác vật rìu, 1 công cụ mảnh, 1 bàn mài bằng đá sa thạch. Ngoài ra, trên bề mặt di tích còn tìm thấy hàng chục khối đá Opal lớn với độ dài trên 30 cm đến 60 cm, chu vi từ 1 m đến 2 m, nặng từ vài chục kg đến vài trăm kg. Loại hình hiện vật tìm thấy ở đây cơ bản giống với các hiện vật tìm thấy ở các điểm di tích làng Hlang cách đó khoảng 3 km. Đó là các phác vật rìu có vai bằng đá Opal màu vàng sẫm là chủ yếu, được ghè tu chỉnh ở cả 2 mặt. Hiện chưa tìm thấy rìu có vai được mài hoàn thiện. Xung quanh các phác vật là sự phân bố dày đặc của mảnh tước lớn và cả mảnh tước tu chỉnh, tuy nhiên mảnh tước lớn chiếm đa số.
Hiện vật phát hiện tại làng Tpôn 2. Ảnh: Bá Tính
Hiện vật phát hiện tại làng Tpôn 2. Ảnh: Bá Tính
Điểm đặc biệt là việc phát hiện nhiều khối đá Opal với kích thước lớn như đã kể trên. Mặt ngoài các khối đá này phủ partin dày xù xì, vốn là mặt tự nhiên ban đầu của đá Opal. Trong quá trình làm vườn, những khối đá được người dân đào lên, thu gom lại và chất thành các đống giữa vườn hoặc xếp chúng thành hàng rào xung quanh vườn. Trong các đống đá này, cán bộ Bảo tàng tỉnh Gia Lai tìm thấy số lượng lớn những tảng đá có vết ghè đập, bên cạnh đó là những hạch đá nhỏ hơn. Ngoài ra, bề mặt di tích phân bố dày đặc các mảnh tước ban đầu và cả mảnh tước tu chỉnh, điều đó cho thấy có thể từ những tảng đá lớn này, người xưa tách thành những hạch đá nhỏ hơn rồi tiến hành ghè ngay tại chỗ, một nhóm khác đem sang nơi khác tiếp tục ghè tu chỉnh tạo thành các phác vật hoàn thiện. Đáng chú ý, trong phạm vi di tích, cán bộ Bảo tàng tỉnh Gia Lai còn phát hiện 1 bàn mài bằng đá sa thạch dài 23 cm, rộng 7 cm, có vết mài lõm ở 2 mặt bên.
Liên hệ với các di tích công xưởng làng Hlang và một số di tích được khảo sát, khai quật khác, các nhà nghiên cứu nhận thấy: Ở Hlang tồn tại số lượng rất lớn mảnh tước, trong đó mảnh tước nhỏ chiếm đa số tạo thành các điểm chế tác công cụ với quy mô lớn, trải dài trên diện tích hơn 1 km2. Như vậy, Hlang là công xưởng, là trung tâm chế tác đá ở khu vực này. Tuy nhiên ở Hlang và các di tích đã khảo sát, khai quật chưa tìm thấy hạch đá có kích thước lớn, mật độ phân bố dày như ở Tpôn 2. 
Lý giải về nguyên liệu chế tác rìu đá Opal ở Gia Lai nói chung, Hlang nói riêng, một số nhà khảo cổ cho rằng người xưa đã sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ để chế tác công cụ. Tuy nhiên, việc phát hiện địa điểm Tpôn 2 giúp chúng ta có cở sở để nhận định: Có thể Tpôn 2 chính là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu bằng đá Opal cho công xưởng Hlang và một số di tích khác trên địa bàn Gia Lai. Sản phẩm sau đó có lẽ dùng trao đổi giữa các cộng đồng cư dân giai đoạn Đá mới trong khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên. 
Từ việc phát hiện nguồn nguyên liệu chế tác rìu đá Opal ở làng Tpôn 2, chúng ta có thêm cứ liệu đáng tin cậy để nghiên cứu về mối liên hệ của nó với các điểm di tích Hlang nói riêng, các di tích khác ở Gia Lai nói chung. Từ đó, làm cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo trong tương lai giúp làm rõ tính chất, niên đại và chủ nhân của các di tích này cũng như mối liên hệ với các nhóm di tích khác ở Tây Nguyên nói riêng, trên phạm vi cả nước nói chung.
Xuân Toản - Bá Tính - Triệu Thanh

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.