Đình cổ 300 năm bị bêtông hóa:Trách nhiệm cơ quan chức năng ở đâu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một ngôi đình có kiến trúc đẹp, gắn bó bao đời nay với người dân thôn Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) bị phá bỏ và được xây dựng mới bằng bêtông. Đáng nói, ngôi đình chỉ cách Ủy ban Nhân dân huyện khoảng 2km và cách Ủy ban Nhân dân xã chừng 1km nhưng chỉ khi di tích hạ giải xong huyện mới biết, còn xã biết nhưng không ngăn chặn kịp thời. Vấn đề đặt ra, trách nhiệm quản lý di tích của các cơ quan chức năng ở đâu khi di sản bị phá hoại nghiêm trọng?

Đình Lương Xá bị phá bỏ hoàn toàn, đang xây mới lại bằng bêtông. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)
Đình Lương Xá bị phá bỏ hoàn toàn, đang xây mới lại bằng bêtông. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)



Cái giá của sự buông lỏng quản lý

Đình Lương Xá chưa được xếp hạng di tích mà chỉ nằm trong danh mục kiểm kê di tích của thành phố Hà Nội nên theo phân cấp quản lý, đình được quản lý bởi Ủy ban Nhân dân xã Liên Bạt. Mọi hoạt động liên quan đến đình, nhất là vấn đề trùng tu, hơn ai hết, chính quyền xã Liên Bạt phải theo sát, nắm được mọi diễn biến xảy ra. Bởi trước đó, chính Ủy ban Nhân dân xã Liên Bạt là đơn vị chủ động làm văn bản đề nghị huyện Ứng Hòa cho phép tu bổ lại di tích. Nhưng khi người dân tiến hành hạ giải đình thì chính quyền xã Liên Bạt lại không ngăn chặn. Đó chính là sự thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức gìn giữ di sản văn hóa của cha ông.

Với góc độ quản lý di tích chung trên địa bàn thì Ủy ban Nhân dân huyện Ứng Hòa vẫn là địa phương chịu trách nhiệm chính, bởi huyện là cơ quan chịu trách nhiệm với thành phố Hà Nội trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn toàn huyện. Việc buông lỏng quản lý di tích khiến đình Lương Xá bị người dân phá bỏ đã được ông Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ứng Hòa Lương Ngọc Hoàng thừa nhận khi trả lời báo chí về trách nhiệm của cơ quan quản lý. Mặc dù, khoảng cách từ di tích đến Ủy ban Nhân dân huyện không xa, thậm chí chỉ cách quốc lộ 21B một cái hồ nhỏ, vị trí rất dễ quan sát nhưng từ khi người dân tiến hành hạ giải đến khi một công trình bê tông sừng sững dựng lên, huyện Ứng Hòa mới hay biết.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Đức Bình khẳng định để người dân hồ hởi bảo vệ giữ gìn đình làng mình, thực hiện đúng luật, là trách nhiệm của cán bộ quản lý văn hóa địa phương. Nếu cán bộ văn hóa ở địa phương có trình độ, luôn sâu sát với di tích thì chắc chắn đình Lương Xá không đến nỗi như hôm nay.

Đến nay, khi di tích cổ đình Lương Xá bị thay thế bởi công trình bê tông hóa, công tác quản lý di tích lại được xới lên. Đây không phải là vấn đề mới mà đã lặp lại nhiều lần ở các di tích khác. Đã từng có một chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ), đình Quang Húc (huyện Ba Vì), chùa Sổ, chùa Khúc Thủy (huyện Thanh Oai), chùa Hương (huyện Mỹ Đức)... trùng tu hoặc xây mới công trình làm biến dạng di tích. Dù địa phương và ngành văn hóa có vào cuộc để khắc phục nhưng không thể khôi phục nguyên bản các giá trị gốc. Di tích đó đành chấp nhận việc chắp vá khi “sự đã rồi”. Mỗi lần như vậy, công tác quản lý di tích lại được đặt ra song dường như ý thức người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn di tích chưa chuyển được nhiều, còn công tác quản lý của địa phương chưa có sự quan tâm thỏa đáng.

Cần xử lý mạnh tay với những người thiếu trách nhiệm

Từ việc thiếu trách nhiệm của những người liên quan để xảy ra sai phạm tại di tích đình Lương Xá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, cần phải kiểm tra làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân đứng ra làm công trình này. Một mặt, các cơ quan liên đới từ chính quyền xã, huyện về quản lý di tích cũng phải xem xét trách nhiệm.

Theo Phó Giáo sư, công tác quản lý di sản của chúng ta còn nhiều lỗ hổng, mặc dù đã phân cấp rõ ràng nhưng cần đi đôi với thanh kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Thực tế, việc xử phạt các vi phạm về quản lý di sản thời gian qua chưa nghiêm nên chưa đủ sức răn đe.

Với trách nhiệm của mình, Ủy ban Nhân dân huyện Ứng Hòa cho biết sẽ tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các tập thể, cá nhân có liên quan. Tuy vậy, mức độ xử lý cụ thể như nào chưa thấy huyện công bố.

Qua vụ việc vi phạm tại di tích đình Lương Xá, nhiều người cũng không tránh khỏi băn khoăn về công tác quản lý di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bởi đây là địa phương sở hữu di tích nhiều nhất cả nước, tới 5.928 di tích, trong đó 14 di tích được công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt, 1.164 di tích quốc gia, 1.325 di tích cấp thành phố. Ngoài Luật Di sản văn hóa cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn, các văn bản pháp luật khác, di tích Hà Nội còn chịu sự chi phối của Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Dù Luật Di sản văn hóa cũng như các văn bản dưới luật liên quan đến quản lý di sản được triển khai trong thực tế nhưng các vi phạm vẫn xảy ra.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, thời gian tới ngành văn hóa sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành ở địa phương, nhất là người dân ở cơ sở để mọi người hiểu được giá trị di sản văn hóa ở địa hương mình, từ đó khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ trong nhân dân. Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội cần được phổ biến rộng rãi để các cấp ngành địa phương và nhân dân ý thức mọi việc liên quan đến quản lý, bảo tồn, tu bổ đều phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, kể cả di tích được xếp hạng và di tích nằm trong danh mục được kiểm kê.

Đối với việc huy động các nguồn vốn khác nhau, đặc biệt nguồn vốn xã hội hóa, các địa phương, nhất là chính quyền xã, phường, thị trấn, thôn phải chú ý thực hiện đúng trình tự thủ tục, không thỏa hiệp với nhà tài trợ làm theo ý của họ. Các địa phương tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, đặc biệt là chính quyền các xã, phường, thị trấn. Ông Trương Minh Tiến cũng nêu quan điểm, sau sự việc này, đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã xử lý mạnh tay hơn đối với các trường hợp thiếu trách nhiệm để xảy ra các vi phạm, thậm chí kỷ luật, cách chức những người có trách nhiệm ở địa phương nhưng không làm hết trách nhiệm của mình. Có như vậy mới từng bước đưa công tác quản lý di tích tại Hà Nội vào nề nếp.

Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.