Khốn khổ vì khói bụi từ cơ sở xay xát cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo phản ánh của một số hộ dân làng Klah 2 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), khói bụi từ hoạt động sấy, xay xát cà phê của Công ty TNHH Khải Hưng Gia Lai, Công ty TNHH một thành viên Sơn Huyền Phát và cơ sở kinh doanh của bà Võ Thị Ái gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống hàng ngày.
Dân kêu trời vì khói bụi
Để ghi nhận thực tế, chúng tôi tìm đến nhà chị Siu H’Ngoái ở gần kho hàng của Công ty TNHH Khải Hưng Gia Lai. Chưa kịp rót nước mời khách, chị H’Ngoái bước vội vào phòng dỗ đứa con đang khóc nức nở. Lúc trở ra, chị ái ngại nói: “Anh thông cảm, con em đang bị ốm. Nhập viện quanh năm nên sinh ra cái tính nhõng nhẽo, hay đòi mẹ bế. Không riêng con em đâu, mấy đứa nhỏ quanh đây và người già thường xuyên nhập viện điều trị viêm đường hô hấp, viêm xoang. Nguyên nhân là do Công ty TNHH Khải Hưng Gia Lai, Công ty TNHH một thành viên Sơn Huyền Phát và nhà bà Võ Thị Ái liên tục sấy, xay xát cà phê gây ô nhiễm môi trường. Ban ngày, các cơ sở này ít hoạt động nhưng cứ đêm đến là đua nhau xả khói, bụi. Mỗi khi có gió thổi là cả vùng ngập trong khói, bụi. Khổ nhất là những hôm trời mưa, khói không thoát lên cao được, tạo thành một lớp dày như sương. Sau khi người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm đến lãnh đạo địa phương thì Công ty cử người đến tận nhà bảo thông cảm, đang tìm phương án khắc phục. Nói là vậy chứ nhiều năm nay có khắc phục được tí nào đâu”.
Cách nhà chị H’Ngoái mấy bước chân, nhà chị Puih H’Nghé cũng khốn đốn do khói, bụi. “Họ sấy, xay xát quanh năm nhưng nhiều nhất là từ đầu tháng 11 đến sau Tết. Khói bụi nghi ngút, chúng tôi phải nhúng khăn vào nước rồi đưa lên mũi cho dễ thở. Trước dịch Covid-19, mười mấy hộ trong làng bức xúc quá đã gửi đơn đến cơ quan chức năng yêu cầu các cơ sở này tìm biện pháp khắc phục. Sau đó, các ngành có đến kiểm tra, xử phạt. Tuy nhiên, tình hình cũng không khả quan hơn là bao. Cứ tối đến là khói, bụi bao trùm nơi này”-chị H’Nghé chia sẻ.
Chị Puih H'Nghé cho biết toàn bộ lá cà phê của mấy hộ dân ở gần kho của mấy công ty, cơ sở xay xát, sấy hạt cà phê đều bị bụi nhuộm đỏ. Ảnh: Nguyễn Tú
Lá cà phê của các hộ dân ở gần kho của công ty, cơ sở xay xát, sấy hạt cà phê đều bị bụi nhuộm đỏ. Ảnh: Nguyễn Tú
Hay tin có P.V đến tìm hiểu về ô nhiễm môi trường ở địa phương do hoạt động xay xát cà phê, nhiều người dân tìm đến cung cấp thông tin. Trong bộ quần áo lấm lem bụi đất, bà Kpuih Plui bức xúc nói: “Bữa trước, mấy đứa cháu ở xã Chư Á (TP. Pleiku) lên giúp hái cà phê. Chừng 8 giờ tối thì chúng nó nằng nặc đòi về, nói sáng mai chạy lên sớm vì lò sấy cà phê xả khói nhiều quá, không thở được. Hôm sau, chúng nó gọi điện báo không lên làm nữa vì sợ hít khói, bụi. Chẳng còn cách nào khác, vợ chồng già phải kéo bạt hái. Người tôi lấm bẩn thế này là do bụi từ các cơ sở xay hạt cà phê”.
Để minh chứng, bà Plui dẫn chúng tôi “mục sở thị” vườn cà phê ở gần kho hàng của Công ty TNHH Khải Hưng Gia Lai. Theo quan sát, trên lá cây cà phê, cây chuối bị phủ bởi một lớp bụi dày. Khi gió thổi, khói xộc thẳng vào mũi. “Khói là từ kho của bà Ái cách đây khoảng vài trăm mét. Dạo trước, đứa cháu bị bệnh hoài không khỏi, tôi cõng cháu đến tận Công ty để họ biết nhưng đến nơi này thì họ đổ lỗi cho nơi khác. Mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý”-bà Plui nói.
Sẽ kiểm tra, xử lý
Để có thông tin khách quan, P.V đã liên hệ với đại diện của công ty, cơ sở xay xát cà phê bị người dân làng Klah 2 phản ánh gây ô nhiễm môi trường. Ông Hồ Anh Khải-Giám đốc Công ty TNHH Khải Hưng Gia Lai-khẳng định: Thời điểm hiện tại, tại kho của Công ty không hoạt động sấy, xay xát cà phê. Còn bà Võ Thị Ái thì cho rằng: Trong quá trình xay xát cà phê, gia đình đã che kín xung quanh và nhà bà xa làng nên không thể có chuyện khói, bụi bay xuống đến đó.
Bụi chuối ở gần kho hàng của Công ty TNHH Khải Hưng Gia Lai bị phủ một lớp bụi dày. Ảnh: Nguyễn Tú
Bụi chuối ở gần kho hàng của Công ty TNHH Khải Hưng Gia Lai bị phủ một lớp bụi dày. Ảnh: Nguyễn Tú
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Lương Minh Điệp-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dêr-thông tin: “Trên địa bàn xã có 5 công ty, cơ sở thu mua, xay xát và sấy cà phê. Từ nhiều năm qua, người dân làng Klah 2 đã phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sấy, xay xát cà phê. Năm 2019, UBND xã phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) kiểm tra, xử phạt Công ty TNHH Khải Hưng Gia Lai 5 triệu đồng. Riêng năm nay, xã chưa tiếp nhận phản ánh nào từ các hộ dân làng Klah 2. Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng 11-2022, chúng tôi đã thành lập 1 đoàn kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở đảm bảo môi trường khi sấy, xay xát cà phê, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tới đây, chúng tôi sẽ thành lập thêm 1 đoàn kiểm tra, xác minh thông tin ô nhiễm và có hình thức xử lý theo đúng quy định”.
Trong khi đó, ông Tài Văn Trung-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai-cho biết: “Chúng tôi sẽ trao đổi với UBND xã Ia Dêr để nắm thông tin ban đầu về việc người dân phản ánh và phối hợp thành lập đoàn kiểm tra, xử lý nếu phát hiện sai phạm”.
NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm

"Đặc sản" kiến vàng của người Jrai

"Đặc sản" kiến vàng của người Jrai

(GLO)-Kiến vàng là món ăn yêu thích và có từ lâu đời trong văn hóa ẩm thực của người Jrai sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Để tìm bắt loại sản vật này, người dân phải mất nhiều thời gian và phải chịu được cảm giác đau khi bị kiến đốt.
Bánh tráng: Món ăn dân dã

Bánh tráng: Món ăn dân dã

(GLO)- Ngày nay, hầu như nhà nào cũng có vài ràng bánh tráng gạo dự trữ trong nhà. Đó là món bánh tiện dụng, dễ dùng, chỉ cần nhúng qua nước sạch để một lát là có ngay một thức ăn nhanh, ngon. Bánh tráng ăn thay cơm hoặc nướng lên ăn cho vui khi lai rai vài chén cùng bạn bè.
Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(GLO)- Ngày 15-4, Ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” với chủ đề “Điện Biên Phủ và đường Hồ Chí Minh-Ý chí, trí tuệ Việt Nam” đã thông báo danh sách thí sinh đạt giải tại kỳ thi thứ 6.
Bàn giao 2 công trình giếng khoan và tặng quà cho người nghèo tại huyện Phú Thiện, Chư Sê

Bàn giao 2 công trình giếng khoan và tặng quà cho người nghèo tại huyện Phú Thiện, Chư Sê

(GLO)- Ngày 11-4, Ban Thường trực Giáo hội Phật giáo huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cùng Nhóm Thiện nguyện tỉnh An Giang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Thiện, Chư Sê tổ chức khánh thành công trình giếng khoan cho các trường học và tặng quà cho người nghèo, học sinh khó khăn trên địa bàn.