Giúp người nghèo Gia Lai tiếp cận thông tin thiết yếu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững, những năm qua, Gia Lai đã tăng cường thông tin phục vụ công tác giảm nghèo, nhất là tại các xã đặc biệt khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Lê Trọng Đoàn-Chủ tịch UBND xã A Dơk (huyện Đak Đoa) cho biết: A Dơk là xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 34,36%. Những năm qua, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức và hỗ trợ hộ nghèo vươn lên. Các hội, đoàn thể của xã triển khai nhiều mô hình hiệu quả, nhất là hướng dẫn người nghèo tiếp cận các thông tin thiết yếu thông qua nghe đài, xem ti vi, sách báo, YouTube… để học hỏi các mô hình hay về phát triển kinh tế.
2 năm qua, nhờ tiếp cận thông tin mô hình làm ăn hiệu quả trên sách báo, cuộc sống gia đình của 19 thành viên trong Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi làng Biăh (xã A Dơk) ngày một ổn định. Tại các buổi sinh hoạt vào ngày 15 hàng tháng, các thành viên cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi phù hợp, hiệu quả để cùng phát triển kinh tế. Các thành viên còn đóng góp xây dựng quỹ để giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Anh Veih-Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp làng Biăh-cho biết: “Trong các buổi sinh hoạt, qua các kênh thông tin, thành viên nắm bắt mô hình hay thường đưa ra để tất cả cùng thảo luận, học hỏi. Sau đó, lựa chọn mô hình phù hợp với địa phương để cùng bàn bạc áp dụng vào thực tiễn sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo”. Còn anh Đăi (làng Biăh) thì chia sẻ: “Mình học theo mô hình nuôi heo sọc dưa và đã áp dụng thành công, mang lại giá trị kinh tế khá. Chăn nuôi giúp cải thiện thu nhập nên cuối năm 2021, gia đình mình đã thoát nghèo”-anh Đăi vui mừng cho hay.
Cán bộ Hội Nông dân xã A Dơk (huyện Đak Đoa) hướng dẫn hội viên  mô hình kinh tế hiệu quả. Ảnh: Đinh Yến
Cán bộ Hội Nông dân xã A Dơk (huyện Đak Đoa) hướng dẫn hội viên mô hình kinh tế hiệu quả. Ảnh: Đinh Yến
Tương tự, tại xã Chư Gu (huyện Krông Pa), chị Lê Thị Gái-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Chư Gu là người đưa ra ý tưởng thành lập HTX, giúp các thành viên phát triển kinh tế gia đình. Chị Gái cho biết: “Cuối năm 2017, tôi đọc thông tin trên báo đài biết các chương trình Nhà nước hỗ trợ cho HTX như vay vốn sản xuất kinh doanh, đầu tư máy móc, phương tiện. Nhiều HTX nhờ đó tập hợp, phát triển thành viên rất tốt và làm ăn hiệu quả. Chư Gu có lợi thế phát triển cây điều, thuốc lá và thịt bò một nắng. Chính vì vậy, HTX đã thu mua hạt điều của các thành viên và nông dân về làm sản phẩm điều rang muối. Sản phẩm của HTX đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm khác của chúng tôi như thuốc lá nâu, thuốc lá vàng, muối mè đen, bò một nắng... cũng được nhiều khách hàng tin dùng”.  
Bình quân, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Chư Gu thu mua, tiêu thụ của các thành viên và người dân 150-200 tấn hạt điều thô; 100-150 tấn thuốc lá nguyên liệu/vụ. “Mỗi tấn hạt điều và thuốc lá nguyên liệu chúng tôi bán cho HTX thường cao hơn 10-15% so với thương lái thu mua”-bà Nguyễn Thị Hoa-thành viên HTX-chia sẻ.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 616/QĐ-UBND ngày 6-10-2022 về việc phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022. Các địa phương đã phân bổ nguồn vốn thực hiện Tiểu dự án 1 “Giảm nghèo về thông tin” thuộc Dự án 6 “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin”. Theo đó, Tiểu dự án đã được Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện với việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn tiếp cận thông tin, sử dụng dịch vụ viễn thông. Cùng với đó, tăng cường cung cấp thông tin về kiến thức, kỹ năng, mô hình, kinh nghiệm lao động sản xuất cho người dân sinh sống trên địa bàn các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại các xã đặc biệt khó khăn, tỉnh đã đầu tư điểm cung cấp thông tin công cộng phục vụ để hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ thông tin thiết yếu bắt nhịp với nhu cầu cuộc sống hiện nay.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Từ đầu năm đến nay, 15 huyện, thị xã, thành phố được đầu tư Tiểu dự án 1, với tổng số tiền trên 2,7 tỷ đồng. Các xã được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động đài truyền thanh xã và sản xuất mới các tác phẩm báo chí, các sản phẩm truyền thông khác. Qua đó, đã kịp thời hỗ trợ thông tin đến từng hộ gia đình qua đài truyền thanh của xã, kết nối đến các thôn, làng.
Trao đổi với P.V về nội dung này, ông Đinh Văn Súy-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-cho biết: Toàn huyện còn 10 xã đặc biệt khó khăn. Năm 2022, huyện được đầu tư nâng cấp, mở rộng 4 đài truyền thanh xã, tiếp âm đến tất cả thôn, làng. Nhờ hệ thống truyền thanh xã được nâng cấp, một ngày 3 lần (sáng, trưa, chiều) ngoài tiếp sóng chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, các đài xã còn cập nhật, hướng dẫn văn bản mới. Cùng với đó, tuyên truyền người dân tích cực nghe đài, xem ti vi, sử dụng YouTube để nắm bắt các mô hình kinh tế hay, hiệu quả áp dụng vào sản xuất và đời sống. Từ đó, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo đa chiều.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
 Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

(GLO)- Chiều 22-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội LHPN xã Phú An và Câu lạc bộ tấm lòng vàng thị xã An Khê thực hiện phần việc “trách nhiệm với cộng đồng” và phát động cuộc thi “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.