Phụ nữ phường Trà Bá giúp nhau phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, nhiều chi hội phụ nữ ở phường Trà Bá (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã có những cách làm hay, phù hợp nhằm giúp hội viên tự tin, vươn lên trong cuộc sống.

4 năm trước, gia đình chị Nguyễn Thị Thương (tổ dân phố 3) mở quán bán phở nhưng lại thiếu vốn. Chị làm đơn xin vay từ quỹ tiết kiệm của Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 3. Đây là quỹ do hội viên phụ nữ đóng góp với số tiền 100 ngàn đồng/người/năm và đóng đến khi nào đủ 1 triệu đồng/hội viên thì tạm thời dừng lại. “Nhận 10 triệu đồng, tôi mua vật dụng, nguyên liệu còn thiếu để mở quán. 2 năm sau, đến kỳ đáo hạn, tôi hoàn trả, sau đó vay lại. Đến tháng 6-2022, tôi trả hết vốn, quán bán cũng tạm ổn”-chị Thương cho hay.

 Chị HBun (bìa phải, làng Khưn, phường Trà Bá, TP. Pleiku) dự định dùng số tiền tiết kiệm để đầu tư làm hệ thống hầm biogas. Ảnh: Anh Huy
Chị H'Bun (bìa phải, làng Khưn, phường Trà Bá, TP. Pleiku) dự định dùng số tiền tiết kiệm để đầu tư làm hệ thống hầm biogas. Ảnh: Anh Huy


Theo bà Mai Thị Sỹ (cùng tổ dân phố 3), nhờ nguồn vốn vay từ quỹ tiết kiệm phụ nữ của Chi hội mà nhiều hội viên tránh được bẫy “tín dụng đen”. “Lần đầu tiên tôi vay 10 triệu đồng để sửa nhà và đã hoàn trả. Mới đây, tôi xin vay lại 10 triệu đồng để có vốn thu mua phế liệu. Chỉ cần làm đơn, có xác định của tổ dân phố, 2 ngày sau là quỹ giải ngân cho vay. Đến hạn trả, nếu hội viên còn khó khăn, có nhu cầu vay lại đều được tạo điều kiện. Vì vậy, chị em rất yên tâm”-bà Sỹ bày tỏ.

Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 3 có 145 hội viên và nguồn quỹ tiết kiệm đang duy trì là 132 triệu đồng. Bà Trần Thị Tuyết-Chi hội trưởng-cho hay: “Chi hội không còn hộ hội viên nghèo. Vì vậy, mục đích của nguồn vốn là giải quyết khó khăn trước mắt cho chị em. Nhiều năm qua, nguồn quỹ này đã giải quyết cho 32 lượt hội viên phụ nữ vay. Ngoài ra, Chi hội còn duy trì 3 nhóm tiết kiệm xoay vòng với 39 thành viên, trong đó, 1 nhóm tiết kiệm 3 triệu đồng/tháng/người và 2 nhóm tiết kiệm 1 triệu đồng/tháng/người. Các nhóm tiết kiệm trên tinh thần tự nguyện giúp đỡ lẫn nhau không tính lãi suất”.

Hội Liên hiệp phụ nữ phường Trà Bá hiện có 2.050 hội viên, trong đó 875 hội viên dân tộc thiểu số, tập trung ở 3 làng: Ngó, Ngol, Khưn. Căn cứ vào tình hình thực tế và nguyện vọng của hội viên, mỗi chi hội đều phát động các hình thức tiết kiệm phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực. Tại làng Ngó, việc duy trì 8 nhóm “Phụ nữ tiết kiệm lúa theo mùa” đã giúp nhiều hội viên phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hình thành thói quen tiết kiệm và quản lý trong chi tiêu. Chị H'Sem-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Ngó-thông tin: “Khi phát động phong trào tiết kiệm, 8 nhóm (mỗi nhóm 10-20 thành viên) thực hành tiết kiệm lúa 2 lần trong năm. Hộ có diện tích canh tác lớn, thu hoạch nhiều thì góp 5-6 bao; hộ ít hơn thì góp 1-2 bao (60 kg/bao). Các thành viên trong nhóm bàn bạc, thống nhất giải quyết cho những chị có hoàn cảnh khó khăn hoặc có nhu cầu cấp thiết được hỗ trợ lúa trước”.

Chi hội Phụ nữ làng Khưn thì duy trì Câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng” với 20 thành viên, chia làm 2 nhóm. Mỗi năm, các thành viên tiết kiệm 10 triệu đồng, chia làm 2 đợt và giải quyết cho 2 thành viên vay. Chị H'Bun-Chi hội trưởng kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ-chia sẻ: “Nhờ tham gia mô hình tiết kiệm, nhiều chị em mua được xe máy, vật dụng phục vụ sinh hoạt gia đình. Có chị tiết kiệm đủ tiền để tổ chức đám cưới cho con mà không phải vay mượn thêm”. Sau khi nhường cho các thành viên trong nhóm vay trước, cuối năm 2022 đến lượt gia đình chị H'Bun vay số tiền tiết kiệm 50 triệu đồng. “Nhà tôi nuôi 3 con heo nái, bình quân mỗi lứa heo sinh sản 20-25 con. Tôi dự tính dùng số tiền tiết kiệm đầu tư làm hệ thống hầm biogas, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm ô nhiễm môi trường”-chị H'Bun tâm sự.

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Phương Thu-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Trà Bá-cho biết: “Khi tham gia các mô hình tiết kiệm, hội viên phụ nữ gần gũi và giúp nhau cùng vươn lên trong cuộc sống. Hội viên dân tộc thiểu số thì hình thành thói quen tiết kiệm, quản lý chi tiêu; chủ động cải tạo vườn tạp, di dời chuồng trại, làm nhà tắm và nhà tiêu hợp vệ sinh... Hiện toàn phường còn 5 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ. Hội phấn đấu giảm 1 hộ nghèo ở làng Khưn trong năm nay”.

 

 ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
 Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

(GLO)- Chiều 22-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội LHPN xã Phú An và Câu lạc bộ tấm lòng vàng thị xã An Khê thực hiện phần việc “trách nhiệm với cộng đồng” và phát động cuộc thi “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.