Ayun Pa: Nan giải bài toán bảo hiểm y tế toàn dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tính đến đầu tháng 9-2022, thị xã Ayun Pa có 25.159 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), chiếm 60,55% tổng dân số, xếp thứ 16/16 huyện, thị xã trong tỉnh Gia Lai. Vấn đề xã hội hóa, tiến tới bao phủ BHYT toàn dân đang là bài toán nan giải, đòi hỏi sự vào cuộc của các ban ngành, chính quyền địa phương.

Bài toán nan giải

Là địa phương có tỷ lệ người dân tham gia BHYT cao nhất trong 4 xã trên địa bàn thị xã Ayun Pa nhưng đến thời điểm hiện tại, Ia Sao mới có 1.824 người tham gia BHYT, chiếm 40,5% dân số. Theo bà Nguyễn Thị Tánh-Phó Chủ tịch UBND xã, trước đây, Ia Sao là xã vùng II, người dân được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí. Nhưng sau khi Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, xã thuộc khu vực I, chỉ có hộ nghèo, cận nghèo và hộ dân làm nông-lâm-ngư nghiệp có mức sống trung bình là được hỗ trợ. Đây là nguyên nhân chính kéo tỷ lệ tham gia BHYT của xã xuống thấp. Bên cạnh đó, xã Ia Sao có 4 thôn đồng bào dân tộc thiểu số, người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Những năm gần đây, thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến sản xuất, giá nông sản thì bấp bênh dẫn đến thu nhập thấp, không ổn định, nhiều gia đình đông con nên việc trích kinh phí mua BHYT cho tất cả thành viên gặp  khó khăn.

Chị Nay H'Sina (buôn Hoang 1, xã Ia Sao) chia sẻ: Gia đình chị có 3 người. Nếu mua BHYT cho cả nhà sẽ hết khoảng 1,8 triệu đồng/năm. Đây là số tiền khá lớn. Do mang thai tháng thứ 7 nên gia đình quyết định mua BHYT cho chị trước. “Mặc dù cũng muốn mua BHYT cho cả nhà nhưng vì điều kiện gia đình còn khó khăn nên chỉ có thể mua BHYT cho tôi trước để được hỗ trợ kinh phí khi nằm viện mổ đẻ. Khi con lớn, tôi sẽ dành dụm tiền mua BHYT cho cả nhà”-chị H'Sina bộc bạch.

  Anh Nguyễn Chí Hữu (bìa phải, Đại lý BHYT xã Ia Sao) tuyên truyền cho người dân về quyền lợi khi tham gia BHYT. Ảnh: Vũ Chi
Anh Nguyễn Chí Hữu (bìa phải, Đại lý BHYT xã Ia Sao) tuyên truyền cho người dân về quyền lợi khi tham gia BHYT. Ảnh: Vũ Chi


Tương tự, Ia Rtô là xã có tỷ lệ người dân tham gia BHYT thấp nhất trong 4 xã với trên 30%. Chủ tịch UBND xã Lê Ngọc Long cho hay: Do trước đây được Nhà nước cấp miễn phí BHYT nên nhiều người có tâm lý trông chờ, ỷ lại. Mặc dù đã được giải thích rõ ràng về chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc huy động xã hội hóa BHYT toàn dân nhưng bà con vẫn mong được Nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT.

Một trong những đối tượng liên quan trực tiếp đến tỷ lệ người dân tham gia BHYT tại thị xã Ayun Pa là học sinh. Điển hình như Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Viết Xuân (xã Ia Rtô) mới đạt 83,26%; Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (xã Ia Sao) 83,41%; Trường Tiểu học Kim Đồng (phường Sông Bờ) 73,2%; Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (xã Ia Rbol) 70,5%.

Triển khai các biện pháp cấp bách

Nhằm nâng cao tỷ lệ người tham gia BHYT, công tác truyền thông luôn giữ vai trò quan trọng. Theo anh Nguyễn Chí Hữu (Đại lý BHYT xã Ia Sao) nêu ý kiến: Các ngành, các cấp cần tuyên truyền để người dân hiểu về tính ưu việt của BHYT. Nếu tính tổng số tiền mua BHYT cho gia đình 4 người sẽ thấy lớn. Nhưng nếu chia nhỏ, mỗi gia đình chỉ cần tiết kiệm 6.000 đồng/ngày. Khi chưa có đủ kinh phí thì có thể tham gia BHYT theo phương thức đóng 3 tháng, 6 tháng… để đảm bảo quyền lợi.

Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Hợp-Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) thị xã Ayun Pa-thông tin: Nhằm từng bước thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân mà trước mắt là đạt chỉ tiêu 74% do BHXH tỉnh giao, thời gian tới, chúng tôi chú trọng truyền thông sâu rộng về ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chính sách BHYT, nhất là BHYT hộ gia đình; truyền thông về quyền lợi của người dân khi khám-chữa bệnh bằng BHYT. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với ngành Y tế nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, đem lại sự hài lòng của người bệnh khi khám-chữa bệnh bằng BHYT; phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo để nâng cao tỷ lệ học sinh tham gia BHYT, coi đây là tiêu chí đánh giá xếp loại thi đua hàng năm của các đơn vị trường học.

 

 NGUYÊN HƯƠNG

 

Có thể bạn quan tâm

Nhớ rận rồng ruộng lúa

Nhớ rận rồng ruộng lúa

(GLO)- Người Bắc từ xa xưa đã có sở thích ăn con cà cuống giống như là việc sử dụng giống thủy sinh chân đốt cua đồng, tôm tép làm món ăn vậy. Mà cà cuống lại được gọi với cái tên rất ảo diệu, là con “rận rồng”.

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
 Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

(GLO)- Chiều 22-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội LHPN xã Phú An và Câu lạc bộ tấm lòng vàng thị xã An Khê thực hiện phần việc “trách nhiệm với cộng đồng” và phát động cuộc thi “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.