Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ ngày 7 đến 10-8, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có mưa lớn khiến nhiều nhà dân bị ngập, hàng ngàn héc ta cây trồng bị ngập, ngã đổ và một số tuyến kênh mương, đường bị sạt lở. Hiện chính quyền các địa phương và người dân đang khẩn trương khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống.

Nhiều diện tích cây trồng ngập úng chưa thể khắc phục

Ia Pa là một trong những địa phương có diện tích cây trồng bị thiệt hại nhiều nhất tỉnh trong đợt mưa lũ lần này. Cụ thể, toàn huyện có 381 ha lúa đang trổ bông, 26 ha mì, 95 ha bắp và gần 10 ha cây trồng khác bị ngập úng, ngã đổ. Hiện nay, mưa trên địa bàn đã tạnh nhưng nước ngập tại các cánh đồng vẫn chưa rút. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho người dân trong việc khắc phục thiệt hại. Ông Ksor Viên (thôn H'Lil 1, xã Ia Ma Rơn) cho hay: “Tôi có gần 2 ha lúa đang trổ bông thì bị ngập, ngã đổ gần hết. Giờ nước vẫn mênh mông trắng cả cánh đồng. Chắc phải chờ nước rút mới có thể huy động nhân công ra dựng lại những cây ngã đổ, được ít nào hay ít đó”.

 Người dân huyện Phú Thiện khơi thông dòng chảy tránh ngập úng. Ảnh: Nguyễn Diệp
Người dân huyện Phú Thiện khơi thông dòng chảy tránh ngập úng. Ảnh: Nguyễn Diệp


Bà Lê Thị Thảo-công chức Địa chính-Nông nghiệp xã Ia Ma Rơn-cho biết: “Qua rà soát sơ bộ, trên địa bàn xã có hơn 40 ha cây trồng bị ngập úng, trong đó nhiều nhất là cây lúa. Ngay khi mưa vừa ngớt, nhiều hộ dân đã ra đồng kiểm tra ruộng lúa và tìm cách khắc phục. Nước ngập toàn bộ cánh đồng, ngập cao hơn kênh mương nên cũng không có giải pháp gì để cứu lúa. Do đó, chúng tôi chỉ cố gắng động viên người dân khắc phục trước đối với những ruộng ngập ít; khi nước rút khẩn trương khắc phục diện tích còn lại để cứu cây trồng, giảm thiểu thiệt hại. Hiện UBND xã đang phối hợp với các thôn, buôn thống kê cụ thể diện tích bị thiệt hại để báo cáo huyện”.

Tại huyện Phú Thiện, theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 445 ha cây trồng ở các xã Ia Hiao, Chrôh Pơnan, Ia Peng, Ia Yeng và Ia Sol bị ngập; trong đó có 315 ha lúa, 120 ha bắp, 5 ha rau ngót... Ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Hiện tại, nhiều diện tích cây trồng của người dân còn ngập trong nước nên chưa xác định được mức độ thiệt hại. Mưa đã tạnh, nước đang rút dần, UBND các xã có diện tích cây trồng bị ngập đang huy động lực lượng dân quân tự vệ cùng với người dân khơi thông cống rãnh ở các vùng trũng thấp để nước thoát nhanh hơn. Đồng thời, huyện đã đề nghị Chi nhánh Thủy lợi đầu mối hồ Ayun Hạ (Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai) điều tiết giảm lượng nước trên kênh chính để bà con sản xuất ở các vùng trũng tập trung khơi thông thoát nước trong ruộng lúa nhằm giảm thiệt hại. Hy vọng trong những ngày tới, thời tiết thuận lợi, nước rút nhanh thì cây lúa sẽ phát triển bình thường trở lại.

Còn tại huyện Chư Pưh, theo ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT: Qua thống kê sơ bộ, toàn huyện có 79,8 ha lúa nước, 16,7 ha bắp và 25 ha mì bị ngập úng, ngã đổ và 3 con bò bị chết, gây thiệt hại nặng cho người dân. Hiện tại, người dân đang khẩn trương khơi thông dòng chảy và dựng lại những diện tích cây trồng bị ngã đổ để giảm thiệt hại.

Liên quan đến tình hình thiệt hại do mưa lũ, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ayun Pa Nguyễn Thanh Quang thông tin: Toàn thị xã có 71,1 ha cây trồng bị ngập. Hiện nước tại các cánh đồng rút chậm nên trước mắt, Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường tăng cường công tác hướng dẫn, động viên người dân chủ động ruộng rút nước đến đâu khắc phục đến đó để cứu cây trồng.

Giúp dân sớm ổn định cuộc sống

Mưa lớn trong những ngày vừa qua đã làm 125 nhà dân trên địa bàn các xã: Ia Lâu, Ia Piơr (huyện Chư Prông) bị ngập từ 20 cm trở lên, có 24 hộ phải sơ tán. Bên cạnh đó, mưa lũ còn cô lập hoàn toàn làng Đút (xã Ia Lâu) và làm khoảng 368 ha hoa màu bị ngập. Ông Bùi Văn Tiến-Chủ tịch UBND xã Ia Piơr-cho biết: Đến thời điểm này, nước đã rút, người dân bắt đầu đi lại, sinh hoạt bình thường nhưng thiệt hại về mùa màng, nhà cửa và hạ tầng giao thông là rất lớn. Theo ông Tiến, UBND xã đã thành lập 2 đoàn đi đánh giá cụ thể thiệt hại của người dân. Đối với những hộ khó khăn, xã sẽ trích nguồn kinh phí dự phòng hỗ trợ nhu yếu phẩm. Đồng thời, huy động lực lượng Công an, dân quân, Mặt trận và các đoàn thể phối hợp với các thôn, làng để hỗ trợ người dân vận chuyển tài sản về lại nhà; giúp nhau dọn dẹp vệ sinh nhà cửa. Với phương châm “4 tại chỗ”, nước rút đến đâu, xã sẽ giúp người dân khắc phục đến đó nhằm ổn định cuộc sống; kiên quyết không để hộ nào thiếu ăn, không có chỗ ngủ. Ngoài ra, xã đã chỉ đạo Trạm Y tế chuẩn bị thuốc khử trùng để tiến hành vệ sinh môi trường tại các nơi bị ngập úng.

Lực lượng chức năng xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi an toàn. Ảnh: Lê Nam
Lực lượng chức năng xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi an toàn. Ảnh: Lê Nam


Còn tại xã Ia Lâu, ông Hoàng Văn Long-Phó Chủ tịch UBND xã-cho hay: Ngay sau khi xảy ra ngập úng cục bộ một số nhà dân, xã đã huy động lực lượng khẩn trương giúp bà con di dời tài sản nhằm tránh thiệt hại. Hiện nước đã rút nhiều, người dân đang tiến hành dọn dẹp nhà cửa và khắc phục tạm thời. Riêng đối với làng Đút, do đường vào làng phải qua ngầm tràn nhưng nước còn lớn nên người dân phải đi lại theo đường vòng xa hơn, khó khăn hơn. Tuy nhiên, nguồn lương thực, thực phẩm trong làng vẫn đảm bảo cho người dân sinh hoạt. Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã phân công các thành viên, cán bộ, công chức xã phụ trách các thôn, làng tuyên truyền, vận động người dân chủ động dọn dẹp, sửa sang lại nhà cửa; đồng thời, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh dịch bệnh sau lũ.

Tại xã Ia Le (huyện Chư Pưh), mưa lớn kéo dài đã làm các ngầm tràn và một số điểm tại đường chính vào 2 thôn Ia Jol, Ia Brêl bị ngập, sạt lở ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Trực tiếp đến kiểm tra tình hình và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại đây, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh Lê Quang Thái cho hay: Đây là tuyến đường giao thông huyết mạch để người dân 2 thôn đi lại và vận chuyển nông sản. Trước mắt, huyện yêu cầu các ngành kiểm tra, đề xuất UBND huyện xuất ngân sách dự phòng chờ khi ngớt mưa, nước rút sẽ khắc phục bằng phương án kè rọ đá, bổ sung đất đá vào những chỗ xói lở để giữ lại phần mái thượng lưu giúp bà con lưu thông, vận chuyển hàng hóa kịp thời. Sau khi thời tiết ổn định, các đơn vị sẽ tiến hành lu lèn, sửa chữa, đổ bê tông phần mặt đường và mái taluy đã hư hỏng.

Trao đổi với P.V, ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Hiện nay, Sở đang đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra; chủ động xuất ngân sách địa phương để ứng phó, khắc phục thiệt hại; đồng thời, khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị hỗ trợ thiệt hại theo quy định. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương cần hướng dẫn người dân thu hoạch nhanh những diện tích rau màu đến kỳ thu hoạch; tổ chức khơi thông cống rãnh, các dòng chảy để hạn chế tình trạng ngập úng; huy động mọi lực lượng, phương tiện trên địa bàn để giúp người dân khắc phục thiệt hại, dựng lại nhà cửa, cây cối, vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất; tuyệt đối không để cho người dân vớt củi, đi lại ở các vùng nguy hiểm; khẩn trương sửa chữa, phục hồi lại các cơ sở hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, đảm bảo thông suốt, an toàn. Ngoài ra, các địa phương cần khẩn trương kiểm tra các công trình cơ sở hạ tầng, đánh giá thiệt hại và lập kế hoạch, triển khai các biện pháp khắc phục khẩn cấp, lâu dài.

 

LÊ NAM - NGUYỄN HỒNG

 

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

(GLO)- Năm 2006, Binh đoàn 15 bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh và hộ công nhân người dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.
Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

(GLO)- Dân gian Việt Nam từ xa xưa lưu truyền bài ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.

Khởi sắc Bar Măih

Khởi sắc Bar Măih

(GLO)- Từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo xã Bar Măih (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc.