Ia Pa: Nơm nớp nỗi lo sạt lở đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi khi mùa mưa lũ đến, nhiều hộ dân huyện Ia Pa sống ở ven bờ sông Ba lại nơm nớp nỗi lo sạt lở đất. Trước tình hình này, huyện đã xây dựng các kế hoạch phòng-chống sạt lở đất nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư của địa phương có hạn nên người dân vẫn chưa thể yên tâm.
Sạt lở ngày càng nghiêm trọng
Nhà nằm gần với bờ sông Ba nên mỗi lần đến mùa mưa lũ, gia đình bà Trần Thị Hồng Nga (thôn Đak Chă, xã Ia Ma Rơn) lại thấp thỏm lo sạt lở đất đe dọa tới tính mạng. Bà cho biết, gia đình sống tại đây đã gần 10 năm. Trước đây, nhà cách bờ sông khoảng gần 20 m nhưng do sạt lở nên giờ chỉ cách hơn 5 m. Đã vậy, 2 sào đất sản xuất của gia đình nằm gần bờ sông cũng bị sạt lở hết. “Mất đất sản xuất đã đành nhưng sạt lở đất hàng năm vẫn diễn biến phức tạp khiến chúng tôi lo căn nhà sẽ bị đổ sập bất cứ lúc nào. Lo lắm nhưng vì hoàn cảnh gia đình nghèo, chúng tôi chỉ mong Nhà nước sớm có giải pháp xử lý tình trạng sạt lở đất để ổn định đời sống và sinh hoạt”-bà Nga buồn rầu nói.
Tương tự, nhà cách bờ sông Ba gần 30 m, mỗi lần mùa mưa tới, gia đình ông Phan Ngọc Hoan (cùng thôn) cũng nơm nớp lo sạt lở đất. Ông Hoan cho biết: “Tuy mỗi năm phần đất ven sông Ba chỉ sạt lở từ 1 đến vài mét nhưng nếu không có biện pháp ngăn chặn thì chỉ ít năm nữa sẽ sạt lở sâu vào khu dân cư, đe dọa tính mạng của người dân. Trong khi đó, chúng tôi đều làm nông, hoàn cảnh khó khăn nên không đủ kinh phí để mua đất, cất nhà ở nơi khác. Mong Nhà nước quan tâm xây dựng bờ kè để ngăn chặn tình trạng sạt lở giúp chúng tôi yên tâm sản xuất và sinh sống”.
Bờ sông Ba đoạn qua huyện Ia Pa mỗi mùa mưa lũ tới lại bị xâm lấn một ít. Ảnh: Nhật Hào
Bờ sông Ba đoạn qua huyện Ia Pa mỗi mùa mưa lũ tới lại bị xâm lấn một ít. Ảnh: Nhật Hào
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Nhật-Chủ tịch UBND xã Ia Ma Rơn-thông tin: Những năm gần đây, mỗi lần trời mưa, bờ sông Ba đều bị sạt lở. Trong đó, đoạn đi qua thôn Đak Chă bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng khoảng 0,5 km chiều dài dọc bờ sông, gây ảnh hưởng tới đất sản xuất cũng như đe dọa tính mạng người dân. Xã đã thông báo, cắm biển báo và hàng năm cứ tới mùa mưa lũ đều khoanh vùng các vị trí có nguy cơ sạt lở để ngăn không cho người và phương tiện ra vào; đồng thời, bố trí lực lượng trực theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở đất để kịp thời ứng phó. Xã cũng đã kiến nghị nhưng đến nay cấp trên vẫn chưa hỗ trợ kinh phí xây dựng bờ kè.
Tại xã Chư Răng, tình trạng sạt lở đất cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân và đe dọa tuyến đường giao thông trọng yếu. Đặc biệt, dọc bờ suối Ia Pi Hiao (đoạn qua thôn Đoàn Kết) có khoảng 500 m bị xói lở tạo nên nhiều vùng xoáy sát bờ, chiều sâu xói lở 8-10 m tính từ bờ sông xuống. Có đoạn, bờ suối bị xói mòn chỉ cách đường Trường Sơn Đông khoảng hơn 1 m và ép sát tường nhà bếp, nhà tắm của một số hộ dân. Ông Nguyễn Trọng Tú-Chủ tịch UBND xã Chư Răng-cho hay: Tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra nhiều năm nay và mỗi năm xâm lấn sâu vào khoảng hơn 1 m, không chỉ đe dọa tới tính mạng người dân mà còn gây hư hỏng đường Trường Sơn Đông và trạm bơm nước đặt tại đây. Xã đã đặt biển cảnh báo và đề xuất huyện hỗ trợ đất ở và kinh phí cho 22 hộ di dời về làng tái định cư. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn 6 hộ chưa di dời.
Xây dựng kế hoạch ứng phó
Theo ông Trần Đình Đức-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa: Đoạn sông Ba chảy qua địa bàn huyện có chiều dài khoảng hơn 50 km, khi gặp một số phụ lưu như sông Ayun (tại địa phận xã Ia Trok) và một số sông, suối nhỏ nhưng có độ dốc lớn (sông Ia Thul, suối Ia Pi Hiao) thì lưu lượng dòng chảy trở nên rất lớn. Đây là nguyên nhân gây ra lũ trực tiếp và tạo ra sạt lở vào mùa mưa với mức độ xâm thực 1-5 m/năm. Huyện có 18 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 17,33 km, trong đó, có 1 km sạt lở với mức độ đặc biệt nguy hiểm (đoạn chân cầu sông Ba thuộc thôn Đak Chă, xã Ia Ma Rơn và khu dân cư thôn Đoàn Kết, xã Chư Răng); 9 km sạt lở nguy hiểm và khoảng 7,95 km sạt lở bình thường.
Bờ suối Ia Pi Hiao-đoạn qua thôn Đoàn Kết (xã Chư Răng) đã sạt lở vào tận nhà dân. Ảnh: Nhật Hào
Bờ suối Ia Pi Hiao-đoạn qua thôn Đoàn Kết (xã Chư Răng) đã sạt lở vào tận nhà dân. Ảnh: Nhật Hào
Trước tình hình này, huyện Ia Pa đã chỉ đạo phòng, ban liên quan và UBND các xã tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong phòng ngừa và xử lý sạt lở đất, đặc biệt là trồng tre và các loại cây có bộ rễ nhiều và dài để hạn chế sạt lở; cắm biển cảnh báo cho người dân và phương tiện giao thông qua lại biết về tình trạng sạt lở, khu vực và mức độ sạt lở để phòng ngừa hoặc di dời đến nơi ở mới theo kế hoạch của địa phương; bố trí cán bộ theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, diễn biến sạt lở và khoanh vùng ngăn không cho người dân vào khu vực sạt lở bờ sông khi mùa mưa lũ tới. Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch làm kè chống sạt lở đối với các vị trí đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm; đề xuất Trung ương hỗ trợ và triển khai ổn định dân cư cho hơn 300 hộ. Đến nay, huyện đã bố trí cho hơn 100 hộ về khu tái định cư.
Tuy nhiên, theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa, về lâu dài, tình trạng sạt lở đất sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, không chỉ gây mất đất sản xuất, ảnh hưởng tới đời sống của người dân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hạ tầng giao thông. “Do kinh phí xây dựng bờ kè rất lớn nên huyện mong tỉnh và Trung ương có phương án hỗ trợ kinh phí kịp thời để sớm xây dựng bờ kè nhằm hạn chế tình trạng sạt lở cũng như tạo sự yên tâm cho người dân sinh sống và sản xuất”-ông Đức cho hay.
NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Dubai ngập lụt do mưa lớn

Dubai ngập lụt do mưa lớn

(GLO)- Thành phố Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 16/4 hứng lượng mưa kỷ lục 160 mm, gấp đôi lượng mưa trung bình một năm ở nước này.
"Đặc sản" kiến vàng của người Jrai

"Đặc sản" kiến vàng của người Jrai

(GLO)-Kiến vàng là món ăn yêu thích và có từ lâu đời trong văn hóa ẩm thực của người Jrai sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Để tìm bắt loại sản vật này, người dân phải mất nhiều thời gian và phải chịu được cảm giác đau khi bị kiến đốt.
Bánh tráng: Món ăn dân dã

Bánh tráng: Món ăn dân dã

(GLO)- Ngày nay, hầu như nhà nào cũng có vài ràng bánh tráng gạo dự trữ trong nhà. Đó là món bánh tiện dụng, dễ dùng, chỉ cần nhúng qua nước sạch để một lát là có ngay một thức ăn nhanh, ngon. Bánh tráng ăn thay cơm hoặc nướng lên ăn cho vui khi lai rai vài chén cùng bạn bè.
Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(GLO)- Ngày 15-4, Ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” với chủ đề “Điện Biên Phủ và đường Hồ Chí Minh-Ý chí, trí tuệ Việt Nam” đã thông báo danh sách thí sinh đạt giải tại kỳ thi thứ 6.
Bàn giao 2 công trình giếng khoan và tặng quà cho người nghèo tại huyện Phú Thiện, Chư Sê

Bàn giao 2 công trình giếng khoan và tặng quà cho người nghèo tại huyện Phú Thiện, Chư Sê

(GLO)- Ngày 11-4, Ban Thường trực Giáo hội Phật giáo huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cùng Nhóm Thiện nguyện tỉnh An Giang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Thiện, Chư Sê tổ chức khánh thành công trình giếng khoan cho các trường học và tặng quà cho người nghèo, học sinh khó khăn trên địa bàn.