Hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân da cam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Gia Lai có nhiều hoạt động thiết thực, tích cực vận động các nguồn lực hỗ trợ nạn nhân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Toàn tỉnh có hơn 14.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó khoảng 6.000 nạn nhân bị nhiễm trực tiếp, trên 7.000 người bị nhiễm gián tiếp và trên 500 nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) thế hệ thứ 3, thứ 4. Tuy nhiên, hiện chỉ có 2.092 người đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Đa số gia đình NNCĐDC đều sống dưới mức trung bình; nạn nhân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn nhiều khó khăn.
Ông Bùi Thanh Hoàng-Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh-cho biết: Từ năm 2015 đến nay, các cấp Hội đã vận động được trên 8 tỷ đồng để trợ giúp nạn nhân. Ngoài ra, còn vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ sinh kế, tặng bò giống sinh sản, cho mượn vốn sản xuất từ Quỹ Trung ương Hội hỗ trợ với trên 200 triệu đồng. Vận động trên 5 tỷ đồng để thăm, tặng gần 20.000 suất quà cho các NNCĐDC. “Hoạt động trợ giúp NNCĐDC của các cấp Hội không chỉ về mặt vật chất mà còn động viên tinh thần giúp họ thêm động lực vươn lên trong cuộc sống”-ông Hoàng chia sẻ.
Ông Bùi Thanh Hoàng (thứ 2 từ phải sang)-Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh trao tặng bò sinh sản cho ông Nguyễn Công Phượng (thôn Hà Lòng, xã Kdang, huyện Đak Đoa). Ảnh: Đinh Yến
Ông Bùi Thanh Hoàng (thứ 2 từ phải sang)-Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh trao tặng bò sinh sản cho ông Nguyễn Công Phượng (thôn Hà Lòng, xã Kdang, huyện Đak Đoa). Ảnh: Đinh Yến
Để có kết quả trên, nhiều cơ sở Hội không chỉ chủ động kết nối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn mà còn vận động các tổ chức từ thiện trong, ngoài tỉnh quyên góp hỗ trợ NNCĐDC. Điển hình như Hội NNCĐDC/dioxin huyện Chư Sê hàng năm vận động hàng tỷ đồng để trợ giúp nạn nhân. Theo ông Nguyễn Xuân Thủy-Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Chư Sê, Hội đã kết nối với 2 tổ chức từ thiện ở nước ngoài là Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm dioxin (VNED) tại Pháp và tổ chức thiện nguyện GIVE.asia Việt Nam (Singapore). Hội cũng đã kết nối với hàng chục doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thường xuyên tham gia ủng hộ, chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC.
Tương tự, Hội NNCĐDC/dioxin huyện Kbang đã tích cực vận động các Mạnh Thường Quân trong, ngoài tỉnh giúp đỡ NNCĐDC có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ông Chu Văn Định-Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Kbang-thông tin: Từ năm 2018 đến nay, Hội đã vận động được hơn 200 triệu đồng để giúp đỡ các nạn nhân. Kêu gọi các Mạnh Thường Quân xây mới và sửa chữa 4 căn nhà cho các NNCĐDC khó khăn về nhà ở với tổng số tiền trên 150 triệu đồng. Hàng năm, vào các ngày lễ, Tết, Ngày Vì NNCĐDC (10-8), Hội tổ chức thăm, tặng quà cho 93 NNCĐDC trên địa bàn huyện. Với những nạn nhân qua đời, Hội hỗ trợ mỗi trường hợp 1 triệu đồng. Tỉnh hội phân bổ cho Hội 50 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam hỗ trợ cho 5 gia đình NNCĐDC (10 triệu đồng/hộ) không tính lãi để mua bò sinh sản về nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Hội NNCĐDC-dioxin tỉnh đón nhận quà của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tặng cho các cháu bị chất độc da cam đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng bán trú cho NNCĐDC tỉnh thuộc Hội quản lý. Ảnh: Đinh Yến
Hội NNCĐDC-dioxin tỉnh đón nhận quà của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tặng cho các cháu bị chất độc da cam đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng bán trú cho NNCĐDC tỉnh thuộc Hội quản lý. Ảnh: Đinh Yến
Riêng từ đầu năm đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đã vận động, quyên góp được hơn 1,3 tỷ đồng để thăm, tặng quà cho trên 1.300 NNCĐDC. Nhân Ngày Vì NNCĐDC Việt Nam (10-8) năm 2022, Tỉnh hội đã tặng 3 con bò sinh sản cho 3 gia đình NNCĐDC ở huyện Đak Đoa, Đức Cơ và thị xã Ayun Pa, mỗi con bò trị giá 15 triệu đồng; tặng 15 xe lăn cho các nạn nhân.
Ông Nguyễn Công Phượng (thôn Hà Lòng, xã Kdang, huyện Đak Đoa) là 1 trong 3 nạn nhân vừa được Tỉnh hội hỗ trợ 1 con bò sinh sản đợt này. Vợ chồng ông Phượng có người con thứ 2 bị nhiễm da cam trực tiếp từ bố. Sức khỏe yếu, hay đau ốm lại phải chăm con bệnh tật, cuộc sống của gia đình ông Phượng hết sức khó khăn. “Gia đình tôi rất mừng khi được Hội hỗ trợ con bò sinh sản. Đây là điều kiện để gia đình vươn lên, chăm lo cho con và ổn định cuộc sống”-ông Phượng xúc động nói.
Chủ động vươn lên là tinh thần đáng quý như với trường hợp của ông Lê Bá Luận (làng Dơ Nông, xã Kông Htok, huyện Chư Sê). “Gia đình tôi có 2 con bị nhiễm chất độc da cam. Trước đây, kinh tế rất khó khăn, chỉ có căn nhà ọp ẹp thưng tạm bằng gỗ (giờ là chuồng bò), không có đất sản xuất. Chúng tôi chịu thương chịu khó, láng giềng thương yêu, lại được Hội NNCĐDC/dioxin huyện Chư Sê tặng 2 con bò cái sinh sản nên gia đình đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Hiện gia đình có 10 con bò, 5 sào đất trồng cà phê, trồng xen 200 trụ hồ tiêu và cây ăn quả; thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm”-ông Luận bộc bạch.
Trao đổi cùng P.V, ông Hoàng cho biết thêm: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp các cấp Hội trong tỉnh thực hiện chương trình hỗ trợ sinh kế cho NNCĐDC từ chương trình hỗ trợ của Trung ương Hội, vận động các nguồn lực xã hội khác. Cùng với đó, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương khảo sát số lượng NNCĐDC còn sức khỏe nhưng chưa có vốn đầu tư, việc làm để từ đó tìm cách hỗ trợ giúp đỡ phát triển nghề nghiệp, tạo ra thu nhập ổn định, vươn lên trong cuộc sống”.
ĐINH YẾN
 

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
 Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

(GLO)- Chiều 22-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội LHPN xã Phú An và Câu lạc bộ tấm lòng vàng thị xã An Khê thực hiện phần việc “trách nhiệm với cộng đồng” và phát động cuộc thi “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.