Bác sĩ của thú rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tốt nghiệp chuyên ngành Thú y, song chị Đặng Thị Thiết (SN 1990, thôn Đoàn Kết, xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) không nghĩ công việc của mình sẽ đặc biệt đến vậy khi đối tượng cần điều trị là những cá thể động vật rừng hoang dã. 
Chúng tôi đến Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (huyện Mang Yang) khi bóng chiều dần buông. Trên khoảng cỏ rộng trước dãy nhà tập thể, những con hươu sao, nai nhởn nhơ dạo chơi. Lúc này, chị Đặng Thị Thiết chân mang ủng, đầu đội chiếc nón lá cặm cụi phía cuối khu vườn nhỏ hái rau cho con vượn đen. Đó là chú vượn không may giẫm phải bẫy được người dân phát hiện và đưa về đây chăm sóc, cứu chữa. “Bạn cẩn thận đừng đứng gần! Khi thấy mình hiền là nó bắt nạt rồi bất ngờ đưa tay cào vào người đấy. Với con vượn này, mình phải làm dữ lên thì mới ngoan”-chị Thiết cười nói khi thấy tôi đứng cạnh chuồng của chú vượn nhỏ. Thoáng thấy bóng dáng quen thuộc của chị, con vượn ngoan ngoãn đến sát bên cửa, xòe tay đón đợi những ngọn rau xanh ngắt.
Đã gần 10 năm gắn bó với nơi này, song mỗi lần nhắc lại những ngày đầu vào nhận việc, chị Thiết vẫn không quên được cảm giác bỡ ngỡ, lạ lẫm và cả nỗi sợ sệt. Chị tâm sự: “Những gì tôi được học khác với công việc thực tế rất nhiều. Bởi lẽ, đối tượng điều trị của tôi là những con thú rừng hoang dã. Không chỉ vậy, khi được đưa vào Trung tâm, chúng đều trong tình trạng bị thương, tinh thần hoảng loạn nên càng hung dữ, khó gần”.
Chị Đặng Thị Thiết đã gắn bó với công việc chăm sóc thú rừng gần 10 năm nay. Ảnh: Đ.T
Chị Đặng Thị Thiết đã gắn bó với công việc chăm sóc thú rừng gần 10 năm nay. Ảnh: Đ.T
Bằng tình yêu và mong muốn gắn bó lâu dài với công việc, chị Thiết cố gắng vượt khó. Ngoài các lớp tập huấn, bồi dưỡng mà đơn vị tạo điều kiện tham gia, chị còn tìm đọc thêm tài liệu để bổ khuyết kiến thức về chăm sóc động vật hoang dã. Bên cạnh đó, từ thực tiễn chăm sóc các con vật bị thương, chị cũng đúc rút được nhiều kinh nghiệm. “Tôi cũng vận dụng, liên kết những kiến thức đã học như nắm bắt tâm lý động vật, sử dụng các loại thuốc từ lá rừng để chữa trị vết thương, tìm nguồn thức ăn phù hợp với sở thích của chúng để tiếp cận, làm quen, tạo thuận lợi trong quá trình chữa trị. Bên cạnh đó, những gì không biết, tôi liên lạc với các chuyên gia, những người có kinh nghiệm ở các vườn quốc gia khác để học hỏi. Làm lâu thành quen nên công việc cũng không có nhiều trở ngại”-chị Thiết tâm sự. 
Tưởng như đơn giản song để có được những kinh nghiệm ấy, chị Thiết cũng mất khá nhiều thời gian. Mỗi con thú rừng cần rất lâu mới có thể đến gần để chữa trị, bởi chúng vốn không quen môi trường bị nuôi nhốt nên càng dễ hoảng loạn. Nhiều con vật rất khó tìm nguồn thức ăn, trong đó có loài voọc bởi chúng chỉ ăn loại quả có vị chát và mỗi quả chỉ cắn vài miếng rồi bỏ. Vì thế, chị Thiết đều tự mình học hỏi, tích lũy thêm mỗi ngày để đáp ứng yêu cầu công việc.
Từ ngày về Trung tâm công tác, chị Thiết cùng các đồng nghiệp đã tiếp nhận khoảng 20 con thú bị thương, phần lớn do mắc bẫy. Một số con bị thương nặng không qua khỏi, có con phải cắt cụt chân để không bị hoại tử. Tất cả thú rừng sau khi điều trị khỏi đều được huấn luyện để trở về tự nhiên, song một số con vì quá trình trị thương quá lâu, dần mất đi khả năng tự sinh tồn. “Sau khi được điều trị, chúng tôi đều đem các con vật thả lại rừng. Nhưng do nuôi nhốt quá lâu, chúng không tự đi tìm kiếm thức ăn mà quay trở lại Trung tâm để chờ người đem thức ăn đến. Như con vượn này, chúng tôi đã thả đi nhiều lần nhưng lần nào nó cũng quay trở lại”-chị Thiết chia sẻ. 
Ảnh: Phương Vi
Khoảng không gian rộng lớn, xanh mát phía trước Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là nơi trú ngụ của hươu, nai. Ảnh: Phương Vi
Ông Ngô Văn Thắng-Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-cho biết: “Với chức năng là nơi tiếp nhận, chữa trị cho động vật rừng bị thương, những năm qua, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình. Mặc dù làm việc trong môi trường đặc biệt như thế, song chị Thiết vẫn rất miệt mài, chịu khó và nhiệt huyết với công việc. Không chỉ làm công tác tiếp nhận, chị còn tích cực vận động người dân giao nộp thú rừng bị bắt, khuyến cáo bà con không nên đặt bẫy trong rừng, tránh làm hại đến các loài động vật”. 
... Khi những tia nắng cuối ngày chiếu xiên qua ngọn cây đa cổ thụ thì chị Thiết cũng hoàn thành nốt công việc trong ngày rồi sửa soạn về nhà. Hành trình mỗi ngày từ nhà đến nơi làm việc không hề ngắn song chị vẫn kiên trì, bền bỉ bám trụ. “Tôi thấy vui khi mình đã góp phần vào công tác bảo tồn động vật, hệ sinh thái cũng như các nguồn gen quý của 1 trong 2 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng. Đó là nguồn động lực rất lớn để tôi tiếp tục gắn bó lâu dài với công việc vất vả song cũng đầy niềm vui này”-chị Thiết bày tỏ.
PHƯƠNG VI
 

Có thể bạn quan tâm

 Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

(GLO)- Chiều 22-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội LHPN xã Phú An và Câu lạc bộ tấm lòng vàng thị xã An Khê thực hiện phần việc “trách nhiệm với cộng đồng” và phát động cuộc thi “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.