Trêu đùa con trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giao tiếp với con trẻ luôn quá trình mà bất kỳ người lớn nào cũng cần phải cẩn trọng. Bởi chỉ cần một lời nói thiếu chuẩn mực, một câu đùa ác ý cũng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và nhận thức của trẻ.

1. Hàng xóm nhà tôi vẫn thường có bạn bè đến uống cà phê mỗi sáng. Thỉnh thoảng, một vài người dẫn theo cháu nội, cháu ngoại. Khi ấy, thay vào những cuộc trò chuyện của người lớn là buổi giáo huấn tập thể đối với những đứa trẻ. Bé gái tầm 4-5 tuổi vừa lấp ló sau lưng bà đi vào, tiếng một người phụ nữ ngồi trong bàn đã vang lên: “Chào ông bà chưa? Chào ông bà đi! Không chào không cho vào chơi, đuổi về!”. Đứa bé vốn nhút nhát lại càng níu chặt áo bà ngoại, vẻ mặt sợ sệt, không dám cất lời chào. Những người ngồi cạnh được đà hùa theo: “Chào ông, chào bà đi chứ. Hư quá!”. Cô bé òa khóc trong tiếng cười của những người lớn kèm câu dỗ dành: “Bà chỉ đùa thôi mà, nín đi cháu”.

2. Nhà tôi ở trong một con hẻm cụt khá an toàn. Buổi trưa nọ, sau một hồi loay hoay tìm kiếm gì đó ngoài sân, con trai tôi chạy vụt sang nhà hàng xóm và hỏi thật to: “Bác H. có giấu xe đạp của con không?”. Sở dĩ, con tôi hỏi như vậy vì cách đó 1 tuần, bác hàng xóm đem giấu chiếc xe đạp của con vào nhà kho. Ông bác đứng trong nhà quát ra: “Bác ở trong nhà suốt, giấu đâu mà giấu”. Con trai tôi thất thểu đi về, mếu máo nói việc bị mất xe đạp. Hai mẹ con cùng nhau đi tìm nhưng mãi không thấy. Con tôi buồn bã, tiếc nuối vì đó là quà sinh nhật của ông bà ngoại. Nỗi buồn kéo dài cho đến buổi chiều, khi vợ của bác H. vô tình nhìn thấy chiếc xe đạp của con tôi được giấu kín phía sau những bao vỏ chai nhựa bên gốc cây, nơi mà không ai để ý đến. Cu cậu chạy ùa sang mừng rỡ: “Đấy! Bác H. giấu của con mà”.

Lần khác, biết con trai tôi rất thích chơi với đứa cháu họ hay sang nhà, bác H. ngồi trong nhà nói lớn, cố tình để con nghe thấy: “P. ơi, ra dượng chở về”. Dĩ nhiên, con trai tôi tức tốc chạy sang và hỏi: “Bác H. ơi, em P. đâu?”. Lại thêm một lần con trai tôi rơi vào trạng thái hụt hẫng, thất vọng quay về khi nhận ra đó là một “cú lừa”. Con đã mất niềm tin vào bác hàng xóm. Vậy nên bây giờ, dù bác nói điều gì nó cũng nhất quyết không tin.

3. Người lớn vẫn thường hay cho mình quyền được trêu đùa quá trớn với trẻ nhỏ. Những câu nói, hành động tưởng như vô hại song lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của trẻ. Nếu ví trẻ em như một tờ giấy trắng thì những trò đùa ấy giống như một chấm đen không đáng có. Thay vì chào hỏi nhẹ nhàng, tạo sự thân thiện, gần gũi với trẻ thì nhiều người có xu hướng thích gây ấn tượng bằng cách nạt nộ. Điều đó không khiến cho đứa trẻ hiểu được ý nghĩa của việc phải lễ phép mà chỉ khiến chúng thêm e dè, nhút nhát, sợ sệt khi gặp người lạ. Chúng sẽ càng kiệm lời với người lớn, thậm chí nảy sinh thái độ cáu bẳn, bực tức, gắt gỏng. Với thái độ ấy, chúng sẽ bị gắn mác một đứa trẻ “không ngoan”, “không biết nghe lời”.

Thực tế, có những sự đùa cợt quá đà với trẻ nhỏ để lại hậu quả nghiêm trọng. “Ba mẹ có em rồi thì con bị cho ra rìa”, “Ba mẹ thương em hơn con rồi”, “Con mà không giống ba mẹ, giống ông hàng xóm”… là những câu đùa “vô duyên” mà người lớn vẫn thường nói trước mặt những đứa trẻ còn rất vô tư, trong sáng. Chúng chưa đủ để nhận thức câu nói đó chỉ là trêu đùa mà sẽ nghĩ là thật. Đã có những đứa trẻ vì ghen ghét, giận dỗi, đố kỵ với em mà gây ra những vụ việc đau lòng. Thiết nghĩ, người lớn chúng ta hãy đối xử với trẻ em bằng những câu nói, hành động nhẹ nhàng, xuất phát từ sự yêu thương chân thành để nuôi dưỡng tâm hồn, góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp cho trẻ.

 

 KHÔI NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

 Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

(GLO)- Chiều 22-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội LHPN xã Phú An và Câu lạc bộ tấm lòng vàng thị xã An Khê thực hiện phần việc “trách nhiệm với cộng đồng” và phát động cuộc thi “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.