Gia Lai đẩy mạnh tư vấn và hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngoài việc chi trả trợ cấp thất nghiệp thì công tác tư vấn, hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm là nội dung quan trọng trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm giúp người lao động nhanh chóng có việc làm mới, ổn định cuộc sống.
Theo ông Lê Thanh Truyền-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai, để công tác tư vấn, hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp mang lại hiệu quả, Trung tâm đã ký kết với Trường Cao đẳng Gia Lai và các trường nghề trong tỉnh cho lao động thất nghiệp được học nghề. “Thời gian qua, Trung tâm phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại một số địa phương. Người lao động có nhu cầu học nghề đăng ký trực tiếp với nhà trường để được tư vấn, học nghề phù hợp với năng lực bản thân cho việc làm mới”-ông Truyền cho hay.
Bên cạnh đó, ngày 20 hàng tháng, Trung tâm phối hợp tổ chức tuyên truyền, tư vấn về chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong phiên giao dịch việc làm cố định tại đơn vị. Thông qua đó, Trung tâm cung cấp đầy đủ các thông tin về cơ sở dạy nghề, nghề đào tạo, thời gian và mức chi phí đào tạo để người lao động lựa chọn. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tư vấn về chính sách BHTN, giới thiệu việc làm cho hơn 21 ngàn lượt người, trong đó có 62 lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề với kinh phí hỗ trợ hơn 320 triệu đồng và hơn 200 lao động đã tìm được việc làm mới.
Hai năm trước, ông Hoàng Xuân Hương (tổ dân phố 2, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) làm công nhân cho một doanh nghiệp tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đầu năm 2021, công ty cho công nhân nghỉ việc vì dịch Covid-19. Sau khi nhận quyết định thôi việc và sổ bảo hiểm xã hội, ông Hương đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài được hỗ trợ tiền trợ cấp thất nghiệp 2,8 triệu đồng/tháng (thời gian hưởng 3 tháng), ông còn được tư vấn học nghề phù hợp. “Tôi quyết định chọn học nghề lái xe với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng, tổng thời gian hỗ trợ học nghề là 5 tháng”-ông Hương chia sẻ.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn việc làm, chính sách BHTN cho người lao động. Ảnh: Đinh Yến
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn việc làm, chính sách BHTN cho người lao động. Ảnh: Đinh Yến
Theo ông Lê Thanh Truyền, Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn không quy định cụ thể ngành nghề được hỗ trợ mà chỉ quy định về các điều kiện được hỗ trợ, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ học nghề và trình tự, thủ tục tổ chức hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia BHTN. Vì vậy, người lao động được toàn quyền lựa chọn ngành nghề mà mình quan tâm. Ngoài ra, sau khi học, người lao động còn được hỗ trợ tìm việc làm.
Để được hỗ trợ học nghề, người lao động thất nghiệp phải có đủ 4 điều kiện: chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định của pháp luật; đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ; đã đóng BHTN từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động. Đối với thời gian hỗ trợ học nghề, quy định này được tính theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 6 tháng/khóa học và hỗ trợ một lần. Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: từ 14 ngày trở xuống được tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng. Nếu người lao động có nhu cầu học những nghề đòi hỏi thời gian đào tạo hơn 6 tháng và mức học phí cao hơn 1,5 triệu đồng/tháng thì phải tự thanh toán các khoản chi phí chênh lệch.
Trên thực tế, số người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đăng ký học nghề còn ít. Lý giải điều này, theo ông Truyền, nguyên nhân là do thời gian học nghề phụ thuộc vào thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong khi các cơ sở đào tạo nghề phải đủ học viên thì mới mở lớp. Tuy nhiên, nếu chờ đủ sĩ số học viên thì lại ảnh hưởng đến thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động sẽ không được hỗ trợ học nghề. Đây cũng là lý do lao động thất nghiệp thường đăng ký học nghề lái xe vì thời gian đào tạo ngắn và chủ động về kinh phí. Mặt khác, do đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp phần lớn ở xa cơ sở đào tạo nghề, chi phí đi lại tốn kém nên họ cũng ít có nhu cầu học nghề.
“Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nâng cao chất lượng tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho lao động hưởng chính sách BHTN. Cùng với đó, hoàn thiện quy trình, quy chế phối hợp nâng cao chất lượng tư vấn chính sách BHTN, học nghề, tạo việc làm giữa Trung tâm và các địa phương. Trung tâm hiện có 2 văn phòng tư vấn tiếp nhận giải quyết chính sách BHTN đặt tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Chư Sê và điểm đào tạo nghề thị xã An Khê thuộc Trường Cao đẳng Gia Lai. Đây là 2 điểm kết nối hỗ trợ cho lao động thất nghiệp thuận lợi trong việc tư vấn giải quyết chính sách BHTN, tư vấn giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động và học nghề”-ông Truyền cho biết.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

 Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

(GLO)- Chiều 22-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội LHPN xã Phú An và Câu lạc bộ tấm lòng vàng thị xã An Khê thực hiện phần việc “trách nhiệm với cộng đồng” và phát động cuộc thi “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.