"Tuổi cao-gương sáng" giữa đại dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) trong đại dịch Covid-19 được đặc biệt chú trọng, bởi đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Nhiều NCT cũng đã phát huy vai trò trong phong trào thi đua “Tuổi cao-gương sáng”, chung tay góp sức đẩy lùi dịch bệnh. Liên quan đến vấn đề này, nhân Ngày Quốc tế NCT (1-10), P.V Báo Gia Lai đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Đức Huấn-Phó Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh.

* P.V: Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của Ban Đại diện Hội NCT tỉnh, thưa ông?

- Ông NGUYỄN ĐỨC HUẤN: Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên kế hoạch hoạt động của Ban Đại diện Hội NCT tỉnh bị đảo lộn. Theo kế hoạch, trong quý I-2021 chúng tôi sẽ hoàn thành đại hội cấp xã, quý II đại hội cấp huyện, quý III đại hội cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. Nhưng trên thực tế, đến quý II mới xong đại hội cấp xã; hiện nay cũng chỉ mới 10/17 huyện, thị xã, thành phố tổng kết nhiệm kỳ. Có lẽ tới đây chúng tôi chỉ tổ chức tổng kết nhiệm kỳ bằng văn bản.

  Ông Nguyễn Đức Huấn. Ảnh: Phương Duyên
Ông Nguyễn Đức Huấn. Ảnh: Phương Duyên


Tuy vậy, hoạt động của Ban Đại diện Hội NCT tỉnh cũng như công tác chăm sóc sức khỏe NCT luôn được tỉnh quan tâm sát sao. Từ tháng 3-2021, hệ số phụ cấp của Chủ tịch Hội cấp xã đã tăng từ 0,85 lên 1,6 lần mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 136/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn, tổ dân phố. Đây là sự động viên rất kịp thời để cán bộ Hội phát huy vai trò, hoạt động hiệu quả hơn nữa. Trước đó, tỉnh đã ban hành Kế hoạch chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025; triển khai thực hiện Thông tư số 96/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính về quy định quản lý, sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ; ưu đãi tín dụng và biểu dương, khen thưởng NCT...

*  P.V: Xin ông cho biết, trong điều kiện dịch bệnh, công tác chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần đối với NCT được quan tâm như thế nào?

- Ông NGUYỄN ĐỨC HUẤN: Với quy định hạn chế tụ tập đông người, chúng tôi đã chuyển đổi hình thức hoạt động theo từng thôn, làng, tổ dân phố, chia theo tổ nhóm 5-10 người, trong giới hạn cho phép. Thời gian này, việc tự rèn luyện sức khỏe rất quan trọng, vì NCT là đối tượng dễ bị tổn thương do dịch bệnh. Với sự hướng dẫn của Ban đại diện Hội NCT các địa phương, nhiều người vẫn duy trì tập luyện để nâng cao sức khỏe thể chất bằng cách đi bộ quanh nhà, mua máy tập chạy tại chỗ, tập dưỡng sinh…, đồng thời tuyên truyền con cháu, người thân trong gia đình tuân thủ các quy định về phòng-chống dịch. Các câu lạc bộ văn hóa-văn nghệ vẫn được duy trì theo tổ, nhóm. Ban đại diện Hội NCT ở một số địa phương còn thành lập và duy trì tốt hoạt động của Ban Chăm sóc sức khỏe NCT để khám bệnh định kỳ cho đối tượng này, đồng thời hướng dẫn, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe trước các loại bệnh thông thường cũng như đối phó với dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc NCT như chúc thọ, mừng thọ… nhân Tháng Hành động vì NCT Việt Nam (tháng 10 hàng năm) mà cao điểm là Ngày Quốc tế NCT 1-10 cũng được quan tâm. Cụ thể, mỗi huyện đề ra chỉ tiêu vận động tặng tối thiểu 30 suất quà (400-500 ngàn đồng/suất) tùy điều kiện cụ thể, ưu tiên NCT già yếu, có hoàn cảnh khó khăn. Một số địa phương như Chư Pưh, Phú Thiện, Chư Sê, Mang Yang, Đức Cơ, Ia Grai... làm rất tốt công tác này khi vận động được 45 suất trở lên; riêng TP. Pleiku vận động được 65 suất quà. Công tác thăm hỏi, tặng quà NCT đảm bảo kịp thời, tuân thủ quy định về phòng-chống dịch.

Hiện nay, nhiều cán bộ trung cao là hội viên NCT đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, bản thân tôi cũng đã được tiêm mũi 1. Mong tỉnh quan tâm đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho hội viên Hội NCT để tăng cường bảo vệ sức khỏe trước đại dịch.

* P.V: Ông đánh giá như thế nào về đóng góp của NCT trên địa bàn tỉnh trong việc chung tay phòng-chống dịch Covid-19?

- Ông NGUYỄN ĐỨC HUẤN: Trong các đợt dịch Covid-19, khoảng 5.000 hội viên NCT đã có những đóng góp vào công tác phòng-chống dịch như tham gia Ban chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 cấp xã hoặc tổ Covid cộng đồng; phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các địa phương quyên góp, ủng hộ lương thực, thực phẩm hỗ trợ các khu cách ly trên địa bàn tỉnh và người dân các tỉnh, thành phía Nam. Tích cực nhất là hội viên các địa phương: Chư Păh, Ia Grai, Đức Cơ, Kbang… Chúng tôi sẽ lựa chọn những nhân tố điển hình để nêu gương trong thời gian tới.

Những hoạt động trên chứng tỏ dù khó khăn nhiều mặt nhưng NCT tỉnh ta vẫn tự khắc phục, vươn lên, khẳng định vai trò nòng cốt trong phong trào thi đua “Tuổi cao-gương sáng”, gương mẫu đi đầu trong gia đình và xã hội. Tích cực hoạt động giúp NCT thêm vui, thêm khỏe, tiếp tục nhận được sự ghi nhận, quan tâm tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền để hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

*  P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Đến nay, toàn tỉnh có 123.500 hội viên NCT sinh hoạt tại 220 Hội cơ sở, 1.576 chi hội, 1.850 tổ hội. Trên 90% NCT có thẻ bảo hiểm y tế; mỗi năm có 8.570 NCT được chúc thọ, mừng thọ, trong đó có hơn 65 cụ tròn 100 tuổi. Hiện có 19.100 NCT được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, trong đó có 1.780 người nghèo khó, không nơi nương tựa.

 PHƯƠNG DUYÊN (thực hiện)
 

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
 Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

(GLO)- Chiều 22-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội LHPN xã Phú An và Câu lạc bộ tấm lòng vàng thị xã An Khê thực hiện phần việc “trách nhiệm với cộng đồng” và phát động cuộc thi “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.