Tăng mức hỗ trợ học nghề mới: Chính sách nhân văn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ ngày 15-5-2021, mức hỗ trợ học nghề cho lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ 1 triệu đồng lên 1,5 triệu đồng/người/tháng. Chính sách nhân văn này góp phần chia sẻ khó khăn với những lao động thất nghiệp.

2 năm trước, anh Lê Quang Thoại (tổ 8, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) làm việc cho một doanh nghiệp ở Gia Lai có dự án đầu tư tại Campuchia. Cuối tháng 4-2021, anh Thoại phải nghỉ việc vì doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Nhờ nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp 3,3 triệu đồng/tháng và kinh phí hỗ trợ học nghề 1,5 triệu đồng/tháng trong thời gian 6 tháng, anh có điều kiện để học nghề lái xe. “Việc nâng mức hỗ trợ học nghề giúp những lao động thất nghiệp có điều kiện thuận lợi trong tìm kiếm việc làm mới”-anh Thoại chia sẻ.

Người lao động mất việc làm được tăng mức hỗ trợ học nghề. Ảnh: Đinh Yến
Người lao động mất việc làm được tăng mức hỗ trợ học nghề. Ảnh: Đinh Yến
Thời gian học nghề của người lao động không quá 6 tháng/khóa và được hỗ trợ một lần. Đối với người lao động tham gia khóa đào tạo nghề 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức học phí của cơ sở đào tạo nghề và thời gian học nghề thực tế, nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa; với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng đối với mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Cũng giống như anh Thoại, anh Phạm Quốc Vũ (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) bị mất việc sau 6 năm làm công nhân cho một doanh nghiệp ở tỉnh Đồng Nai. Trở về địa phương, anh Vũ được hưởng trợ cấp thất nghiệp 6 tháng với số tiền 3,7 triệu đồng/tháng. Trong thời gian này, anh cũng đã đăng ký khóa học nghề nấu ăn tại Trường Cao đẳng Gia Lai. Anh Vũ bày tỏ: “Với số tiền được trợ cấp cùng kinh phí hỗ trợ học nghề trong thời gian 3 tháng, tôi đã hoàn thành khóa học nghề và xin được việc làm”.

Ông Lê Thanh Truyền-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh-cho biết: Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên hoạt động sản xuất kinh doanh của không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, gia tăng số lượng người lao động mất việc nhận trợ cấp thất nghiệp. Tính từ đầu năm đến tháng 10-2021, Trung tâm đã giải quyết thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 3.846 lao động và chi hỗ trợ học nghề cho gần 49 người. Việc tăng mức hỗ trợ học nghề cho lao động mất việc làm là chủ trương đúng đắn, kịp thời và nhân văn.

Cũng theo ông Truyền, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp có thể chọn học bất kể nghề nào thuộc danh mục theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và được hỗ trợ theo Quyết định 17/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, người lao động phải hội đủ các điều kiện như: việc chấm dứt hợp đồng lao động đúng với quy định của pháp luật; đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày hộp hồ sơ; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Ông Truyền thông tin thêm: “Quyết định 17 cũng quy định số ngày lẻ của lao động tham gia đào tạo nghề được tính theo nguyên tắc: từ 14 ngày trở xuống được tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng. Nếu người lao động có nhu cầu học những nghề đòi hỏi có thời gian học dài hơn 6 tháng và mức học phí cao hơn 1,5 triệu đồng/tháng thì phải tự thanh toán các khoản chi phí chênh lệch”.

 

 ĐINH YẾN
 

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.