Truyền thanh xã: Kênh thông tin hữu ích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, hệ thống truyền thanh không dây của huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã được phủ sóng đến 100% khu dân cư. Cùng với việc tiếp sóng, phát sóng các chương trình thời sự của huyện, tỉnh và Đài Tiếng nói Việt Nam, 13 đài truyền thanh xã đã tổ chức sản xuất bản tin phục vụ tuyên truyền hiệu quả những vấn đề quan trọng của địa phương, đặc biệt là công tác phòng-chống dịch Covid-19.
Như thường lệ, cứ vào các ngày thứ hai, tư, sáu, anh Lê Văn Hạ-Chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã Phú Cần lại cần mẫn biên soạn bản tin thời sự của Đài Truyền thanh xã. Anh Hạ cho biết, mỗi bản tin của xã thường dài khoảng 10-15 phút, phát vào lúc 10 giờ 45 phút và 16 giờ 45 phút các ngày thứ hai, tư, sáu. Nội dung tập trung tuyên truyền công tác phòng-chống dịch Covid-19, các văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND xã và thông tin về hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể.
Năm 2012, xã Phú Cần được lắp đặt 10 cụm loa không dây tần số cao từ chương trình mục tiêu quốc gia; đến năm 2017 được nâng cấp để đảm bảo đạt tiêu chí nông thôn mới thành đài truyền thanh xã với 16 cụm thu không dây, 32 loa phóng thanh. Ngay sau khi đưa vào hoạt động, Đài Truyền thanh xã Phú Cần đã phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, góp phần tích cực đưa địa phương về đích xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Krông Pa năm 2018. Đến đầu năm 2021, Đài Truyền thanh xã Phú Cần được huyện đầu tư nâng cấp, chuyển đổi ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông. Đây là mô hình đài truyền thanh thông minh thứ 2 được triển khai trên địa bàn huyện. Hiện có 12 cụm loa phân bổ đều khắp ở cả 4 thôn, buôn, cơ bản đáp ứng yêu cầu cho công tác tuyên truyền của địa phương và nhu cầu tiếp nhận thông tin của người dân. Ông Phan Chí Tiến-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phú Cần-nhận xét: “Thời gian qua, Đài Truyền thanh xã hoạt động rất tốt, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền phòng-chống dịch Covid-19. Nhờ đó, tất cả người dân trên địa bàn đều nâng cao nhận thức trong công tác phòng-chống dịch, góp phần thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch rất hiệu quả”.
Hướng dẫn cán bộ quản lý đài truyền thanh xã sản xuất bản tin. Ảnh: Ngô Mạo
Hướng dẫn cán bộ quản lý đài truyền thanh xã sản xuất bản tin. Ảnh: Ngô Mạo
Đài Truyền thanh thông minh xã Ia Rmok được đầu tư tháng 9-2020, kinh phí do Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) tài trợ. Trong thời gian qua, Đài Truyền thanh xã Ia Rmok liên tục duy trì đều đặn lịch tiếp sóng, phát sóng các chương trình của Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện. Bên cạnh đó, Đài còn xây dựng 1 tuần 2 chương trình thời sự với thời lượng khoảng 15 phút, kịp thời phản ánh mọi mặt đời sống của người dân trên địa bàn xã; đồng thời giới thiệu đến bà con nông dân những tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất hay, mô hình kinh tế cho thu nhập cao, gương điển hình trong lao động sản xuất. Chị Ksor H’Pring chia sẻ: “Qua Đài Truyền thanh xã, chúng tôi đã tiếp nhận được tin tức hàng ngày, nhất là những thông tin về phòng-chống dịch Covid-19. Theo tôi, Đài Truyền thanh xã cần có thêm chương trình tiếng Jrai để bà con dễ nghe, dễ hiểu hơn”.
Ông Hoàng Sơn Trung-Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa-cho biết: Hiện nay, huyện có 13 đài truyền thanh xã với 205 cụm thu không dây, 427 loa phóng thanh và hệ thống loa truyền thanh tại thị trấn Phú Túc gồm 37 cụm thu không dây với 78 loa phóng thanh, đã phủ sóng 100% khu dân cư. Các đài truyền thanh xã được Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện triển khai lắp đặt hệ thống điều khiển từ xa tắt mở tự động theo các khung giờ nhất định. Do vậy, cán bộ quản lý đài truyền thanh xã chỉ tập trung vào việc sản xuất các bản tin và kiểm tra định kỳ các cụm loa có sự cố để báo cáo về Trung tâm xử lý. Hàng năm, UBND huyện đều phân bổ kinh phí cho Trung tâm để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống này. “Các đài truyền thanh xã đã góp phần thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho người dân địa phương. Hầu hết nội dung đài thông tin tuyên truyền, phản ánh đều cần thiết nên được người dân quan tâm lắng nghe, đặc biệt là thông tin về phòng-chống dịch Covid-19”-ông Trung đánh giá.
NGÔ MẠO

Có thể bạn quan tâm

 Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

Đak Pơ trao mô hình sinh kế cho 2 phụ nữ nghèo

(GLO)- Chiều 22-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội LHPN xã Phú An và Câu lạc bộ tấm lòng vàng thị xã An Khê thực hiện phần việc “trách nhiệm với cộng đồng” và phát động cuộc thi “Phụ nữ Gia Lai khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.