Hà Tây nỗ lực giữ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từng là “điểm nóng” về tình trạng phá rừng, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Hà Tây (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đang nỗ lực để bảo vệ màu xanh của những cánh rừng.
“Điểm nóng” một thời
Xã Hà Tây có hơn 8.700 ha rừng, trong đó có hơn 7.800 ha rừng tự nhiên. Đây là địa phương có diện tích rừng lớn nhất huyện Chư Păh. Với nguồn lâm sản lớn nên Hà Tây từ lâu trở thành mục tiêu của lâm tặc. Đặc thù diện tích lớn, giáp ranh với nhiều địa phương, giao thông khó khăn nên tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp rất phức tạp. Đặc biệt, nhiều nhóm lâm tặc ở nơi khác lợi dụng khu vực giáp ranh với tỉnh Kon Tum để khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Tình trạng này tồn tại trong một thời gian dài khiến Hà Tây trở thành “điểm nóng” về tình trạng phá rừng. 
Đáng chú ý, trước đây, Hà Tây đã từng xảy ra tình trạng cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng thiếu trách nhiệm khiến rừng bị xâm hại nghiêm trọng. Đơn cử như vụ 7 nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Đông Bắc Chư Păh bị kỷ luật vào năm 2017. Các nhân viên này trong quá trình trông coi gỗ tang vật khai thác trái phép đã để mất 45 lóng gỗ. Để trốn tránh trách nhiệm, họ đã bịa ra chuyện bị 20 lâm tặc dùng hung khí cướp gỗ để báo cáo lên cấp trên. 
Năm 2019, Chủ tịch UBND xã Hà Tây cũng “nhúng chàm” và bị cách chức vì sai phạm nghiêm trọng liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. 
Lực lượng tuần tra bảo vệ rừng thường xuyên kiểm tra khu vực giáp ranh. Ảnh: Lê Gia
Lực lượng tuần tra bảo vệ rừng thường xuyên kiểm tra khu vực giáp ranh. Ảnh: Lê Gia
Quyết tâm giữ rừng
Ban QLRPH Đông Bắc Chư Păh được giao quản lý hơn 2.600 ha rừng trên địa bàn xã Hà Tây. Đơn vị đã giao khoán toàn bộ diện tích này cho 6 cộng đồng làng và 1 nhóm hộ quản lý. Nhờ có nguồn dịch vụ môi trường rừng mà chủ rừng đã phát huy được trách nhiệm của người dân cùng tham gia bảo vệ rừng. 
Ông Khyơn-thành viên tổ bảo vệ rừng cộng đồng làng Kon Sơ Lăl-chia sẻ: “Làng mình có 52 hộ nhận khoán hơn 413 ha rừng. Diện tích rất lớn nên dân làng bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra, mắc võng ngủ lại trong rừng, kịp thời phát hiện các đối tượng xấu. Nhờ có nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng nên bà con phấn khởi, tham gia bảo vệ rừng tích cực hơn. Dân làng cố gắng không cho kẻ xấu phá rừng, giữ lấy nguồn nước cho làng và giữ rừng cho con cháu sau này”. 
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành-Trưởng ban QLRPH Đông Bắc Chư Păh thì cho hay: Sau khi xảy ra vụ việc năm 2017, đơn vị đã quán triệt cán bộ, nhân viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác để xảy ra những vụ việc tương tự. Dù lực lượng mỏng, diện tích rừng lớn, địa hình phức tạp nhưng vẫn phải thường trực ở những cánh rừng, đặc biệt là khu vực giáp ranh, trên những tuyến đường mòn, nơi cửa rừng mà các đối tượng thường sử dụng để vận chuyển lâm sản trái phép. “Vừa qua, chúng tôi trang bị thêm cho cán bộ, nhân viên một số thiết bị phục vụ yêu cầu nhiệm vụ như định vị GPS, xe máy, máy cắt thực bì, công cụ hỗ trợ… Cùng với đó, chỗ ăn ở cho anh em ở rừng cũng được quan tâm giúp họ yên tâm công tác”-ông Thành bày tỏ. 
Cùng với đó, UBND xã Hà Tây chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm địa bàn, Công an, dân quân phối hợp với các cộng đồng làng, nhóm hộ nhận khoán tăng cường kiểm tra rừng, bố trí sắp xếp lực lượng ở những địa bàn trọng điểm, thường xuyên kiểm tra để ngăn chặn các hành vi vi phạm, truy quét các địa bàn trọng điểm tại các tiểu khu 185, 186 và 191. Từ đầu năm 2021 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện 1 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp với 2,48 ha rừng tại tiểu khu 186 bị người dân chặt phá làm nương rẫy. 
Ông Biên-Chủ tịch UBND xã Hà Tây-nhìn nhận: Hiện nay, tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Trong quá trình tuần tra, lực lượng chức năng đã phát hiện một số lâm tặc vào rừng với ý đồ khai thác trái phép. Bên cạnh đó, việc người dân cơi nới rẫy cũ, lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn xảy ra. “Thời gian tới, các lực lượng sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép tại các vùng giáp ranh. Tăng cường kiểm soát địa bàn trọng điểm, phát động quần chúng tố giác tội phạm, chủ động ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Xã cũng vận động người dân sử dụng hợp lý đất sản xuất, đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài, không vì lợi ích trước mắt mà để các đối tượng đầu cơ lợi dụng xúi giục phá rừng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống”-ông Biên cho biết.
LÊ GIA

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.