Ế ẩm chợ đêm Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ lâu, chợ đêm trên đường Nguyễn Thiện Thuật (TP. Pleiku) là đầu mối nông sản lớn của tỉnh. Thế nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng hàng hóa tiêu thụ giảm hơn 20%, nhiều dịch vụ “ăn theo” cũng gặp khó khăn.
Chợ đêm Pleiku trên đường Nguyễn Thiện Thuật có khoảng 350 quầy hàng, là điểm tập kết rau củ quả và trái cây. Hàng đêm có đến 15-20 tấn nông sản từ các nhà vườn trong tỉnh tập kết tại đây. Một số mặt hàng được chuyển từ tỉnh Bình Định lên. Là chợ đầu mối rau củ quả lớn của tỉnh nên nhiều thương lái nhờ nhà vườn chở đến tận chợ đêm để tiện thu gom rồi vận chuyển đi tiêu thụ ở các chợ huyện như: Chư Sê, Chư Prông, Chư Păh, Đức Cơ…
Việc vận chuyển, mua bán ở chợ đêm thường diễn ra từ 2 giờ đến gần 6 giờ sáng hàng ngày. Trong thời gian một số địa bàn phía Đông Nam tỉnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và TP. Pleiku thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ thì lượng nông sản nhập về đây giảm hơn 20% so với ngày bình thường. Chị Nguyễn Thị Thảo-tiểu thương buôn bán lâu năm ở đây cho biết: “Lúc chưa có dịch, chợ đêm đông đúc kẻ bán, người mua. Một mình tôi ngồi bán nhiều lúc không kiểm soát được hết các loại hàng giao cho khách. Từ ngày dịch bệnh bùng phát, người dân cũng ngại tập trung nơi đông người nên lượng khách hàng giảm đáng kể do một số bạn hàng ở huyện nghỉ bán. Riêng lượng hàng của tôi mỗi ngày gửi đi huyện khoảng 7 tạ gồm cả rau củ, trái cây nhưng nay đạt khoảng 5 tạ là mừng lắm rồi”. Cũng theo chị Thảo, kể từ ngày 11-8 đến nay, TP. Pleiku đã thực hiện nới giãn một số nội dung so với Chỉ thị 15 nhưng lượng khách đến chợ đêm chưa nhiều. Nguyên nhân là do nhiều người còn chờ đến khi tình hình dịch bệnh ổn định hẳn mới bán, có người tạm nghỉ vì đang mùa mưa.
Một sạp bán củ quả tại chợ đêm Pleiku vắng bóng người mua. Ảnh: Chí Công
Một sạp bán củ quả tại chợ đêm Pleiku vắng bóng người mua. Ảnh: Chí Công
Bên cạnh đó, chợ đêm Pleiku còn là điểm đến mang đậm nét văn hóa ẩm thực về đêm với phở, bún, xôi gà, bánh mì, cà phê kho, cà phê phin... Khách hàng không cầu kỳ, hàng quán vỉa hè đơn giản và giá cả cũng phải chăng. Ấy thế mà từ khi dịch bệnh bùng phát trên địa bàn, lượng khách ăn uống gần như không còn, nhất là những ngày thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Bà Lê Thị Hoa chia sẻ: “Từ khi dịch bùng phát, việc buôn bán gặp không ít khó khăn. Bình thường tôi bán từ tối đến sáng được khoảng 80-100 tô phở thì bây giờ chì khoảng 40 tô mang đi”.
Buôn bán ế ẩm nên các dịch vụ khác cũng bị ảnh hưởng. Anh Nguyễn Văn Thàn-người chạy xe ôm ở chợ đêm cho biết: “Bình thường mỗi đêm tôi chạy vài cuốc kiếm được 150-200 ngàn đồng, sau khi trừ tiền xăng. Hiện có ngày mới 20 giờ đã thấy đường sá vắng không một bóng người. Cuộc sống khó khăn, giờ ở nhà thì cũng không biết làm gì ra tiền lo cho gia đình. Ai cũng trông ngóng dịch bệnh chóng qua để công việc làm ăn, buôn bán trở lại như trước”.
CHÍ CÔNG

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.